BIDV đại hạ giá khoản nợ của Thép Việt Nhật sau hàng chục lần thất bại

BIDV đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ này là hơn 140,7 tỷ đồng, giảm hơn gần 33 tỷ đồng so với mức giá được đưa ra hồi tháng 11/2022 và thấp hơn nhiều so với dư nợ gốc. 
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) Chi nhánh Hải Phòng vừa có thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Thép Việt Nhật lần thứ 13.
Khoản nợ của Thép Việt Nhật tại BIDV tính đến 23/5/2022 là hơn 447,3 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc gần 194,2 tỷ đồng, dư nợ lãi hơn 253,1 tỷ đồng. Khoản nợ được rao bán theo nguyên trạng về dư nợ, tài sản bảo đảm, hồ sơ khoản nợ, tình trạng tranh chấp, chất lượng khoản nợ…
BIDV đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ này là hơn 140,7 tỷ đồng, giảm hơn gần 33 tỷ đồng so với mức giá được đưa ra hồi tháng 11/2022 và thấp hơn nhiều so với dư nợ gốc. 
BIDV cho biết tại thời điểm đấu giá này BIDV đang tham gia giải quyết tranh chấp liên quan đến khoản nợ trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” tại Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng thành phố Hải phòng. Hiện TAND Quận Hồng Bàng đang thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
 Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Thép Việt Nhật tại BIDV lên tới con số 10, trong đó gồm quyền sử dụng đất, hệ thống nhà máy, xe cộ…
BIDV dai ha gia khoan no cua Thep Viet Nhat sau hang chuc lan that bai
 
Về tình hình kinh doanh của BIDV, đến hết 31/12/2022, tổng tài sản đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%), đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao (12,7%), đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng (chiếm khoảng 12,5%).
Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 0,9%.
Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ DPRR tín dụng/dư nợ xấu) đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu an toàn hoạt động của hệ thống được đảm bảo: ROA đạt 0,95%; ROE đạt 20,2%, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. 
Năm 2023, BIDV đặt mục tiêu dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng NHNN giao, dự kiến tăng 12% - 13%; Huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, dự kiến tăng 11%; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức ≤1,4%...
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN