Băn khoăn nợ xấu và dòng tiền âm của MSB trước khi lên sàn

Vừa kịp lên sàn theo đề án đã đặt ra tuy vậy MSB vẫn còn vấn đề về nợ xấu cũng như dòng tiền,... 
Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra văn bản chấp thuận niêm yết cổ phiếu cho Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam với mã chứng khoán là MSB.
Theo đó, tổng cộng 1.175 triệu cổ phiếu MSB được niêm yết giao dịch trên HoSE, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hóa khi chào sàn đạt hơn 17.625 tỷ đồng.
MSB trở thành một trong những ngân hàng thương mại còn lại kết thúc cuộc đua lên sàn trong năm 2020 theo Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019.
Ban khoan no xau va dong tien am cua MSB truoc khi len san
 MSB sắp lên sàn HoSE.
Con đường niêm yết cổ phiếu MSB gặp khá nhiều chông gai và không được thuận lợi. Cuối năm 2019, ngân hàng đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 1.175 tỷ cổ phiếu lần đầu lên HoSE.
Tuy nhiên, kế hoạch này bị hoãn lại bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có sự ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, cổ đông ngân hàng đã thông qua việc rút lại hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên HoSE.
Ông Huỳnh Bửu Quang, Phó Chủ tịch HĐQT MSB giải thích, cuối năm 2019, ngân hàng đã nộp hồ sơ nhưng có thể do khối lượng hồ sơ lớn cho nên chưa xử lý kịp. Sang đầu năm 2020 lại xuất hiện dịch bệnh COVID-19 khiến nền kinh tế và ngành ngân hàng cũng như các công ty niêm yết bị ảnh hưởng nặng nề.
Do đó, kế hoạch niêm yết của MSB phải hoãn lại. Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng cam kết với cổ đông chắc chắn sẽ niêm yết trong năm nay, nhưng về giá, HĐQT và Ban điều hành thấy thời điểm vừa rồi chưa phù hợp nên phải tạm hoãn.
Bù lại thì MSB đã đem đến cho cổ đông tin vui khi ghi nhận những kết quả kinh doanh khá khả quan. Theo số liệu 11 tháng đầu năm 2020 của hoạt động ngân hàng riêng lẻ, tổng tài sản của MSB đạt trên 166.000 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận trước thuế vượt mục tiêu kế hoạch năm hơn 60%, đạt hơn 2.302 tỷ, tăng 116% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, MSB cũng đã công bố những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 1.666 tỷ đồng, vượt kế hoạch của cả năm 2020 (1.439 tỷ đồng) và tăng khoảng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Để dọn đường thuận lợi lên HoSE thì MSB đã tất toán toàn bộ số nợ xấu bán cho VAMC theo cam kết với cổ đông trong ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 5/2020. Tức là chỉ trong vòng 3 tháng của quý 3, MSB đã xử lý xong 1.185 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Tại Đại hội, lãnh đạo ngân hàng cho biết, MSB sẽ dùng nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2019 (sau khi đã trích lập các quỹ) khoảng hơn 886 tỷ đồng, cùng với một phần nguồn tiền thu được từ việc bán 50% vốn của công ty tài chính FCCOM cho Huyndai Card, để xử lý dứt điểm phần nợ xấu đã bán cho VAMC.
Nợ xấu, dòng tiền âm vẫn là nỗi lo lớn
Một vấn đề vẫn còn tồn tại tại Ngân hàng đó là khối nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu gia tăng mạnh. Tại ngày 30/9/2020, tổng nợ xấu của MSB tăng 31% so với đầu năm lên 1.703 tỷ đồng.
Trong đó nợ dưới tiêu chuẩn (gấp 2,4 lần) và nợ nghi ngờ (gấp 2,1 lần) tăng mạnh nhất. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của MSB tăng từ mức 2,04% hồi đầu năm lên mức 2,32%.
MSB có 3 nhóm khách hàng chiếm tỷ trọng cho vay cao nhất là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 50% (tỷ lệ vay hơn 20,93%), các công ty cổ phần (trên 42,99%) và các hộ gia đình cá nhân (29,96%). Đây có thể xem là 3 nhóm tăng trưởng dư nợ chính của MSB và thể hiện sự tích cực trong tiếp cận bán lẻ.
Tuy nhiên, việc phân loại nhóm nợ của MSB, khi tiếp tục được giữ, khoanh nợ, chưa nhảy nợ theo sự cho phép của Thông tư 01/2020/TT-NHNN, nhưng lại đã phần nào cho thấy tác động khó cưỡng từ COVID-19 khi các số liệu nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ đều tăng gấp 2 lần so với cuối 2019. Điều đó phản ánh rủi ro tiềm ẩn trong chất lượng nợ vay.
Về chất lượng sử dụng nguồn tiền của MSB cũng gặp vấn đề, khi ghi nhận nhiều con số âm. Cụ thể, luỹ kế 9 tháng đầu năm lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận khoản chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự đã trả là âm hơn 4.573 tỷ đồng, tăng hơn 1.227 tỷ so với cùng kỳ.
Tiền chi trả cho nhân viên và hoạt động quản lý công vụ âm hơn 1.806 tỷ đồng; tiền thuế thu nhập thực nộp âm hơn 122 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản tiền, vàng gửi và cho vay TCTD âm hơn 410 tỷ đồng; khoản kinh doanh chứng khoán âm hơn 6.891 tỷ đồng…
Về lưu chuyển tiền thuần trong kỳ, ghi nhận âm hơn 5.422 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 452 tỷ đồng.
Nhìn vào những con số trên, liệu cổ đông của MSB có thực sự hài lòng về nợ xấu và dòng tiền trong khi MSB vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng?
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN