Với sự tham gia của 305 cổ đông, đại diện cho 33,3% cổ phần có quyền biểu quyết, CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Mã APS) vào ngày 8/6 đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 (AGM 2023) với nhiều nội dung quan trọng được thông qua.
Lưu ý rằng, phải đến lần triệu tập thứ 2 công ty này mới đủ túc số để tổ chức AGM 2023. Diễn biến này tương tự cách đây gần 1 năm khi AGM năm 2022 của APS cũng đến lần 2 mới tổ chức thành công.
Còn nhớ chỉ cách đây hơn 2 năm, trong giai đoạn thăng hoa của thị trường chứng khoán (chính xác là 2021 - đầu 2022), APS là một trong những mã cổ phiếu đáng chú ý thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư “F0”.
Khoảng thời gian này đánh dấu thanh khoản APS tăng đột biến khi đạt hàng triệu đơn vị/phiên. Cùng với đó là nhiều nhịp tăng đưa APS leo lên mức đỉnh vào phiên 18/11/2021 với 59.900 đồng/cổ phiếu, trước khi “đổ đèo” lao dốc giai đoạn sau đó.
Tận dụng diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán trong năm 2021, APS đã đẩy mạnh việc tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ và cho cổ đông hiện hữu. Các đợt huy động chính với số lượng lớn có thể kể đến như phát hành 3,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ (ngày kết thúc đợt chào bán là 8/11/2021) và chào bán 39 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu (tháng 14/9/2021).
Đồng pha với diễn biến thị giá cổ phiếu APS là bộ đôi API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương và IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam.
Giai đoạn 2021-2022 ghi nhận cả IDJ và API đều tăng giá rất mạnh. Trong đó, IDJ và API lần lượt đạt "đỉnh" ở mức 42.530 đồng/CP ở phiên 18/11/2021 (cùng phiên APS đạt đỉnh) và 55.640 đồng/CP trong ngày 15/11/2021.
Giống APS, đây cũng là giai đoạn gắn với những đợt tăng vốn rất mạnh của cả 2 doanh nghiệp này.
Trước hết, IDJ vào tháng 2/2021 đã phát hành thành công ra công chúng 32,6 triệu cổ phần với mức giá 10.000 đồng/CP (ngày 26/2/2021). Trong đó có 3,7 triệu cổ phần riêng lẻ chưa phân phối hết đã được mua bởi APS, bà Mai Thúy Vân, bà Phạm Thị Tươi, bà Trần Thị Đạt - APEC, bà Lê Thu Hương - APEC, bà Phạm Thị Đức Việt – Trưởng ban Kiểm soát APS.
Ngày 9/3/2022, IDJ tiếp tục phát hành thành công 73,5 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/CP.
Trường hợp của API có khác biệt đôi chút so với IDJ và APS. API không tăng vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ hay cho cổ đông hiện hữu. Giai đoạn 2021-2022, API chỉ có duy nhất một đợt chia cổ tức thưởng (vào tháng 9/2022) thông qua phát hành 45,8 triệu cổ phần.
2021 cũng là năm đỉnh lợi nhuận của bộ 3 APS, IDJ và API (xét trong giai đoạn 2017-2022). Nên nhớ rằng, đây là giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp gặp khó và lao đao.
Nhìn chung, với cơ cấu cổ đông khá "loãng" sau nhiều lần phát hành, cộng thêm thị trường chứng khoán năm 2022 diễn biến không thuận lợi, HĐQT cả 3 doanh nghiệp này trong cùng ngày 22/12/2022 đã có Nghị quyết rút kế hoạch chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Tại AGM năm 2023, ngoại trừ APS, các kế hoạch tăng vốn này đều được trình lại và thông qua.
Cụ thể, AGM của IDJ đã thông qua nội dung triển khai phương án phát hành 173,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1. Giá chào bán cho cổ đông dự kiến 10.000 đồng/CP.
