Mở đầu buổi họp báo, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo cho biết: "Hôm nay là ngày thứ 89 kể từ khi cơn bão khủng hoảng quy chụp Asanzo giả xuất xứ hàng hóa ập đến với công ty chúng tôi. Tôi tổ chức cuộc họp báo này khi cơn bão ấy vẫn đang từng ngày, từng giờ khiến Asanzo chảy máu".
“Tôi hi vọng Asanzo được sống” – ông Tam chia sẻ.
Cũng tại buổi họp báo, ông Phạm Ngọc Hưng - đại diện Asanzo đã công bố những kết quả ban đầu.
Theo đó, ngày 4/9, VCCI báo cáo thủ tướng "Asanzo không đội lốt Trung Quốc". Ngày 5/9, Tổng cục Hải Quan xác nhận kết luận kiểm tra đối với Asanzo là kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan.
Ngày 12/9, Sharp Roxy xác nhận hợp đồng mua bán và chuyển giao công nghệ với Asanzo. Ngày 16/9, Asanzo nhận đủ các kết luận thanh tra của bộ ngành.
Đến hôm nay 17/9, Asanzo họp báo minh oan và công ty hoạt động lại bình thường.
Tại buổi họp báo, ông Hưng đưa ra hai dẫn chứng. Thứ nhất là báo cáo của VCCI gửi Thủ tướng có đoạn nêu: "Sản phẩm của công ty Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài ghi trên nhãn hàng hóa là ‘sản xuất tại Việt Nam’, ‘chế tạo tại Việt Nam’ hoặc ‘xuất xứ từ Việt Nam’... là phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành...".
Thứ hai, theo báo cáo gửi Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Tổng cục quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hóa, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa của doanh nghiệp.
Vì thế, theo Asanzo, các báo cáo kể trên cho thấy, Asanzo không giả xuất xứ hàng hóa.
Ngoài ra, tại buổi họp báo, Asanzo cũng cung cấp thông tin rằng Sharp Roxy vẫn đang hợp tác với Asanzo bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm cùng với các dịch vụ liên quan.
Từ đó, Asanzo khẳng định công ty không lừa dối khách hàng khi nói rằng công ty "công nghệ Nhật Bản"... hay các cáo buộc lừa dối khách hàng khác mà công ty phải hứng chịu.
|
Theo Asanzo, các báo cáo kể trên cho thấy, Asanzo không giả xuất xứ hàng hóa. |
Khi được phóng viên hỏi vì sao các cơ quan ban ngành chưa công bố kết quả mà Asanzo đã tổ chức họp báo, đại diện Asanzo cho biết, có thể cơ quan sở ban ngành sẽ công bố trong thời gian tới.
Nhưng Asanzo đang có hàng nghìn cán bộ công nhân viên và nhà máy đang chờ đợi. Asanzo không thể chờ đợi thêm nữa. Thông tin Asanzo công bố hôm nay rộng rãi và chịu trách nhiệm.
Với câu hỏi, chỉ 2 văn bản trên đã đủ bằng chứng kết luận Asanzo được minh oan? Asanzo khẳng định, các văn bản hiện tại đều chưa cho thấy chúng tôi (Asanzo hay cá nhân ông Phạm Văn Tam) có sai phạm gì.
Trả lời câu hỏi vì sao các đối tác là 14 công ty đã bỏ trốn, Asanzo khẳng định họ là những công ty nhỏ trong chuỗi sản xuất của Tập đoàn. Tới đây, Asanzo sẽ phải thanh lọc lại và lựa chọn để phát triển ổn định hơn.
Cuối cùng, Asanzo cho biết, dù công ty đang gặp khủng hoảng nhưng chưa có cổ đông, ngân hàng nào đến gõ cửa đòi tiền. Dù thiệt hại từ vụ việc là cả ngàn tỷ và có nhiều thứ không thể đo đếm hết được.
Trước đó, ngày 30/8, Asanzo đã đăng tải thông báo tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoại trừ hoạt động bảo trì bảo hành nhằm bảo đảm quyền lợi sau mua hàng cho người tiêu dùng.
Công ty này mong muốn sớm có một kết luận thanh tra, kiểm tra chính thức để cho công ty Asanzo trở lại hoạt động bình thường, có cơ hội tiếp tục kinh doanh.
Trong một diễn biến khác, ngày 5/9, Tổng cục Hải quan cho biết, đã tham mưu Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ảnh liên quan đến Cty CP Tập đoàn Asanzo.
Xác minh cho thấy, từ 1/1/2017 đến 30/6/2019, Tập đoàn Asanzo có quan hệ mua linh kiện, hàng hóa với 58 công ty trong đó có 9 công ty mang tên “Asanzo”. Tuy nhiên, hiện hầu hết các công ty trên đã bỏ trốn, hoặc không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh hoặc ngừng hoạt động.