Nền kinh tế của Việt Nam được so sánh với Trung Quốc của hai thập kỷ trước khi cùng sở hữu lực lượng lao động trẻ, bất động sản bùng nổ, chính trị ổn định, gặt hái nhiều thành công nhờ xuất khẩu và quan hệ hữu nghị với Mỹ.
Tuy nhiên, những nhân tố thuận lợi này đã không chuyển biến thành lợi nhuận cho nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.
Việt Nam đang chiếm vị thế ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và được xem là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra.
Điều này có thể được thấy qua các làn sóng dịch chuyển sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua. Cụ thể, Google đang có kế hoạch chuyển sản xuất dòng smartphone Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam, Samsung cũng đã đóng cửa nhà máy smartphone cuối cùng ở Trung Quốc.
Ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc, như Goertek – hãng cung cấp tai nghe Airpod cho Apple cũng rời đi.
Theo Bloomberg, đã đến lúc Việt Nam tiến nhanh trên thế giới công nghệ. Tốc độ tăng trưởng GDP trong hai năm 2018-2019 cũng đều trên 7%, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Tuy nhiên những tin tức tích tích cực này lại không giúp cho thị trường chứng khoán khởi sắc. Chỉ số VN-Index của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) từ đầu năm đến nay chỉ tăng vỏn vẹn 7,3%, thua xa mức tăng 32% của chỉ số CSI 300 trên hai sàn Thượng Hải và Thẩm Quyến dù Trung Quốc bị coi là chịu thiệt hại nặng nề vì thương chiến.
Các thị trường mới nổi đồng loạt đi lên mạnh mẽ trong dịp Giáng sinh tháng 12/2019, riêng thị trường Việt Nam lại đi theo hướng khác, có vẻ kém sắc.
Điều gì khiến thị trường Việt Nam kém sắc?
Các quỹ ETF (Exchange Traded Funds) đang trở thành một nguồn vốn nước ngoài quan trọng (44% dòng vốn nước ngoài chảy vào chỉ số VN-Index trong năm 2019).
Tuy nhiên khi nhìn vào cả chỉ số, nhà đầu tư không khỏi phiền lòng. Thị trường chứng khoán Việt Nam lại chịu sự chi phối bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhà phát triển bất động sản lớn nhất cả nước - Vingroup.
Trong khi Vingroup đã lấn sân sang cả các mảng sản xuất xe hơi và điện thoại nhưng dòng tiền của tập đoàn này vẫn chủ yếu chảy từ lĩnh vực bất động sản ra.
ROE trung bình của các ngân hàng tại Việt Nam đạt khoảng 15%, con số này khiến cho nhiều nhà băng quốc tế phải ghen tỵ. Tuy nhiên tín dụng ngân hàng đã vượt GDP hàng năm, khá cao so với một nước có GDP bình quân đầu người khoảng 2.500 USD/năm.
Vậy nên các ngân hàng Việt cần huy động thêm vốn để làm tấm đệm phòng ngừa rủi ro nợ xấu trong tương lai. Fitch Ratings đưa ra cảnh báo rằng khoảng một nửa số ngân hàng tại Việt Nam không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) 8%.
Việc huy động vốn rất khó ngay cả khi nhà đầu tư bỏ tiền ra mua cổ phần vì Chính phủ áp đặt giới hạn sở hữu nước ngoài 30% nghiêm ngặt đối với các ngân hàng Việt Nam.
Nếu mức trần này không được gỡ bỏ, ngành ngân hàng Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình trạng khủng hoảng tín dụng như Trung Quốc hoặc phải cắt giảm cho vay doanh nghiệp. Cả hai phương án đều không phải tin tốt lành cho nhà đầu tư.
Cổ phiếu của Vingroup và các công ty con gồm VIC, VRE và VHM chiếm khoảng 15% tỷ trọng trong chỉ số VN-Index, điều này không phải là tốt. Đất đai trở nên khan hiếm tại những đô thị như TP HCM và Hà Nội.
Nhà nước đang hạn chế phê duyệt các dự án mới, ảnh hưởng tiêu cực tới tiềm năng tăng trưởng của các nhà phát triển bất động sản.
Một người quản lý danh mục đầu tư cho rằng việc cả 3 công ty họ Vingroup cùng niêm yết khiến bà rất khó mua khối lượng lớn nhóm cổ phiếu này. Nếu muốn đầu tư mảng bất động sản, bà chỉ việc mua Vinhomes (VHM). Nếu muốn đầu tư mảng vận hành trung tâm thương mại, bà có thể mua Vincom Retail (VRE). Vậy tại sao bà phải mua cổ phiếu Vingroup (VIC)?
Nhân tố chính làm cho thị trường Việt Nam kém khả quan là quy định về sở hữu nước ngoài. Các cổ phiếu “hàng tuyển” đều đã kín room và khối ngoại đang phải giao dịch với nhau với giá cao hơn giá trên thị trường.
Do vấn đề thanh khoản, những cổ phiếu này chỉ được các tổ chức cung cấp chỉ số phân bổ mức tỷ trọng nhỏ. Những cổ phiếu còn lại trong chỉ số đều là những món hàng kém hấp dẫn mà nhà đầu tư không mấy hào hứng.
Theo Bloomberg, Việt Nam đang lặp lại sai lầm của Trung Quốc trước đây là tạo điều kiện cho một thị trường chứng khoán không lành mạnh phát triển dựa vào các ngân hàng cho vay quá đà trong khi thiếu vắng các cổ phiếu công nghệ của nền kinh tế mới.
Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm tốc; khi đó, các ngân hàng sẽ cần thêm vốn và các công ty khởi nghiệp (start-up) sẽ muốn chào bán cổ phần ra công chúng.
Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần tháo gỡ các chính sách bảo hộ và thực sự mở cửa nền kinh tế để níu chân nhà đầu tư nước ngoài.