Ai giàu nhất lịch sử nhân loại?

Nếu xét tới tác động của lạm phát, có lẽ "cha đẻ" của tập đoàn thương mại điện tử Amazon còn lâu mới là người giàu nhất lịch sử nhân loại.
Amazon - gã khổng lồ thương mại điện tử toàn cầu - đã nâng lên tầm vô đối trong thế giới bán lẻ trực tuyến. Đổi lại, nó cũng mang về sự giàu có không ai sánh bằng cho ông chủ Jeff Bezos - người giàu nhất lịch sử nhân loại.
2 năm kiếm hơn 50 tỉ USD
Chỉ 10 ngày đầu tiên trong năm 2018, khối tài sản của nhà sáng lập Amazon tăng thêm 6 tỉ USD, lên 106 tỉ USD, được truyền thông cho là cao nhất trong lịch sử. Theo Tạp chí Forbes, riêng trong 2 năm qua, tài sản của vị tỉ phú 54 tuổi đã tăng hơn 50 tỉ USD, cao hơn cả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Iceland, Belize hay Monaco trong cùng giai đoạn.
Theo tờ The Guardian, về mặt chính thức, tỉ phú Bezos đã là người giàu nhất hành tinh và là cái tên mới nhất trong danh sách những nhân vật giàu nhất lịch sử, được điểm danh từ thời vua Croesus của xứ Lydia vào thế kỷ VI trước Công nguyên. Ông vua này giàu tới mức có cả một thành ngữ "giàu như Croesus".
Trước khi ông chủ Amazon "lên ngôi", chỉ có một người trên thế giới từng đạt tới tài sản trị giá 12 con số. Đó là khi tài sản của tỉ phú Bill Gates cán mốc 100 tỉ USD vào thời kỳ đỉnh cao của bong bóng dotcom năm 1999.
Ông Bezos đã soán ngôi giàu nhất thế giới của nhà đồng sáng lập Microsoft năm ngoái và khoảng cách đang được nới rộng gần như từng ngày.
Tuy nhiên, nếu xét tới tác động của lạm phát, "cha đẻ" của Amazon chưa hẳn là người giàu nhất trong lịch sử. Thậm chí, tỉ phú Bezos còn khó có thể gọi là người giàu nhất nước Mỹ từ trước đến giờ.
 Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Amazon Jeff Bezos được cho là trở thành người giàu nhất lịch sử.
Danh hiệu này phải được trao cho một trong các đại gia của nền công nghiệp Mỹ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Tài sản của những tên tuổi như Andrew Carnegie, John D. Rockefeller, Henry Ford khiến tỉ phú Bezos bị coi là là tương đối... nghèo nếu tính tới yếu tố tăng giá.
Ngược thời gian xa hơn nữa, danh sách 10 người giàu nhất mọi thời đại có cái tên Alan Rufus - họ hàng của vua William, vị vua Norman đầu tiên của Anh. Theo Tạp chí Money (Mỹ), khi qua đời năm 1093, tài sản của ông trị giá khoảng 11.000 bảng Anh.
Những thông tin từ cuốn Domesday Book đã ghi nhận được giá trị toàn bộ tài sản của Anh sau cuộc chinh phục của người Norman và ông Rufus nắm giữ 7% số đó. Trong khi đó, khối tài sản của tỉ phú Bezos hiện nay thậm chí chưa bằng 1% GDP nước Mỹ. Để sánh ngang với Rufus, ông chủ của Amazon cần có 1.250 tỉ USD.
Ngoài ra, còn có những nhân vật lịch sử khác từng nắm những khối tài sản khổng lồ nhưng lại ít được biết tới. Từ thời các pharaoh Ai Cập tới hoàng đế La mã Augustus Caesar và người sáng lập đế chế Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn, tài sản của cả một thời thường tập trung trong tay một số rất ít người.
Những đại gia ẩn mình
Việc nói tỉ phú Bezos là người giàu nhất còn sống trên thế giới cũng có thể gây tranh cãi.
