Bí ẩn 40 năm trong trại rắn độc lớn nhất Việt Nam

Trại rắn Đồng Tâm đã cấp cứu và điều trị cho hơn 20.000 nạn nhân bị rắn cắn, xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam “Bảo tàng rắn đầu tiên của Việt Nam".
Mời quý độc giả xem video: Trang trại rắn hổ hèo ở Bạc Liêu. Nguồn: Cafe Sáng với VTV3
Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu- Cục Hậu cần, Quân khu 9, có tên gọi quen thuộc là Trại rắn Đồng Tâm.
Hành trình 40 năm…
Trại rắn Đồng Tâm vừa kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Nhìn cơ ngơi hiện nay với hàng ngàn con rắn đủ loại và chim, thú…, khó ai biết rằng 40 năm trước, nơi đây chỉ là Trại rắn với vỏn vẹn 3 con rắn hổ đất.
 Nhiều du khách Nga tham quan Trại rắn Đồng Tâm.
Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Thượng tá Phan Văn Phát, Giám đốc Trung tâm kể lại: “Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân y đã biết sử dụng thực phẩm rắn để bồi bổ sức khỏe thương, bệnh binh; các toa thuốc dân gian chữa trị rắn độc cắn có kết quả.
Tiêu biểu là bác sĩ Trần Văn Dược (Tư Dược), người được coi như “thầy thuốc rắn” nổi tiếng trong các đơn vị Quân khu 8. Sau khi sáp nhập Quân khu 8 và Quân khu 9 thành Quân khu 9, bác sĩ Dược nguyên là Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Bệnh viện 120 được điều động làm Đội trưởng.
Ngày đầu, Đội có 5 cán bộ, nhân viên, từ Cần Thơ, chiếc xe Jeep chở cán bộ, nhân viên của Đội cùng 3 con rắn hổ đất do bác sĩ Dược sưu tầm, vài tấm tôn và một số cây tràm đến dựng chòi tại căn cứ Đồng Tâm thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đây là khu vành đai căn cứ quân sự của Mỹ, ngụy để lại, còn vô số chông, mìn, lựu đạn cùng nhiều lớp dây kẽm gai sét gỉ, giữa một vùng cỏ dại hoang vu…”.
Dẫu nhiều gian nan thử thách nhưng với nỗ lực của tập thể đơn vị, nơi đây đã phát triển nhanh chóng lên 12ha, đủ sức đáp ứng việc nuôi trồng dược liệu với hàng ngàn cây, con thuốc. Nhà, xưởng, nơi ăn ở, làm việc được Quân khu và Cục Hậu cần quan tâm đầu tư xây dựng tương đối khang trang.
Ban Giám đốc Trung tâm đặc biệt quan tâm là phát triển nhân lực, tăng cường đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ kiến thức, năng lực. Với phương châm vừa làm vừa học, từ Giám đốc đến nhân viên Trung tâm, ban ngày lao động khai hoang, trồng cây, nuôi rắn, ban đêm chong đèn miệt mài học tập, nghiên cứu sách hướng dẫn nuôi rắn, cách nấu cao trăn, pha chế rượu rắn, khai thác và sử dụng nọc rắn…
Ban Giám đốc còn chủ động mở các lớp tập huấn y học cổ truyền, trị rắn cắn tại chỗ cho quân dân y các tỉnh phía Bắc sông Tiền: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre.
Từ năm 1994, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy cấp trên, Trung tâm kịp thời chấn chỉnh về cơ chế quản lý và phương thức hoạt động, tăng cường cán bộ có trình độ khoa học; đồng thời đầu tư xây dựng nhà xưởng, tạo điều kiện cho Trung tâm phát triển sản xuất, cũng như các dịch vụ du lịch.
Từ đó, Trung tâm có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc y học cổ truyền, cấp cứu điều trị rắn độc cắn… Sản phẩm và uy tín của đơn vị ngày càng được nâng cao trên thị trường.
Hiện nay, Quân khu và Cục Hậu cần giao nhiệm vụ cho Trung tâm xây dựng Trại rắn Đồng Tâm 2 tại Phú Quốc, với diện tích hơn 27,4ha, đầu tư 15 tỉ đồng. Trại đã khởi công ngày 10-12-2016, tại Tiểu khu 76, ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Giai đoạn 1 triển khai xây dựng 2ha, phấn đấu trong quý I- 2018 có thể triển khai hoạt động, chủ yếu phục vụ tham quan du lịch sinh thái các loại trăn, rắn, thú… và điều trị rắn cắn cho bộ đội và nhân dân ở vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Điểm tham quan hấp dẫn
Tại Trung tâm, những vườn thuốc Nam, cây cảnh, những nhà nuôi thú, vườn chim được xây dựng theo lối vườn “bách thú bách thảo”; rắn độc nuôi trong chuồng, trong lồng, trong điều kiện tự nhiên, cứ đến mùa là sinh sản, tạo thành một hệ sinh thái bảo tồn động vật hấp dẫn khách tham quan.
Hàng chục tiêu bản về rắn được trưng bày ở nhà bảo tàng với kỹ thuật tạo hình công phu, được bảo quản trong dung môi trong suốt, được sách Guiness Việt Nam công nhận là Nhà bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam và là nơi phục vụ các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên về chuyên ngành “Lớp Bò sát” đến nghiên cứu, học tập.
Đường đi lối lại từ chỗ nuôi trăn, rắn, thú…, đến vườn cây thuốc Nam được bố trí sạch sẽ, rợp cây xanh bóng mát, thuận tiện cho tham quan du lịch. Khu vực tham quan, sản xuất, bán hàng lưu niệm được bố trí hài hòa. Từ đó, Trại rắn Đồng Tâm đã trở thành điểm du lịch sinh thái miệt vườn sông nước Cửu Long, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.
 Rắn hổ mèo.
Thượng tá, Bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Diện tích chung của Trung tâm là 12ha, trong đó có 3ha là khu hành chính, còn lại 9ha là khu du lịch sinh thái. Hiện nay, khu du lịch của Trung tâm có nhiều dịch vụ như du lịch sinh thái, tham quan rắn, thú, bảo tàng rắn, nhà truyền thống, ẩm thực, hoa, cây cảnh, vườn thuốc Nam,… Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Trung tâm đón hơn 200.000 lượt khách tham quan; trong đó, có hơn chục ngàn lượt khách quốc tế ”.
Du khách đến tham quan Trại rắn Đồng Tâm không chỉ được tận mắt xem và khám phá cuộc sống của các loại rắn độc như rắn hổ chúa, rắn hổ đất, rắn hổ mèo, lục đầu dồ đuôi đỏ, rắn hổ lải, trăn, bảo tàng rắn với 40 tiêu bản các loại rắn của Việt Nam…, mà còn có dịp tìm hiểu các loài thú khác như vượn, khỉ, cầy mực, gấu, chim……
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, cho biết: “Trại rắn Đồng Tâm là điểm nhấn du lịch Tiền Giang. Đây là một trong những điểm du lịch thu hút khách đông nhất của Tiền Giang, chỉ sau cồn Thới Sơn…”.
Theo Báo Cần Thơ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN