Kết thúc phiên giao dịch 17/1, VN-Index giảm 43 điểm cuối phiên tương ứng 2,89%, về 1,452.84 điểm. HNX-Index mất 21,52 điểm tương ứng 4,61% về 445 điểm. UPCoM-Index mất 3,1 điểm tương ứng 2,76% về 109,12 điểm.
Số mã giảm sàn đột ngột gia tăng, có đến 185 mã giảm sàn trong đó sàn HoSE có đến 125 mã sàn, HNX có 49 mã sàn và UPCoM có 10 mã giảm sàn.
Nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra quan điểm thận trọng hơn về xu hướng thị trường và khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế bắt đáy, đặc biệt với các cổ phiếu đầu cơ.
Trong bản tin nhận định, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá với đà giảm nhanh, có thể dòng tiền sẽ có hoạt động "bắt đáy" trong phiên tiếp theo và thị trường sẽ có dao động mạnh. Tuy nhiên, áp lực cản khi thị trường tăng điểm vẫn đang lớn và rủi ro tiềm ẩn cao.
VDSC cho rằng độ bất ổn và rủi ro thị trường hiện đang ở mức cao nên nhà đầu tư cần thận trọng và hạn chế gia tăng rủi ro danh mục, đồng thời nên tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Cũng có quan điểm thận trọng, Chứng khoán Agriseco cho biết VN-Index đã xuyên qua đường hỗ trợ MA50, chạm dải dưới của dải Bollinger Band và có xu hướng tìm về vùng hỗ trợ gần nhất quanh mốc 1.440 điểm. Ngoài ra, thứ 5 tuần này sẽ diễn ra phiên đáo hạn phái sinh đầu tiên của năm 2022, dự báo thị trường có thể xuất hiện các biến động bất thường.
Trước mắt, Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng, không nên giải ngân thời điểm này và có thể canh những nhịp hồi để hạ tỷ trọng danh mục.
|
Chứng khoán nhận định tiêu cực về phiên 18/1. |
Cùng quan điểm, Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá lực bán mạnh về cuối phiên 17/1 đã kích hoạt tâm lý khá tiêu cực và tạo hiệu ứng dây chuyền trên thị trường.
Mặc dù vậy, điểm tích cực là thanh khoản cả về giá trị lẫn khối lượng chưa thực sự đột biến, cho thấy đà giảm có thể sẽ không kéo dài lâu. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, VCBS cho rằng nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý đến chuyện hạn chế rủi ro và bảo vệ thành quả đầu tư sau một giai đoạn chỉ số chung đã tăng điểm tích cực và “lập đỉnh” trước đó.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tạm thời chưa nên vội vàng bắt đáy trong giai đoạn thị trường vẫn đang biến động mạnh như hiện tại, và vẫn nên cân nhắc chốt lời danh mục ngắn hạn cũng như loại bỏ các cổ phiếu đầu cơ ra khỏi danh mục, đồng thời hạ tỷ trọng đòn bẩy và tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư với các mức cắt lỗ đã đề ra của các cổ phiếu đang nắm giữ trong danh mục hiện tại.
Chứng khoán Asean (Aseansc) cho rằng xu hướng ngắn hạn của thị trường trở nên tiêu cực hơn khi chỉ số VN-Index ghi nhận một phiên giảm mạnh 17/1 kèm thanh khoản gia tăng. Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dài dạng ‘Marubozu’ với giá đóng cửa nằm dưới các đường trung bình động ngắn hạn quan trọng là MA20 ngày và MA50 ngày, kèm thanh khoản cải thiện, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế, và xu hướng ngắn hạn trở nên tiêu cực hơn.
Dự báo trong phiên giao dịch 18/1, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.440–1.450 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.420–1.430 điểm.
Ngược lại thì Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng thị trường giảm điểm phiên 17/1 có thể do tâm lý nhà đầu tư đang có sự tiêu cực nhất định trước những diễn biến cũng như thông tin trên thị trường.
Bên cạnh đó, tâm lý nghỉ Tết sớm đang dần xuất hiện cũng khiến cho lực cầu trở nên hạn chế hơn trước. Sau phiên giảm 17/1 thì VN-Index đã đánh mất vùng hỗ trợ trong khoảng 1.480-1.495 điểm (MA20-50) khiến cho xu hướng tăng của thị trường bị ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng.
Trước mắt, VN-Index đang có 2 ngưỡng hỗ trợ tâm lý tiếp theo lần lượt là 1.450 điểm và 1.400 điểm và vùng giá tạo bởi hai ngưỡng trên được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường trong phiên 18/1.
Lần gần đây nhất vào phiên 6/12/2021, VN-Index đã hồi phục sau khi chạm hỗ trợ tâm lý 1.400 điểm trong phiên. Nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy trong phiên 12/1 có thể tiếp tục nắm giữ và canh những nhịp giảm điểm về vùng hỗ trợ 1.400-1.450 điểm trong phiên tiếp theo để giải ngân thêm.