Fe Credit, HD Saison lên kế hoạch IPO
Công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu, chiếm tới quá nửa thị phần thị trường tài chính tiêu dùng trong nước có thể kể đến Fe Credit - Công ty tài chính tiêu dùng của VPBank.
FE Credit tiền thân là Khối tín dụng tiêu dùng của VPBank. Sau này, VPBank mua lại công ty tài chính Than khoáng sản Việt Nam, đổi tên thành FE Credit và chuyển dần hoạt động của khối tín dụng tiêu dùng sang đây.
Tổng giám đốc Fe Credit - ông Kalidas Ghose từng đánh giá dịch bệnh đã tác động tiêu cực lên nhiều mặt đời sống ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, và công ty tài chính cũng không là trường hợp ngoại lệ, khiến cho các khoản cho vay của công ty này chậm lại đáng kể.
Song với định hướng kiểm soát rủi ro nên trong thời gian qua Fe Credit cũng đã giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu từ mức 6% cùng kỳ 2019 xuống chỉ còn 4,4% như hiện nay - con số thấp trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của VPBank, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, Fe Credit trong thời gian qua đã siết chặt hoạt động hơn rất nhiều, chẳng hạn tạm thời dừng tăng trưởng, tập trung vào nhóm khách hàng ít rủi ro hơn, tăng bán chéo, tìm cách kiểm soát rủi ro.
Đến thời điểm cuối tháng 5, Fe Credit mới chỉ tăng trưởng tín dụng hơn 1% và cũng xác định sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ trong tháng 6 với mức tăng trưởng chỉ khoảng 1-2%.
Theo báo cáo về kết quả kinh doanh trong năm 2019, Công ty Tài chính FE Credit cho biết tổng khối lượng giải ngân cả năm đạt 72.500 tỷ đồng, tăng 19% so năm 2018. Dư nợ vào khoảng 60.594 tỷ đồng, vượt 13,7%.
Ngoài việc kiểm soát nợ xấu, gia tăng tín dụng thì kế hoạch IPO của Fe Credit cũng được giới đầu tư quan tâm. Trong đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận chuyển đổi FE Credit từ mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần. Việc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần là một bước đi cần thiết để FE Credit có thể đẩy nhanh thực hiện IPO.
Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, thời gian qua đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư về việc bán một phần vốn Fe Credit, và cũng đã có kết quả tích cực.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên quá trình đàm phán tạm thời bị gián đoạn song HĐQT tin rằng quá trình này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và sẽ đạt mục tiêu vì Fe Credit rất hấp dẫn trong ngành tài chính tiêu dùng.
|
Các công ty tài chính tiêu dùng lên kế hoạch như thế nào cho năm 2020? |
Một trong những ông lớn về tài chính tiêu dùng khác là HD Saison – công ty tài chính của HDBank cũng đang lên kế hoạch IPO.
HD Saison tiền thân có tên gọi tắt là SGVF, thuộc sở hữu của Ngân hàng Pháp Société Générale. Sau khi được HDBank mua lại, SGVF đổi tên thành HDFinance. Đến tháng 3/2015, Credit Saison (Nhật Bản) đầu tư vào HDFinance, nắm giữ 49% vốn điều lệ và HDFinance sau được đổi tên thành HD Saison.
HD Saison hiện có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Trong đó, HDBank nắm 50% vốn điều lệ, đối tác Credit Saison của Nhật Bản sở hữu 49% và Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) giữ 1%. Đây là 1 trong 3 công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất tại Việt Nam cùng FE Credit, Home Credit.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của HDBank, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết HDBank đang đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi Công ty Tài chính TNHH HD Saison sang mô hình cổ phần và có thể tiến tới IPO.
Tính đến cuối năm 2019, HD Saison đã cung cấp tín dụng cho hơn 6 triệu khách hàng, danh mục cho vay của HD Saison bao gồm 42% cho vay xe máy; 25% cho vay thiết bị gia dụng; 33% cho vay tiền mặt và 0,002% cho vay các sản phẩm mới khác như vay trực tuyến mua vé máy bay Vietjet Air.
MCredit sẽ củng cố mô hình cho vay trả góp
Mcredit được thành lập ngày 10/3/2016 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng do MBBank sở hữu 100% vốn. Tháng 10/2017, MCredit hoàn tất thủ tục liên doanh với đối tác Nhật Bản Shinsei Bank, đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei. Đến tháng 3/2018, MCredit tăng vốn điều lệ lên mức 800 tỷ đồng, trong đó MBBank vẫn giữ tỷ lệ góp vốn 50%.
Trong một báo cáo phân tích, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra dư nợ cho vay tại MCredit tăng trưởng khá mạnh tới 57% trong năm 2019, MCredit đang duy trì lãi suất cho vay trung bình ở mức khoảng 40% - 45%/năm, cho ra biên lãi ròng trên 20%.
Khoản vay tiền mặt chiếm tỷ trọng hơn 70% trong danh mục cho vay của MCredit. Với việc Thông tư 18/2019 có hiệu lực, MCredit đặt ra kế hoạch tái cơ cấu danh mục cho vay. Trong đó, để giảm dần tỷ trọng cho vay tiền mặt, các khoản cho vay mua xe máy và điện thoại điện máy dự kiến sẽ được đẩy mạnh, cùng với việc ra mắt thẻ tín dụng dự kiến vào tháng 3/2020.
Trên cơ sở này, VDSC dự báo tăng trưởng cho vay và thu nhập lãi của MCredit sẽ chậm lại, trong khi chi phí hoạt động nhiều khả năng sẽ tăng nhanh hơn khi công ty tập trung mở rộng mạng lưới điểm bán và cho vay có mục đích.
VDSC cho rằng dư nợ tài chính tiêu dùng tại MCredit đang chiếm tỷ trọng 3,9% tổng cho vay và tỷ lệ nợ xấu đang ở mức xấp xỉ 7%.
Về vấn đề nợ xấu này, lãnh đạo MCredit cho biết công ty tài chính có đặc thù là kinh doanh tín chấp, nên việc thu hồi nợ và có nợ xấu là hiện hữu. Trong năm nay MCredit đang giảm dần tỷ trọng cho vay tiền mặt nên rủi ro sẽ giảm xuống. Ngân hàng cũng củng cố lại mô hình cho vay trả góp, đưa tỷ trọng cho vay trả góp lên 40 - 45%.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của MBBank, Phó Chủ tịch HĐQT MBBank kiêm chủ tịch MCredit - bà Vũ Thị Hải Phượng cho biết MCredit trong thời gian qua phát triển theo hướng gia tăng thị phần nên có phần "nóng".
Do đó, HĐQT đã yêu cầu tái cơ cấu toàn diện để đưa MCredit lên tầm cao mới, phù hợp với khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Công ty cũng xây dựng hệ thống định hình mô hình tài chính tiêu dùng nhân văn.
Năm nay, MCredit cũng sẽ kiện toàn lại toàn bộ hoạt động, tăng cường vai trò của các uỷ ban, tăng cường các quy chế để quản trị tốt hơn, ưu tiên xây dựng hệ thống hiện đại để tạo ra năng lực cạnh tranh của công ty nhằm tiết giảm chi phí, tăng cao hiệu quả hoạt động.
Chia sẻ tại Đại hội, lãnh đạo MBBank cho biết trong 5 tháng đầu năm, ước tính nợ xấu của MCredit kiểm soát dưới 6%, tỷ lệ trôi nợ (đặc thù của công ty tài chính) là dưới 4% và lợi nhuận khoảng 120 tỷ đồng.