Ông Dũng phân tích, lợi ích của Việt Nam khi đầu tư trung tâm tài chính là thu hút các công ty đa quốc gia, định chế tài chính lớn; nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam; dòng tiền chảy vào giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn; đồng thời tăng thu ngân sách nhà nước thông qua thuế, lệ phí giao dịch tài chính.
Đến năm 2020, châu Á sẽ chiếm tới 50% tầng lớp trung lưu của thế giới. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.
Trong khi đó, TP HCM đang có tiềm năng cho sự hình thành của một trung tâm tài chính quốc tế với những ưu thế như sàn giao dịch chứng khoán sôi động, nằm ở vị trí chiến lược, đầu tư cơ sở hạ tầng tốt như sân bay Long Thành và mở rộng Tân Sơn Nhất; kinh tế phát triển với sự xuất hiện của nhiều tổ chức tài chính; chất lượng cuộc sống tốt hơn khi nguồn nhân lực trẻ, năng động, chất lượng cao.
|
Bộ trưởng Dũng đề xuất đặt trung tâm tài chính tại toàn bộ quận 7, Nhà Bè, một phần Bình Chánh và Cần Giờ |
Tuy nhiên ông Dũng cũng lưu ý rằng, để thu hút được nhân tài, bản thân trung tâm tài chính phải có hạ tầng tốt nhất, cuộc sống chất lượng nhất. Cần có những thể chế, pháp luật, chính sách cạnh tranh. Bởi hiện giờ TP HCM mới dự kiến ra đời trung tâm tài chính nhưng đi sau hơn rất nhiều nên cần có thể chế vượt trội, cạnh tranh được với các trung tâm tài chính khác trong khu vực và quốc tế mới thành công được.
Do đó, để thành lập được trung tâm tài chính, thì một số vấn đề mà TP HCM cần cải thiện là vấn đề quá tải cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất còn kém phát triển, mức độ liên kết định chế tài chính thấp; mức độ đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng thấp, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp.
Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng đề xuất, nghiên cứu xem xét vị trí trung tâm tài chính tại khu vực toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh và Cần Giờ (>10.000 ha).