Tương tự, AGM API cũng thông qua việc triển khai thực hiện phương án phát hành hơn 84 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1. Giá chào bán cho cổ đông không thấp hơn 10.000 đồng/CP.
Duy nhất AGM của APS không còn tờ trình phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Thay vào đó, các cổ đông tại AGM APS đã thông qua nội dung phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá không thấp hơn 10.000 đồng/CP.
Pha loãng
Sau giai đoạn liên tục phát hành cổ phiếu tăng vốn và phân phối cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, số lượng cổ đông ở APS, IDJ, APS ghi nhận tăng gấp vài lần. Tuy vậy, tỷ lệ sở hữu các cổ đông tham gia AGM các năm lại liên tục sụt giảm.
Thông thường, tham dự ĐHĐCĐ là cổ đông lớn, cổ đông chi phối, ít có sự hiện diện của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do vậy, các chuyên gia đánh giá tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự ĐHĐCĐ là một tiêu chí quan trọng để đo lường mức độ pha loãng trong cơ cấu sở hữu của một doanh nghiệp đại chúng.
Với APS, tỷ lệ này bắt đầu giảm nhanh kể từ AGM 2021, trong khi ở những năm trước đó, quá bán cổ phần công ty này chỉ do vài chục cổ đông nắm giữ. Tại AGM 2023, báo cáo kết quả kiểm phiếu thể hiện APS có tới 14.266 cổ đông - là một trong những doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn trên sàn chứng khoán, trong đó cổ đông lớn nhất là ông Nguyễn Đỗ Lăng- Tổng giám đốc với tỷ lệ nắm giữ 14,3%.
Cơ cấu cổ đông APS “pha loãng” đến mức doanh nghiệp này (như đã biết) phải đến lần thứ 2 mới tổ chức thành công AGM năm 2023.
Tương tự, API cũng ghi nhận tỷ lệ cổ đông tham dự AGM năm 2023 chỉ là 61,03%, con số thấp nhất xét trong AGM giai đoạn 2018-2023. Tính đến cuối năm 2022, vốn điều lệ của API là 841 tỷ đồng, trong đó vợ chồng ông Nguyễn Đỗ Lăng - Thành viên HĐQT nắm giữ tổng cộng 29,4%.
Trong khi đó, kể từ sau 2 lần tăng vốn giai đoạn 2021-2022, tỷ lệ cổ đông tham dự AGM năm 2023 của IDJ cũng giảm mạnh xuống 50,27%. Cho đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ IDJ đã đạt mức 1.470 tỷ đồng, tuy nhiên cơ cấu cổ đông không được đề cập. Tính đến ngày 13/4/2023 tổng số cổ đông của công ty này là 14.857, gấp gần 3 lần 2 năm trước đó.
Phát biểu tại AGM năm 2023 lần 2 (ngày 8/6) của CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Mã APS), ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng giám đốc APS cho biết khoản đầu tư của APS vào hai cổ phiếu API và IDJ đến nay tạm lãi 260 tỷ đồng. Nếu tiếp tục nắm giữ cho đến cuối năm, mức lãi có thể lên tới 400-500 tỷ đồng.
Tính tại thời điểm 31/3/2023, API (188,8 tỷ đồng) và IDJ (169,7 tỷ đồng) là 2 mã có giá trị mua vào lớn nhất trong danh mục APS. Tuy nhiên, APS lại ghi nhận lỗ 95,2 tỷ đồng với API và 30,06 tỷ đồng với IDJ.
Mặt khác, nếu tính cả khoản đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết của CTCP Tập đoàn APEC Group (150,15 tỷ đồng) và CTCP Apec Finace (30,03 tỷ đồng), APS đang nắm 538,68 tỷ đồng chứng khoán nhóm APEC (xét theo giá trị mua vào), chiếm gần 54% tổng tài sản công ty tại thời điểm cuối kỳ BCTC quý I/2023.