Hội thảo nhằm làm rõ hơn các vấn đề về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; một số cơ quan địa phương; đơn vị thuộc Bộ Tài chính; trường đại học khối kinh tế - tài chính; các tổ chức xếp hạng tín nhiệm; các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại,...
TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, TTCK đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn.
Năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt hơn 418 nghìn tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022. Tính đến hết tháng 3/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.284 điểm, tăng 13,6% so với cuối năm 2023, đưa TTCK Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng cao trên thế giới (chỉ xếp sau chỉ số Nikkei 225 thị trường Nhật Bản, tăng 20,6%).
Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt 6,8 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cuối năm 2023, tương đương với 66,2% GDP ước tính của năm 2023.
|
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Việt Nam phát biểu bế mạc hội thảo. Ảnh: Tuệ Anh
|
“Với vai trò quan trọng với nền kinh tế, việc nâng hạng TTCK Việt Nam sẽ là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường, góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước”, TS. Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh.
Hiện tại, Việt Nam được 2 tổ chức quốc tế MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên. Đến nay, TTCK Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số thị trường cận biên với khoảng 30% tổng tài sản quản lý. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE Russell nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Theo ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, việc nâng hạng sẽ đẩy mạnh vị thế TTCK Việt Nam, đảm bảo tiếp cận vốn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút được 25 tỷ USD vào năm 2030 theo dự báo, thì cần phải đảm bảo một số điều kiện trong đó bao gồm việc nâng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như thỏa mãn các tiêu chí khác mà hai tổ chức đánh giá xếp hạng đưa ra.
Trong khi đó, bà Arabella Bennett - Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho rằng, mặc dù còn gặp khó khăn nhưng Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc và đạt được nhiều kết quả tích cực trong tiến trình hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, trở thành điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài.
Nâng hạng TTCK lên thị trường mới nổi luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao. Ngày 28/2/2024, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính, Ủy ban CKNN, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Nâng hạng TTCK là vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành, đồng thời việc nâng hạng TTCK cũng đặt ra các yêu cầu đối với việc thay đổi các chính sách, quy định có liên quan. Do vậy, hội thảo là diễn đàn để cơ quan quản lý cùng các chuyên gia, cũng như các bên có liên quan trao đổi, thảo luận về cơ hội, thách thức và điểm nghẽn đối với việc nâng hạng TTCK Việt Nam, từ đó nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách và giải pháp thúc đẩy việc nâng hạng của TTCK trong thời gian tới.
Tại hội thảo, đại diện của Ngân hàng thế giới, FTSE Russell, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký… đã trình bày nhiều tham luận, cũng như tập trung phân tích những cơ hội của nâng hạng đối với sự phát triển của TTCK Việt Nam nói riêng, nền kinh tế nói chung; những điều kiện và tiêu chuẩn để nâng hạng thị trường lên mới nổi mà TTCK Việt Nam cần đạt được theo đánh giá của FTSE Russell.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng cùng nhau thảo luận về kinh nghiệm của một số TTCK khi nâng hạng, nhận diện các thách thức và rủi ro đối với Việt Nam khi nâng hạng TTCK lên mới nổi; đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc nâng hạng của TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
Trên cơ sở thảo luận các nội dung trên, hội thảo gợi mở thêm nhiều vấn đề mới cần quan tâm cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc nâng hạng của TTCK Việt Nam.
|
Quang cảnh hội thảo. |
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Việt Nam cho biết, những nội dung trao đổi, thảo luận về cơ hội, thách thức và giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam đều là những vấn đề mà hiện nay Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rất quan tâm, có ý nghĩa vô cùng thiết thực và hữu ích cho Bộ Tài chính trong thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Qua đây, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước càng củng cố thêm các giải pháp đang khắc phục và đang hướng tới để làm sao khi đi vào thực hiện sẽ đưa TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng.
Với những kết quả thảo luận tại hội thảo này, bà Vũ Thị Chân Phương cho rằng hội thảo đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra ban đầu và sẽ tiếp tục đặt nền móng cho các hội thảo khoa học tiếp theo về phát triển TTCK trong thời gian tới.