Trong khi tương đối dễ dàng xác định tài sản của những đại gia như Bezos hay Gates từ danh mục cổ phiếu công khai, không ai có thể biết chắc những thành viên trong gia đình Hoàng gia Ả Rập Saudi có bao nhiêu tiền. Cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi được cho là từng bí mật cất giữ 200 tỉ USD trong thời gian cầm quyền.
Tài sản của ông trùm bán lẻ trực tuyến được tiết lộ rõ ràng trên bảng xếp hạng tỉ phú Bloomberg Billionaires Index - chỉ số phản ánh các dữ liệu công khai về chủ sở hữu các công ty và cổ phần - nên không khó đo đếm. Danh sách này do người Mỹ thống trị và không thể phủ nhận họ là chủ nhân của những công ty lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, còn những nhân vật giàu có khác, từ các đại gia Nga tới lãnh đạo một số nước đang phát triển, đều kiểm soát những khối tài sản khổng lồ chưa được tiết lộ.
Một số đại gia có thể ẩn mình nhờ những cấu trúc công ty mờ ám, tài sản có thể gửi gắm ở những công ty bình phong đặt ở nước ngoài.
Tỉ phú Bezos giàu lên một cách thần tốc do giá trị cổ phiếu của Amazon trỗi dậy nhờ sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, được thúc đẩy bởi chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu có hiệu lực đầu năm nay.
Giá trị của Amazon - do ông Bezos nắm 16% cổ phần - đã tăng hơn 50% kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức 1 năm trước. Có vẻ mỉa mai khi tỉ phú giàu nhất lịch sử đang sở hữu tờ The Washington Post không ít lần chọc giận Tổng thống Trump và từng bị ông chủ Nhà Trắng chỉ trích là "nhà máy tin giả".
Dù ai đó có thể vẫn nói qua nói lại nhưng thực tế tỉ phú Bezos - sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Albuquerque, bang New Mexico năm 1964, rồi lập nên đế chế bán lẻ trực tuyến số 1 thế giới của mình năm 1994 từ việc bán sách trong garage ở TP Seattle - nay đã đứng số 1 trong danh sách giàu nhất thế giới, trên cả Bill Gates hay nhà đầu tư Warren Buffett.
Tuy nhiên, theo Tạp chí Forbes, nếu dựa trên cơ sở điều chỉnh lạm phát, Bill Gates trước đó từng có lúc sở hữu khối tài sản bỏ xa mức đang giúp tỉ phú Bezos giàu nhất thế giới hiện nay.
Chẳng hạn, khối tài sản trị giá 100 tỉ USD vào tháng 4/1999 nói trên của nhà đồng sáng lập Microsoft tương đương với 150 tỉ USD ngày nay. Hiện tài sản của vị tỉ phú 62 tuổi ước tính 92 tỉ USD và lẽ ra con số đó có thể cao hơn nhiều nếu ông không trao 36 tỉ USD cho các hoạt động từ thiện.
Các tỉ phú ngày càng giàu hơn trong bối cảnh lo ngại gia tăng về sự bất bình đẳng ở các nước phát triển. Ước tính giới siêu giàu hiện sở hữu khối tài sản lớn nhất kể từ "Thời kỳ vàng son" của Mỹ - thời điểm bước vào thế kỷ XX khi các nhà tư bản công nghiệp như Rockefeller và Carnegie giàu lên ngoài sức tưởng tượng. Giai đoạn này kết thúc với sự sụp đổ của Phố Wall năm 1929 và theo sau đó là đại suy thoái.
Theo Bloomberg, nhóm 500 tỉ phú giàu nhất hành tinh đã chứng kiến tổng giá trị tài sản tăng thêm 1.000 tỉ USD trong năm 2017, cao gấp 4 lần mức tăng của năm 2016 nhờ thị trường chứng khoán toàn cầu đạt những mức điểm kỷ lục mới.
Theo Người Lao Động

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN