Chạy nước rút, Vinachem chỉ mới thoái vốn ở 6 công ty và thu về trên 500 tỷ đồng

Bắt đầu từ giữa năm 2019, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là một trong những doanh nghiệp thoái vốn khá sôi nổi để hoàn thành được lộ trình được Chính phủ giao giai đoạn 2017-2020.
 

Ngày 5/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, với mục tiêu bảo đảm cơ cấu hợp lý, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và sức cạnh tranh, một loạt đơn vị thành viên đang niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ được Vinachem thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu.

Theo kế hoạch, lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc Vinachem giai đoạn 2017-2020 lần lượt là: Thoái vốn tại 15 doanh nghiệp năm 2018, thoái vốn tại 14 doanh nghiệp năm 2019 và thoái vốn tại 4 doanh nghiệp năm 2020.

Trong năm 2018, Vinachem chưa có động thái thoái vốn cụ thể nào, tiến độ diễn ra khá chậm. Nguyên nhân có thể đến từ những khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp, mặt khác là thị trường chứng khoán có diễn biến kém thuận lợi.

Việc chưa thực hiện thoái vốn theo lộ trình trong năm 2018 chính là áp lực buộc Vinachem phải nỗ lực thực hiện thoái vốn trong thời gian còn lại của giai đoạn 2017-2020 để không “vỡ kế hoạch”.

Chay nuoc rut, Vinachem chi moi thoai von o 6 cong ty va thu ve tren 500 ty dong
 Vinachem đã thoái vốn ở 6 công ty và thu về trên 500 tỷ đồng.

Chạy nước rút từ giữa năm 2019

Từ tháng 6/2019, Vinachem liên tiếp công bố thoái vốn khỏi loạt đơn vị thành viên như Cao su Sao Vàng (SRC), Phân bón Miền Nam (SFG), Cao Su Đà Nẵng (DRC), Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (DCI), Bột giặt NET và Incodemic.

Trong tháng cuối năm, Vinachem tiếp tục có kế hoạch bán toàn bộ vốn của Sơn Tổng hợp Hà Nội, Pin Hà Nội (PHN), Ắc quy Tia Sáng (TSB), Xuất nhập khẩu Hóa chất miền Nam (Southchimex) và Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC).

Phần lớn các doanh nghiệp được đưa ra đấu giá nằm trong nhóm mà Vinachem dự kiến chỉ còn sở hữu 36% sau thoái vốn. Riêng tại Incodemic, Vinachem thực hiện thoái hết vốn. 

Điểm chung của các đợt thoái vốn thành công là những doanh nghiệp có tình hình kinh doanh không mấy nổi bật nhưng sở hữu những khu đất vàng.  

Trong đó, phiên đấu giá Cao Su Đà Nẵng, Phân bón Miền Nam, Southchimex và mới đây là TSB không được nhà đầu tư ngó ngàng, phiên đấu giá tại Tập đoàn Hóa chất Đức Giang chưa có kết quả, các phiên đấu giá còn lại đều đạt tỷ lệ thành công 100% giúp Vinachem thu về hơn 500 tỷ đồng.

Liên tục thét giá cao?

Một điều mà Vinachem gây chú ý phải kể đến là mức giá khởi điểm được đưa ra trong mỗi phiên đấu giá.

Nếu mức giá khởi điểm của cổ phiếu SRC, cổ phiếu SFG gấp đôi so với thị giá trung bình trong những phiên giao dịch gần thời điểm thông báo đấu giá thì bất ngờ hơn là mức giá khởi điểm của cổ phiếu DCI gấp gần 40 lần (giá khởi điểm 113.700 đồng/cp).

Hơn nữa, Vinachem mạnh tay đưa ra mức giá khởi điểm 253.300 đồng/cp đối với trường hợp đấu giá của Southchimex - một doanh nghiệp vốn chỉ hơn 9 tỷ đồng.

Khoản đầu tư vào Southchimex được ghi nhận giá gốc tại báo cáo tài chính kiểm toán của Vinachem với giá trị gốc chỉ 4,1 tỷ đồng, nhưng nếu thương vụ đấu giá thành công trọn vẹn Vinachem có thể thu về tối thiểu 117 tỷ đồng.

Việc đưa ra mức giá cao cho mỗi cổ phần khi thoái vốn là điều không khó hiểu, bởi khi định giá doanh nghiệp để đảm bảo mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước ngoài lợi nhuận, dòng tiền, các tài sản của doanh nghiệp cũng được định giá lại theo giá thị trường, theo lợi thế mà doanh nghiệp có được từ sở hữu tài sản.

Theo nhiều ý kiến, trong bối cảnh kết quả kinh doanh trên đà suy giảm, khả năng thành công của các đợt thoái vốn do Vinachem thực hiện phụ thuộc nhiều vào mức độ thu hút nhà đầu tư tổ chức tham gia.

Nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn đến doanh nghiệp có tỷ lệ bán vốn lớn, có những tài sản giá trị nhưng chưa khai thác tốt như đất đai, hoặc doanh nghiệp sản xuất mà đối tác có thể kết hợp hoàn thiện chuỗi giá trị của họ.

Áp lực thoái vốn vẫn đè nặng trong năm 2020

Dù động thái thoái vốn liên tục được đẩy mạnh nhưng công tác này vẫn đè nặng lên Vinachem trong năm 2020.

Đối với các doanh nghiệp do Vinachem nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, sau khi bán bớt một phần vốn, tỷ lệ nắm giữ của Vinachem là 36% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp CSM, BFC, PAC,...

Vinachem sẽ thực hiện thoái hết vốn tại các doanh nghiệp bao gồm XPH, Viapco, IRC Vietnam, TPC Vina, Vinachimex, CEC,... Đối với 4 doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Vinachem sẽ thực hiện thoái hết vốn sau khi các doanh nghiệp hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả là DHB, DDV, DAP2 và Đạm Ninh Bình.

Nếu không có sự đột biến và đột phá, việc hoàn thành kế hoạch thoái vốn được Chính phủ giao cho Vinachem là điều khó nhằn.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN