Bánh chưng giá khủng 600.000 đồng/cặp: Quà biếu sang chảnh

Tết không thể thiếu bánh chưng, nhưng đem bánh chưng làm thành hộp quà biếu sang trọng trong dịp Tết thì không phải ai cũng dám làm.
Bánh chưng để trưng: Ngon từ trong, đẹp từ ngoài
Câu chuyện thương hiệu Bánh chưng Nương Bắc “ngon từ trong, đẹp từ ngoài” đã thu hút sự quan tâm của rất đông các doanh nhân trẻ - thế hệ mà tuổi thơ đa phần không gắn với nồi bánh chưng “nhà làm được” khi Tết đến nhưng mâm cỗ lại không thể thiếu bánh chưng.
Nguyễn Thu Hoài tại Chợ Tết Doanh nhân. 
Nguyễn Thu Hoài, người sáng tạo ra Bánh chưng Nương Bắc vốn là cử nhân tiếng Pháp (Học viện Ngoại giao) đang kinh doanh online rất thành công nhiều mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm lẫn quần áo đã quyết định chọn cho mình lối đi riêng khi làm hộp quà tặng bánh chưng Nương Bắc có giá lên tới gần 600.000 đồng/cặp - số tiền có thể mua được cả chục chiếc bánh chưng loại bình dân phổ cập.
“Từ thực tế bán đồ thực phẩm trên mạng của chính mình, tôi thấy, khách hàng sẵn sàng bỏ ra cả triệu đồng để mua những hộp bánh ngoại mà chất lượng không có gì đặc biệt để làm quà biếu dịp Tết. Vậy tại sao bánh chưng truyền thống có giá trị rất lớn về tinh thần, là một quốc hồn, quốc túy của dân tộc lại không ai chọn để làm quà tặng trong dịp Tết, nhất là khi bàn thờ hay mâm cơm ngày Tết nhất quyết phải có bánh chưng mới đủ bộ”, Hoài tâm sự.
Nhưng làm thế nào để bánh chưng bình dân trở thành quà tặng cao cấp thì lại phải có cách đi riêng.
Quan sát thực tế thị trường bánh Trung thu khiến Hoài nhận thấy, vẫn là những chiếc bánh Trung thu truyền thống, nhưng khách hàng lại sẵn lòng chi vài trăm nghìn đồng để mua một hộp bánh đẹp có vẻ ngon vì được làm bởi thương hiệu nổi tiếng, có thiết kế bao bì đẹp, hấp dẫn làm quà biếu tặng cao cấp. Bởi vậy, câu chuyện nâng tầm để bánh chưng có bề ngoài hấp dẫn, với chất lượng ngon bên trong đã cuốn hút tâm trí Hoài.
Cô thiết lập ekip cùng nghiên cứu các ý tưởng thiết kế với mục tiêu cho ra một sản phẩm không chỉ là đẹp và sang đơn thuần mà còn phải thật sự tinh tế làm tôn lên giá trị truyền thống.
Ngoài nghiên cứu những chi tiết đời thường như nương rẫy, hạt gạo, ruộng bậc thang vùng Tây Bắc, Hoài và các cộng sự của mình còn phải đọc cả về văn hoá, con người nơi đây để chiếc bánh chưng quen thuộc của dân tộc có hình ảnh mới nhưng vẫn giữ được bản chất, được nét đẹp thuần tuý vốn có.
Đó cũng chính là tiêu chí mà cả ekip của Hoài đặt ra từ ban đầu khi phát triển sản phẩm truyền thống theo hướng hiện đại, hoà nhập chứ không hoà tan.
Hộp quà tặng Bánh chưng Nương Bắc ra đời với sự kết kết hợp bởi ba màu xanh - đỏ - vàng rất đặc trưng của ngày Tết, đồng thời là tượng trưng cho lá dong - đỗ vàng và nhân thịt.
“Tên gọi Nương Bắc được lấy theo ý nghĩa sử dụng nếp nương - đặc sản của Điện Biên, đồng thời cũng là nguyên liệu chính của bánh chưng độc đáo này và được gói từ vùng Tây Bắc, gợi lên cảm giác bình yên, giản dị nhưng đậm chất Việt”, Hoài cho biết.
Tết Đinh Dậu 2017 cũng là năm đầu tiên Bánh chưng Nương Bắc trình làng với hơn số lượng có hạn là 1.000 hộp bánh với giá bán 589.000 đồng/hộp gồm 2 chiếc.
Mặc dù dự báo có thể doanh số không đạt như mong đợi nhưng Hoài vẫn tin rằng bằng tình yêu và tâm huyết dành cho sản phẩm của một êkip trẻ, sản phẩm sẽ nhanh chóng được ủng hộ nhờ đem đến những giá trị nhân văn khác biệt và mới lạ.
“Tôi thuộc tuýp người hiện đại, yêu sản phẩm truyền thống theo cách riêng và muốn đem làn gió mới đến với bánh chưng để Quốc hồn dân tộc không chỉ được lớp người đi trước trân trọng mà lớp người trẻ cũng trân quý khi thưởng thức”, Hoài nói.
Say… bánh chưng
Trước khi Bánh chưng Nương Bắc ra đời, Hoài đã có 4 năm kinh doanh và phát triển được 10 đại lý tiêu thụ bánh chưng trên toàn quốc. Riêng vụ Tết 2016, Hoài đã bán được hơn 7.000 chiếc bánh chưng - một minh chứng rõ ràng về sức hút của mặt hàng truyền thống này ngày Tết.
Trước đó, ngày Rằm, mồng Một, số lượng bánh chưng mà Hoài kinh doanh có lúc tới xấp xỉ cả nghìn chiếc.
Nhân duyên đến với bánh chưng Điện Biên của Hoài là qua một người bạn và ấn tượng khó phai về loại bánh này kể từ đó. Cô nung nấu ý định giới thiệu sản phẩm này đến với đông đảo người tiêu dùng.
Bánh được làm bằng những nguyên liệu tinh túy của cánh đồng Mường Thanh, là gạo nếp nương thơm ngon, dẻo nổi tiếng một vùng. Thứ gạo hạt mẩy, thon dài, khi bánh ninh nhừ đến mấy vẫn giữ nguyên được hình dáng hạt gạo, bánh dền và không bị lại gạo so với những loại bánh thông thường.
Nhân bánh làm bằng thịt lợn mán được người dân tộc Thái nuôi trong bản với lối chăn thả tự do, sử dụng thức ăn là cây cỏ thiên nhiên nên thịt rất chắc thơm, không sử dụng hóa chất kích thích tăng trưởng. Thịt lợn mán thuần chủng có lớp mỡ béo ngậy, tạo vị béo Để có màu xanh mướt tự nhiên đặc trưng, gạo làm bánh được nhuộm bằng nước lá giềng, cùng với kỹ thuật độc đáo,
Khi giới thiệu bánh chưng ở các hội chợ, Hoài đã bất ngờ khi nhận thấy người mua bánh nhiều nhất của mình chính là các ông bà già, những người luôn yêu cầu khắt khe với bánh chưng bởi “tự tay có thể gói bánh, luộc được bánh, mà lại rất ngon". Thậm chí có những ông bà cao tuổi, cả đời chưa hề biết dùng đến máy tính đã yêu cầu cô ghi cẩn thận địa chỉ đặt hàng online trên mạng internet để “về bảo con cái lên đặt bánh hộ” sau này.
Có hai bạn trẻ mở siêu thị đồ Việt Nam ở Nhật Bản muốn nhập bánnh chưng của tôi để bán cho người Việt tại Nhật nhưng khi thực hiện thì gặp nhiều khó khăn. Do vậy, bánh chưng của tôi dù được mang đi khá nhiều nước nhưng mới chỉ bằng hình thức xách tay, nên số lượng còn ít. Xuất khẩu bánh chưng cao cấp dạng quà tặng đi các nước là mong muốn cháy bỏng của tôi, dù mọi chuyện sẽ có nhiều khó khăn”, Hoài tâm sự.
Khát vọng được cô chủ thương hiệu bánh chưng Nương Bắc chia sẻ cũng chính là con đường để chắp cánh cho những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng của Việt Nam đi xa hơn nữa, đồng thời truyền bá tinh hoa ẩm thực và văn hoá Việt Nam ra thế giới một cách nhân văn.
- Khi em chia sẻ câu chuyện Nương Bắc tại Đêm Doanh nhân của Hội Doanh nhân Trẻ Hà Nội ngày 4/1 vừa qua, đã có lúc cả hội trường cười và nghĩ em thật mơ mộng, nhất là khi em nói giá sản phẩm. Thậm chí có anh/chị còn khuyên em nên dừng lại, mạo hiểm và rủi ro quá. Câu chuyện muôn thuở mà em nghe rất nhiều là GIẢM GIÁ ĐI.
- Em chưa từng được học về làm thương hiệu, kiến thức về luật, về tính giá vốn, tính lợi nhuận ròng, lợi nhuận gộp… và có nhiều cái không biết luôn, nhưng em quyết tâm và luôn hình dung ra cách mình nói về Nương Bắc, chia sẻ về câu chuyện làm sản phẩm ra sao, bắt đầu thế nào…
- Em từng bỏ các sản phẩm kinh doanh đem lại lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần làm bánh chưng như mỹ phẩm, túi xách… để làm bánh chưng với lợi nhuận không bằng thì chuyện em có Nương Bắc không đơn giản chỉ là kiếm tiền.
Theo Minh Khang/Công lý

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN