"Chết đứng" vì hồn nhiên đầu tư bất động sản theo… tin đồn

Nhiều người phải trả giá đắt vì đầu tư bất động sản với sự… hồn nhiên.
Không ít người lâm vào cảnh tán gia bại sản, nợ nần chồng chất khi lao vào đầu tư bất động sản (BĐS) theo tin đồn, tin truyền miệng hoặc chạy theo tâm lý đám đông.
Sập bẫy vì giá đất rẻ bèo
Tự nhận mình là nạn nhân của cơn sóng đầu tư nhà đất theo tâm lý bầy đàn, anh Nguyễn Tuấn, nhà ở quận 1, TP.HCM, ngậm ngùi nói: “Tôi không chỉ mất hết vốn mà còn phải gánh thêm khoản nợ kếch xù của ngân hàng. Vì khoản nợ này mà cuộc sống gia đình tôi tan nát”.
Năm 2006, thấy nhiều người kháo nhau giá đất ở khu TP mới Nhơn Trạch, Đồng Nai tăng vùn vụt, mua rồi bán lại chắc chắn sẽ có lời to. Nghe bùi tai, anh Tuấn đổ hết toàn bộ số tiền hơn 10 tỉ đồng tích lũy được, cộng thêm tiền vay ngân hàng để đầu tư mua đất ở khu vực này.
Thời điểm mua, giá đất đang trong cơn sốt, lên tới 6-8 triệu đồng/m2. Nhưng sau đó thị trường bỗng nhiên đóng băng, giao dịch trầm lắng. Những dự án mà trước đây người ta giành nhau mua cho bằng được một vài nền, nay lô nhô vài nóc nhà biệt thự xây dở dang, trở thành bãi chăn thả gia súc của dân địa phương. Giá đất sụt giảm thê thảm hơn 50%, rao bán chỉ 2-4 triệu đồng/m2 cũng không ai đoái hoài.
Một trong những nguyên nhân khiến nhà đất ở khu TP mới Nhơn Trạch lao dốc là do hạ tầng kết nối với TP.HCM không phát triển đúng như kỳ vọng, hạ tầng phát triển kém nên không thu hút được người dân đến ở. Trong khi đó để nhà đất tăng giá cần phải có sự phát triển đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật như điện, đường và hạ tầng xã hội như chợ, bệnh viện, trường học.
“Từ chỗ là một ông chủ nắm trong tay cả ngàn mét vuông đất nhưng tới giờ tôi phải sống dựa vào nghề xe ôm, kiếm từng đồng bạc lẻ. Khoản nợ hơn chục tỉ đồng vẫn còn treo lơ lửng trên đầu, không biết khi nào mới có thể trả nổi” - anh Tuấn chua chát nói.
"Chet dung" vi hon nhien dau tu bat dong san  theo… tin don
 Nhiều biệt thự tại khu dân cư Khang An, phường Phú Hữu, quận 9, TP.HCM bỏ hoang từ nhiều năm nay.Ảnh: THÙY LINH
Anh Tuấn không phải là người duy nhất thất bại cay đắng vì đầu tư theo phong trào. Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ bài học xương máu khi say sưa lao vào cơn sốt đất năm 2007-2008. Thời điểm này giá đất tăng vù vù nên bà quyết định giành 50% vốn tự có và vay ngân hàng 50% để đầu tư mua đất đai. Khi vay lãi suất chỉ ở mức 9%-10%, đùng một cái ngân hàng tăng lãi suất lên 17%-18%, thậm chí cao điểm lên tới 25%.
“Trong ba năm tiền lãi suất đã ăn hết 50%-60% vốn của tôi. Chưa hết giá nhà đất lại giảm ít nhất từ 30% đến 60% khiến tôi lỗ nặng” - bà Hoài Anh cay đắng.
Cũng bị cuốn theo giấc mơ làm giàu nhanh từ đất, chị Nguyễn Hồng Phương bán hết gia sản tại TP.HCM để đầu tư đất tại khu vực Hồ Tràm thuộc huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. Chị Phương kể: Năm 2013, nghe đồn Chính phủ sắp cho cả người Việt vào chơi casino tại khu du lịch ở Hồ Tràm nên chắc chắn lượng khách đến mua đất và chơi bài sẽ tăng gấp bội.
