Sáng nay, 21/05/2021, CTCP Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhiều vấn đề như kế hoạch kinh doanh 2021, phương án phát hành trái phiếu đã được công bố trong tài liệu họp trước đó đều không có gì đáng bàn cho đến khi HĐQT GIL bổ sung tờ trình quan trọng ngay trước ngày tổ chức Đại hội.
Ngày 20/05, GIL bổ sung tờ trình phát hành riêng lẻ 16.8 triệu cp với giá 35,000 đồng/cp, thấp hơn gần 45% so với thị giá tại thời điểm công bố. Nguyên tắc xác định giá được HĐQT GIL đưa ra là dựa trên giá trị sổ sách theo BCTC kiểm toán 2020.
Thông tin chính thức này cũng xác nhận những tin đồn về phương án phát hành của GIL được lan truyền trong ngày trước đó (19/05) là hoàn toàn đúng. Và đó hẳn cũng là lời giải thích tốt nhất cho đà rơi thẳng đứng đầy bất ngờ của GIL từ mức đỉnh.
Trên sàn, thông tin trên dường như đã phản ánh vào giá cổ phiếu GIL từ ngày 14/05 kéo dài đến sáng 21/05. Tính từ đỉnh kỷ lục, cổ phiếu GIL đã “bay hơi” hơn 25% giá trị chỉ sau 6 phiên. Điều đáng nói hơn, thanh khoản ở những phiên giảm điểm mạnh này tăng đột biến so với mức trung bình 3 tháng trước đó, với hàng triệu đơn vị mỗi phiên được chuyển giao.
Một vấn đề được đặt ra là ai đã kịp bán ra chốt lời trước khi thông tin chính thức được công bố, trừ những người nắm được thông tin sớm hơn? Hay chăng đó chỉ là một diễn biến trùng hợp một cách ngẫu nhiên?
Ngày 19/05, đã có thông tin lan truyền trên nhiều room chia sẻ thông tin của nhà đầu tư về việc GIL sẽ phát hành riêng lẻ giá 35,000 đồng/cp. Những hoài nghi dấy lên bởi tài liệu họp mà GIL công bố trước đó vào ngày 29/04/2021 không hề có nội dung này.
Trước khi lao dốc, GIL là một trong những cổ phiếu có mức sinh lợi tốt nhất trên thị trường kể từ đầu năm 2021 (tăng gần gấp đôi từ 42,000 đồng/cp lên đỉnh 80,000 đồng/cp). Kết quả kinh doanh quý 1 tích cực với lãi ròng tăng 66% là yếu tố nền tảng tốt cho GIL.
Thậm chí, trong năm 2020, một năm khó khăn chung của ngành dệt may thì GIL vẫn là điểm sáng, được thể hiện qua kết quả kinh doanh. Cụ thể, doanh thu 2020 của GIL đạt 3,456 tỷ đồng và lãi ròng gần 307 tỷ đồng, lần lượt tăng 36% và 92% so với năm trước. GIL có hai khách hàng lớn IKEA và Amazon, tập trung mảng bán hàng online, đây là lợi thế lớn trong bối cảnh đại dịch bùng nổ, do đó kết quả kinh doanh GIL đi ngược xu hướng chung trong ngành. Và mức giá cổ phiếu tăng trưởng hơn 160% là phản ánh trung thực nhất về hoạt động của GIL.
Triển vọng 2021 của GIL vẫn được giới chuyên gia đánh giá rất sáng sủa. CTCK Phú Hưng (PHS) đánh giá xu hướng bán hàng online hỗ trợ tăng trưởng của các khách hàng lớn với tài chính mạnh, tạo thuận lợi cho GIL. Thị phần của Amazon ước đạt 50% vào năm 2021 tăng từ mức 47% vào năm 2020.
Ngoài ra, GIL cũng có tăng trưởng mới từ định hướng phát triển khu công nghiệp (KCN) Phú Bài 4. GIL có kế hoạch sẽ đầu tư xây dựng KCN Phú Bài 4 với tổng quy mô đầu tư khoảng 507 ha theo chuẩn Singapore. KCN Phú Bài là KCN trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế, với vị trí tiếp giáp tuyến đường tránh Quốc lộ 1 và có vị trí thuận lợi trên tuyến đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan nối 3 tỉnh, thành phố miền Trung là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, KCN Phú Bài là KCN lớn nhất và hoạt động sôi nổi nhất trong các KCN hiện có tại Thừa Thiên Huế. KCN Phú Bài đi vào hoạt động sẽ tác động tích cực đến GIL.
Với triển vọng kinh doanh sáng như vậy, việc giá cổ phiếu lao dốc chắc hẳn khiến nhà đầu tư không khỏi bất ngờ. Đến giờ, phương án phát hành riêng lẻ được đưa ra có thể là lời giải thích hợp lý nhất cho đà giảm sốc đó, bởi cái giá mà HĐQT chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là quá thấp so với thị giá.
Nhưng từ đây, nhà đầu tư trên thị trường cũng có quyền đặt câu hỏi tại sao HĐQT GIL lại quyết định như vậy? Nên nhớ rằng, mức định giá đúng nhất cho một cổ phiếu là mức giá nhà đầu tư sẵn sàng trả để sở hữu nó trên sàn chứng khoán chứ không phải con số khô khan trong báo cáo kiểm toán kia.