Chấn động các vụ lừa đảo tiền ảo ở Việt Nam

Giám đốc của công ty đào tiền ảo Sky Mining “biến mất” với 30 triệu USD đã khiến cho nhiều người "ngã ngửa" khi phát hiện mình bị lừa.
 
Tiền ảo Sky Mining
Ngày 23.7, nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào Công ty Sky Mining (còn gọi là Hợp tác xã Bầu Trời Công Nghệ) đã lên tiếng tố cáo khi không thể liên lạc được với Tổng giám đốc Lê Minh Tâm.
Vào ngày 25.7, ông Lê Minh Tâm - Tổng Giám đốc Công ty đào tiền ảo Sky Mining, đã lên website nội bộ của Sky Mining tuyên bố phá sản và hứa sẽ trả lại tiền cùng máy đào tiền ảo cho nhà đầu tư.
Theo Phó Tổng Giám đốc Lê Minh Hiếu, ông Tâm đã đi Mỹ cùng với khối tài sản khoảng vài chục triệu USD của công ty và nhà đầu tư.
Sky Mining được thành lập cuối năm 2017 tại huyện Bình Chánh để huy động đầu tư mua máy đào tiền ảo và ăn chia theo tỉ lệ đóng góp. Website của Sky Mining quảng bá đây là công ty tiền ảo "lớn nhất Việt Nam", "đào coin tốt nhất Việt Nam", "lợi nhuận khủng"... Công ty chuyên về đầu tư mua máy tính khai thác phần mềm giải mã thuật toán. Sky Mining dự tính tới năm 2019 sẽ phủ sóng toàn Việt Nam và mang thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng cho nhà đầu tư.
Khi Tổng Giám đốc Lê Minh Tâm biến mất, nhiều người tuyên bố bị Sky Mining lừa đảo vì đã dành từ 5-10 tỷ đồng để lấy lãi 0,6% mỗi ngày, nhưng nay còn chưa kịp thu hồi vốn.
Tiền ảo iFan
Đầu tháng 4, hàng chục nhà đầu tư đã kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech giăng băng rôn tố cáo công ty này đã chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo Ifan, Pincoin.
Tiền ảo này khi công bố đều được gắn mác là tiền quốc tế được thành lập tại Singapore hay Ấn Độ. Đơn vị vận hành giới thiệu iFan là tiền ảo sử dụng cho các dịch vụ liên quan showbiz, nên nó đã qua mắt được cả những chuyên gia.
Modern Tech cam kết với nhà đầu tư khoản lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng tại các sự kiện tổ chức hoành tráng năm 2017. Nếu mời được thành viên mới vào hệ thống còn được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.
Sau một thời gian ngắn được trả lãi, đồng tiền ảo này đã biến mất vì bị xét vào nhóm tiền ảo rác, không có giá trị giao dịch quốc tế. Nhà đầu tư vào đồng tiền này chỉ còn lại danh mục có giá trị được cho là lên đến 15.000 tỷ đồng nhưng không thể rút ra, lãi lùi về 0%.
Tiền ảo AOC
Đồng tiền ảo có tên Alos Coin (viết tắt là AOC) đã vươn vòi đến các vùng quê nghèo và gây chú ý với nhiều người dân tại tỉnh Bắc Giang cuối năm 2017.
Với mức lợi nhuận mời chào khi đầu tư vào tiền ảo AOC lên tới 180% mỗi năm, gấp 20 lần gửi ngân hàng, không ít người đã bán nhà bán cửa để đầu tư cho AOC. Tuy nhiên, khi những người đứng đầu hệ thống này biến mất, người dân nghèo mới khóc than, tá hỏa vì bị lừa.
Sau khi bị điều tra, đường dây lừa đảo tiền ảo này đã lộ diện với chân rết tại 10 tỉnh thành, hơn 1.400 người tham gia cùng số tiền hàng chục tỷ đồng.
Theo P.D/Lao động

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN