Quy định này xuất phát từ thực tế các doanh nghiệp đại chúng thường có lượng cổ đông lớn, phân bổ ở nhiều nơi, nếu cổ đông không sinh sống gần nơi công ty đóng trụ sở thì khó có thể tham dự đại hội.
Tuy nhiên, từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực đến nay, việc áp dụng hình thức bỏ phiếu từ xa ít được sử dụng.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng ngừa lây lan bệnh dịch Covid-19, doanh nghiệp và cổ đông chú ý hơn tới hình thức này.
Một số doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông và kêu gọi cổ đông có thể ủy quyền cho các thành viên hội đồng quản trị của công ty hoặc bỏ phiếu từ xa.
Tuy nhiên, hậu đại hội, nhiều trường hợp cổ đông bức xúc vì phiếu biểu quyết, ý kiến chất vấn gửi đến lãnh đạo doanh nghiệp không được ghi nhận.
Đơn cử như tại Tổng CTCP Phát triển khu công nghiệp Sonadezi (SNZ, UPCoM), một cổ đông đã phản ánh với Đầu tư Chứng khoán về việc đã gửi email phiếu biểu quyết tới 3 địa chỉ do Công ty cung cấp, bao gồm email của Công ty, email nhân sự phụ trách và nhận được email xác nhận rằng Công ty đã nhận được.
Cổ đông này biểu quyết không đồng ý đối với tất cả các tờ trình. Dù vậy, biên bản Đại hội cổ đông lại vẫn ghi nhận tỷ lệ biểu quyết thông qua là 100% và không ghi nhận các ý kiến chất vấn của cổ đông.
Cổ đông này cho rằng, dù bản thân ông chỉ một cổ đông nhỏ, phiếu biểu quyết của ông không thay đổi việc các tờ trình được thông qua nhưng cổ đông nhỏ cũng cần được tôn trọng.
Hay trường hợp của CTCP Cấp nước Nhơn Trạch, một cổ đông đã gửi văn bản biểu quyết kèm ý kiến góp ý bằng văn bản, gửi bảo đảm tới Công ty. Tuy nhiên, khi biểu quyết, ý kiến không đồng ý của cổ đông không được tính. Công ty vẫn ghi nhận tỷ lệ đồng ý là 100%.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo của Sonadezi cho biết, sau khi kiểm tra lại nội dung phản ánh của cổ đông thì thấy cổ đông gửi phiếu biểu quyết muộn và nội dung không liên quan đến cuộc họp.
Cụ thể, theo tài liệu và thông báo mời họp, Công ty đề nghị cổ đông biểu quyết theo phiếu biểu quyết trên website, gửi về Công ty trước 8h30’ ngày 28/4 (ngày tổ chức Đại hội) theo địa chỉ, số điện thoại của Công ty và số điện thoại, email của người có trách nhiệm tiếp nhận phiếu biểu quyết.
Tại Đại hội có 13 cổ đông gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp và được ghi nhận trong biên bản. Cổ đông nói trên gửi email không đúng địa chỉ tiếp nhận và gửi vào lúc 8h32’ngày 28/4. Lúc đó, Công ty đã tiến hành họp.
Đối với các nội dung chất vấn của cổ đông, đại diện Sonadezi cho rằng, rất nhiều nội dung liên quan đến các công ty con, công ty cháu, các nội dung này không thuộc chương trình cuộc họp, do đó, Công ty không đưa vào biên bản họp.
Được biết, Sonadezi có vốn điều lệ là 3.765 tỷ đồng, trụ sở chính tại Biên Hòa, Đồng Nai. Công ty có hàng loạt dự án khu công nghiệp như Châu Đức, Giang Điền, Thạnh Phú, Long Thành, Biên Hòa 2, Nhơn Trạch 2...
Một điểm thị trường quan tâm ở doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản khu công nghiệp này là thoái vốn Nhà nước.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Nhà nước dự kiến thoái tối thiểu 34,54% vốn điều lệ của Công ty. Hiện tỷ lệ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 99,54%, do UBND tỉnh Đồng Nai làm đại diện chủ sở hữu.
Do vướng mắc trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch thoái vốn. Hiện vẫn chưa có quyết định điều chỉnh của Thủ tướng Chính phủ.
Tương tự, ông Ngô Đương Đại, Tổng giám đốc CTCP Cấp nước Nhơn Trạch cho biết, Công ty đã kiểm tra lại và xác nhận có nhận được phiếu biểu quyết và ý kiến góp ý của cổ đông nhưng cổ đông gửi muộn. Công ty chỉ nhận được sau khi Đại hội đã diễn ra.
Mặc dù còn một số trường hợp cổ đông bức xúc vì việc bỏ phiếu từ xa chưa được trôi chảy, nhưng nhìn chung một bộ phận doanh nghiệp đã chú ý đến công tác này.
Ví dụ tại Đại hội cổ đông thường niên 2019 của CTCP May Phan Thiết, một cổ đông của Công ty đã gửi phiếu biểu quyết đến nhưng không được tổng hợp vào kết quả bỏ phiếu.
Năm nay, cổ đông của Công ty chia sẻ sau khi nhận được phiếu biểu quyết, Công ty đã liên hệ, trao đổi trực tiếp với cổ đông các vấn đề cổ đông góp ý, kiến nghị.
Giữa công ty và cổ đông đã có được sự thấu hiểu trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Cuối cùng, cổ đông đã rút lại ý kiến ban đầu và biểu quyết đồng ý với mọi tờ trình.
Có thể thấy, nếu doanh nghiệp chú trọng thực hiện công tác quan hệ với nhà đầu tư, tôn trọng cổ đông thì sẽ hạn chế sự bức xúc và gay gắt của cổ đông trong và sau đại hội.