Một số hãng hàng không kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% và điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không từ mức 7% xuống 0%.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau, trong thời gian qua, để kịp thời hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước nói chung, ngành hàng không nói riêng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp ngành hàng không), tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ là khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2021, các giải pháp hỗ trợ đã được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng (trong đó có một số giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra như giảm mức thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; miễn tiền chậm nộp thuế).
Riêng đối với ngành hàng không, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành 03 Nghị quyết (Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/7/2020 và Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020, Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021) quy định giảm 30% đến 50% mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay. Trong đó, mức giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay áp dụng trong năm 2022 là 50%.
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và sự tăng giá mặt hàng xăng, dầu gần đây đã tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước, không chỉ riêng ngành hàng không.
Năm 2022, nhằm tiếp tục hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế có thể sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó tiếp tục thực hiện các giải pháp giãn, giảm một số khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với quy mô khoảng 223 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, so với nhiều ngành sản xuất khác thì đối với ngành hàng không bên cạnh được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí chung còn được áp dụng chính sách hỗ trợ về giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay ngay từ khi thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Trong bối cảnh cân đối NSNN còn khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, việc đặt vấn đề bổ sung thêm các giải pháp để hỗ trợ cho ngành hàng không cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước.
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng nhiên liệu bay là 7%. Nhiên liệu bay nhập khẩu từ một số quốc gia có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam là thành viên được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp hơn (5%) trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại (ví dụ như theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định ASEAN -Trung Quốc).
Bên cạnh đó, chính sách thuế TNDN, thuế GTGT hiện đang được quy định tại Luật thuế TNDN và Luật thuế GTGT. Do đó, kiến nghị giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống mức 5% và miễn thuế TNDN cho các doanh nghiệp hàng không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Riêng đối với thuế GTGT, hiện nay, các doanh nghiệp hàng không cũng đang được hưởng lợi từ chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 nêu trên.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số11/NQ-CP, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho một số đối tượng, trong đó có ngành hàng không.
Liên quan đến việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% về 8% nhằm hỗ trợ DN phục hồi sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, cùng một đơn hàng, DN phải chia 2-3 hóa đơn cho mỗi loại hàng hóa được giảm thuế. Quy định này khiến DN phát sinh chi phí.
Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) lý giải, tại Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định: Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Như vậy theo quy định, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Trên thực tế trên mẫu hóa đơn của doanh nghiệp, chỉ tiêu thuế suất được thiết kế theo dạng cột nên cơ sở kinh doanh có thể lập hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ có nhiều thuế suất khác nhau trên cùng một hóa đơn, trong đó có hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế.
Việc lập hóa đơn riêng là thuận lợi trong việc phân loại, quản lý những hóa đơn của những hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, tuy nhiên làm tăng thời gian của kế toán doanh nghiệp và chi phí sử dụng hóa đơn, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa đơn trong ngày.
Trường hợp nếu doanh nghiệp thấy khó khăn khi tách hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế nên không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế thì người tiêu dùng lại không được thụ hưởng lợi ích từ chính sách, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Hiện nay Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP được gộp vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP theo thủ tục rút gọn (hồ sơ đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo công văn số 3686/BTC-TCT ngày 22/4/2022) theo hướng:
“4. Trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế GTGT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này".