“Lúc đó chỉ có một số người được rỉ tai thông tin vàng này, còn người dân ở đây vẫn chưa biết gì nên giá đất vô cùng rẻ. Một mét vuông đất tại khu vực này chỉ quanh 220.000 đồng, tức là mỗi mét vuông đất tương đương với 1 kg thịt bò. Thấy đất quá rẻ, cơ hội kiếm lời lớn nên tôi bán đứt căn nhà trị giá 10 tỉ đồng trên đường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP.HCM để lấy tiền mua 2.000 m2 đất và sau đó xây nhà nghỉ” - chị Phương kể.
Thế nhưng cho đến tận bây giờ, khách đến casino Hồ Tràm chỉ có người nước ngoài, còn người Việt thì hạn chế vì điều kiện vô cùng khắt khe. “Kế hoạch đón sóng của tôi hoàn toàn thất bại. Đến giờ tôi vẫn đang phải gánh chịu hậu quả từ quyết định quá vội vàng, sai lầm khi nghe tin đồn không chính thống, truyền miệng” - chị Phương chia sẻ.
“Hồn nhiên” mua nhà đất
Từ sự thất bại của chính bản thân mình, bà Lê Hoài Anh đúc kết: “Thị trường nhà đất thường diễn biến khó lường và bất ổn nên nhà đầu tư cần thận trọng, đừng chạy theo đám đông nếu không lại giống với trường hợp của tôi. BĐS đứng hình trong một thời gian dài khiến tôi suýt phá sản và giờ này vẫn đang phải giải quyết hậu quả”.
Chuyên gia BĐS Phan Công Chánh thì nhận xét không ít người Việt có xu hướng đầu tư theo tâm lý đám đông, tức thấy người khác đổ xô đi mua đất cũng nhảy vào đầu tư. Điều đó khiến cho nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy thị trường mà bỏ qua hết kiến thức, những quy luật thị trường và những kinh nghiệm mà người ta biết. Họ còn bỏ qua luôn cả nguyên tắc cơ bản là phải mua BĐS dựa trên giá trị thực chứ không dựa trên giá rao bán.
Ông Chánh phân tích: “Trên thị trường nhà đất luôn có ba trạng thái đó là đi lên, đi ngang và đi xuống. Nhưng những người mua đất theo tâm lý đi tắt đón đầu thường chỉ nghĩ đến kịch bản là giá sẽ tiếp tục tăng cao mà không hề nghĩ tới những hệ lụy như giá sẽ đi ngang hoặc lao dốc. Điều đó có nghĩa những người này chỉ nắm hơn 30% xác suất chiến thắng trong cuộc chơi của thị trường. Họ tham gia vào thị trường với sự hồn nhiên và vô tư như vậy nên khả năng lãnh đủ là rất cao. Bởi bên cạnh chuẩn bị nguồn vốn thì việc kiểm tra quy hoạch, mật độ dân cư, hạ tầng… cũng vô cùng quan trọng”.
Ông Chánh cũng cho rằng nếu nhà đầu tư vừa xuống tiền vào thời điểm giá tăng cao, vừa sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều - vay nhiều tiền để mua nhà đất - trong khi hạ tầng lại chưa phát triển tới nơi tới chốn thì việc thua lỗ là chắc chắn.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nhận xét thời gian qua có hiện tượng đầu nậu và cò đất lợi dụng các thông tin về việc đề xuất các dự án hoành tráng mà nếu được thực hiện sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo TP.HCM. Đơn cử như dự án công viên safari quy mô 400 ha tại huyện Củ Chi; dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ rộng đến 2.000 ha; dự án đại lộ ven sông Sài Gòn dài khoảng 60 km từ huyện Củ Chi về quận 1...
“Các nhà đầu tư thứ cấp lướt sóng theo tâm lý đám đông có thể bị sập bẫy, bị thiệt hại nặng” - ông Châu cảnh báo.
Theo THÙY LINH/Pháp luật TP HCM

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN