Mùa hè, thời tiết nóng nực, chẳng mấy người nghĩ tới thưởng thức món ốc nóng. Thế nhưng, có một quán ốc đặc biệt nằm nép mình trên con phố ẩm thực Tống Duy Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn nhộn nhịp, thực khách ra vào tấp nập. Đó chính là quán ốc của cô Hàn Tuyết Khánh và chú Diệp Tiểu Hùng.
Ở quán ốc này, khách tới lần đầu sẽ bỡ ngỡ vì không biết làm sao để gọi được món ốc nóng. Nhưng với khách quen, ai cũng biết rằng, từ bà chủ cho tới nhân viên đều là người khiếm thính. Thế nên, trong suốt 20 năm trời bán ốc trên con phố Tống Duy Tân này, họ chẳng bao giờ nói một lời. Khách muốn ăn gì cứ việc ra hiệu hoặc chỉ món đã ghi sẵn trên bảng.
|
Quán ốc đặc biệt trên con phố ẩm thực Tống Duy Tân của cô Khánh. |
Gần 4 giờ chiều có mặt tại con phố ẩm thực Tống Duy Tân, không khó để tìm được quán ốc đặc biệt của cô Khánh. Bởi, dù nằm nép mình trên phố, nhưng quán ốc của cô lúc nào cũng đông khách nhất.
Quả đúng như những gì mọi người truyền tai nhau. Khi chúng tôi vừa dựng chân chống xe máy, một anh thanh niên liền chạy tới ra hiệu chỉ khách tới ngồi vào ghế, sau đó lấy tay vỗ vào yên xe máy ra hiệu xe máy cứ để anh dắt và xếp gọn cho.
|
Ở quán ốc này, cả chủ và nhân viên suốt 20 năm không nói với khách một lời |
Đến chỗ cô Khánh bán hàng, khách đã ngồi quây kín bàn, một vài khách đứng lấy tay chỉ trỏ ra hiệu ăn món ốc mít, ốc vặn, món ngao luộc, món nem chua rán, trứng cút lộn, chân gà sả ớt, xoài, cóc,... Gọi xong, nhân viên của quán lại lấy tay vỗ vào vai khách ra hiệu sang bên phía đối diện ngồi vì bên chỗ quán cô Khánh đã chật kín khách.
Một vài khách ăn xong, muốn tính tiền chỉ cần vẫy tay, nhân viên sẽ đến lấy điện thoại ra cộng tiền đầy đủ. Khách trả tiền rồi ra về.
Cứ thế, từ lúc thực khách đến cho tới khi rời quán, cả bà chủ và nhân viên không nói một lời với khách. Vậy mà, mọi việc vẫn diễn ra nhịp nhàng, khách ra vào tấp nập, thậm chí, những lúc đông, muốn có chỗ ngồi khách còn phải đứng chờ trong vài phút đồng hồ.
Anh Nguyễn Văn Đức (Hàng Đậu, Ba Đình, Hà Nội) - một khách quen đã thưởng thức món ốc nóng của cô Khánh được gần 10 năm nay - chia sẻ, lần đầu tiên đến quán ăn ốc, anh khá ngạc nhiên. Đứng khoảng 5 phút đồng hồ, anh không biết làm thế nào để gọi được đồ ăn. Một lúc sau, có khách khác mách anh rằng bà chủ quán là người khiếm thính, muốn ăn gì cứ việc chỉ.
Sau một thời gian trở thành khách “ruột”, anh được nghe mọi người kể chuyện về vợ chồng bà chủ quán ốc này vì uống quá nhiều thuốc kháng sinh để trị bệnh dẫn đến không nghe được. Và trong quá trình mở quán ốc bán kiếm sống, vợ chồng cô Khánh nhận các bạn trẻ khiếm thính cùng làm vì đồng cảm.
“Thế nên, nếu là khách quen tới quán ăn ốc, ai cũng biết được vì sao từ chủ quán tới nhân viên ở đây không bao giờ nói với khách một lời”, anh Đức chia sẻ.
Chị Liên - ở quán ngay kế bên - nói thêm, quán ốc của cô Khánh chú Hùng chỉ mở bắt bắt đầu từ 2h chiều cho đến 7h30’ tối. Bởi, buổi sáng, cô Khánh thường phải ra chợ mua ốc và các nguyên liệu khác, đến tầm trưa về cùng nhân viên sơ chế, chiều dọn hàng ra đây bán.
“Cùng bán hàng trên phố và cũng là khách quen của quán ốc, tuy giá có hơn đắt một xíu nhưng đổi lại món nào cũng ngon, đặc biệt là ốc cực kỳ sạch. Các bạn nhân viên, đặc biệt là chủ quán luôn nhiệt tình, vui vẻ, tạo cảm giác bình yên rất dễ chịu”, chị Liên nói.
|
Dù vậy, quán ốc lúc nào cũng đông khách, thậm chí giờ cao điểm, khách còn phải ngồi ké sang hàng cơm đối diện. |
Gần 5h chiều, quán ốc đặc biệt của cô Khánh và chú Hùng nhộn nhịp hơn cả. Khách chen chân nhau ngồi chật kín quán và còn tràn sang cả quán cơm tấm đối diện để ngồi. Thi thoảng, có một vài khách cần gọi thêm ốc hay món khác, các chủ hàng bên cạnh cũng tham gia giúp sức nhiệt tình để khách không phải chờ lâu.
Trong khi đó, cô Khánh tay thoăn thoắt đổ ốc vào nồi luộc, pha chế nước chấm, rán nem,... Nhân viên cũng mỗi người một việc, người dắt xe, người rửa bát, người bê đồ xếp chỗ cho khách. Cứ thế ngày qua ngày, quán ốc đã tồn tại được 20 năm giữa lòng Hà Nội một cách bình yên.