Trong quá khứ cũng đã có giai đoạn cổ phiếu này lội ngược dòng tăng mạnh nhưng sau đó lại rớt thảm. Vậy tại sao cổ phiếu bất động sản này lại tăng mạnh như vậy? Liệu nhà đầu tư có nên cẩn trọng với việc tăng giá quá mạnh của cổ phiếu này hay không?
Lội ngược dòng
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử của mình trong phiên giao dịch đầu tuần rồi. Gần một nửa cổ phiểu đang niêm yết giảm về mức giá sàn. Cũng vào tối đầu tuần rồi các chỉ số chứng khoán châu Âu và Mỹ cũng có một phiến giảm điểm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua. Các chỉ số đều giảm 20 đến 30% trong mấy phiên dịch gần đây. VN-Index đã giảm hơn 30% kể sau tết âm lịch đến nay.
Bất chấp việc giảm mạnh của toàn thị trường, cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai vẫn tăng mạnh. Cổ phiếu nay đã tăng từ mức 3.700 đồng ngày 26/02, này lên tới 10.020 đồng cổ phiếu (18/03), tức tăng gần gấp 3 lần chỉ sau 3 tuần. Việc QCG tăng mạnh như vậy được xem là một hiện tượng rất đặc biệt đi ngược lại diễn biến của thị trường.
Cổ phiếu QCG đã tăng trưởng ngoạn mục trong sự ngỡ ngàng của không ít người bởi chỉ trước đây không lâu khi nói về Quốc Cường Gia Lai thì mọi người thường khá bi quan. Giá cổ phiếu đang thấp hơn 1 li trà đá hầu hết các mảng kinh doanh của doanh nghiệp này như thủy điện, cho thuê văn phòng đều không đạt được kết quả khả quan. Đặc biệt, thời gian qua việc kinh doanh bất động sản nói chung của các doanh nghiệp đều rất khó khăn. Đối với Quốc Cường Gia Lai thì sự khó khăn dường như gấp bội bởi doanh nghiệp này đang có nhiều dự án bị thanh tra và không thể triển khai được.
Nguyên nhân từ đâu
Việc QCG tăng được xem là một điều khá bất ngờ với không ít nhà đầu tư bởi kết quả kinh doanh của QCG trong những năm qua không thực sự khả quan. Báo cáo tài chính năm 2019 của QCG cho thấy doanh thu của công ty đạt 858 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng. Như vậy, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của QCG năm 2019 chỉ đạt 1,89%, lợi nhuận trên mỗi cổ phần đạt 292 đồng/cổ phiếu.
Từ năm 2011 đến nay, kết quả kinh doanh của QCG cũng hết sức tệ hại. Trừ năm 2017, ROE đạt 10%, những năm còn lại cũng chỉ quanh mức 1-2%, thậm chí năm 2011 QCG còn chịu thua lỗ. Như vậy, ngay cả giai đoạn thị trường bất động sản phục hồi mạnh nhất thì QCG cũng không nắm bắt được thời cơ và doanh nghiệp tiếp tục chìm đắm trong khó khăn.
Vậy tại sao cổ phiếu này lại tăng mạnh mẽ trong những phiên gần đây? Cho đến nay không có thông tin mới về hoạt động của Quốc Cường Gia Lai được công khai. Như vậy, ngoại trừ những người nội bộ hoặc một số đối tác liên quan thì nguyên nhân thực sự khiến cho cổ phiếu QCG tăng thì phần lớn nhà đầu tư đều không thể biết.
Tuy nhiên, nhiều dự đoán cho rằng nguyên nhân chính khiến cho cổ phiếu QCG tăng mạnh là nhiều nhà đầu tư kỳ vọng TP.HCM sẽ giúp Quốc Cường Gia Lai tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản. Cụ thể, trong cuộc gặp giữa UBND thành phố Hồ Chí Minh và 36 doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Thành phố vào ngày 22 tháng 2 vừa qua được kỳ vọng nhiều bởi những vướng mắc về đất đai quá lâu làm cho nhiều doanh nghiệp khó khăn.
Được biết, hiện Quốc Cường Gia lai đang còn 6 dự án chờ được gỡ vướng, trong đó đặc biệt là dự án Phước Kiển với diện tích 91 ha đã triển khai 10 năm nhưng vẫn chưa thể tiến hành được. Mức giá vốn của dự án đang được ghi nhận khoảng 6.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu giá đất dự án này chỉ cần bán được trung bình 20 triệu/m2, thì có thể mang đến cho QCG khoản lợi nhuận hàng chục nghìn tỷ đồng. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến cho giá cổ phiếu này tăng vọt trong thời gian qua.
Cẩn trọng bẫy tăng giá
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên cổ phiếu QCG tăng giá bởi kỳ vọng về việc chuyển nhượng thành công dự án bất động sản. Trước đó, năm 2017, cổ phiếu QCG cũng đã có một đợt tăng lên rất mạnh từ mức 4.400 đồng, tăng vọt lên 28.000 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm đó cũng có thông tin cho rằng QCG cũng đã đạt được bước đầu trong việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển và mang về món lợi nhuận hàng chục nghìn tỷ đồng.
Sau đó các nguồn tin xác nhận QCG đã nhận đặt cọc 50 triệu USD từ công ty Sunny Land, một pháp nhân mới được thành lập để chuyển nhượng dự án này. Tính đến cuối năm 2019, tổng số tiền mà QCG “đặt cọc” của Suny để mua dự án này là 2.882,8 tỷ đồng. Nhờ số tiền này, QCG đã trả bớt một phần nợ đọng quá lâu cho các ngân hàng, giải quyết khó khăn tài chính cho doanh nghiệp này.
Trước đó, tại ĐHCĐ Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Quốc Cường Gia lai cho biết hiện dự án Phước Kiển vẫn còn 4% diện tích chưa đền bù giải phóng mặt bằng được. Việc đền bù, giải phóng mặt bằng đang gặp rất nhiều khó khăn bởi người dân có đất ở đây đang đòi giá đền bù quá cao.
Như vậy, việc QCG tăng giá mạnh ắt hẳn có nguyên nhân đằng sau đó. Tuy nhiên, liệu rằng QCG có chuyển nhượng thành công dự án hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng “đất công” tại TP HCM vẫn còn là một vấn đề rất lớn và chưa thấy có lời giải vào lúc này. Do đó, không cẩn trọng nhà đầu tư lại sập bẫy cổ phiếu QCG giống như 3 năm trước.