ACB công bố kết quả hoạt động Q4 với tổng thu nhập hoạt động hợp nhất (TOI) đạt 8,4 nghìn tỷ đồng (+5,7% yoy và -0,5% qoq), trong đó thu nhập lãi thuần (NII) là 6,29 nghìn tỷ (-2,6% yoy và 1,3% qoq) và thu nhập ngoài lãi đạt 2,1 nghìn tỷ (+41,9% yoy và -5,7% qoq).
Động lực tăng trưởng thu nhập ngoài chủ yếu đến từ hiện thực hóa lợi nhuận trái phiếu Chính phủ (đạt 1,3 nghìn tỷ so với mức lỗ 113 tỷ cùng kỳ). Ở chiều ngược lại, thu nhập ngoại hối sụt giảm còn 29 tỷ (so với 504 tỷ cùng kỳ) và thu nhập phí giảm còn 727 tỷ (-21,5% yoy, -5% qoq).
Về phía chi phí, chi phí hoạt động (-26% yoy), chủ yếu đến từ việc kiểm soát tốt chi phí nhân viên và quản lý công vụ, trái với mức tăng trưởng dương về TOI. Nhờ vậy, tỷ lệ CIR (TTM) giảm 372 điểm cơ bản so với quý trước đạt 33,2%. Ngân hàng cũng đồng thời trích lập dự phòng 322 tỷ đồng (+28% yoy), tương đương chi phí tín dụng (TTM) duy trì ở mức 0,4%.
Nhờ vậy, LNTT Q4/2023 đạt 5 nghìn tỷ đồng (+39,7% yoy) nhờ duy trì khá tốt về tăng trưởng thu nhập cũng như kiểm soát tốt chi phí hoạt động. Lũy kế cả năm 2023, tổng TNHĐ và LNTT lần lượt là là 32,7 nghìn tỷ (+14% yoy) và 20 nghìn tỷ (+17% yoy), hoàn thành được 100% kế hoạch lợi nhuận cho năm 2023 của Ngân hàng.
Sức ép lên NIM phù hợp với bối cảnh nền kinh tế
Tăng trưởng tín dụng hợp nhất năm 2023 đạt 17,9% YTD (+8,5% qoq). Trong đó, ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng đều ở các khối khách hàng.
Tăng trưởng huy động hợp nhất năm 2023 đạt 16,8% YTD (+8,2% qoq). Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng trưởng 16,6% YTD (+8,4% qoq) và tăng trưởng giấy tờ có giá ở mức 18,3% YTD (+7,3% YTD). Trong năm 2023, ACB tiếp tục phát hành trái phiếu để tăng cường bộ đệm vốn cấp hai. Ngoài ra, tỷ lệ CASA của ACB tiếp tục tăng lên 22%, tương đương với mức tăng 16% về giá trị.
NIM (quy năm) của ACB giảm 21 bps qoq xuống 3,77% trong quý 4 đến từ việc lợi suất tài sản giảm 84 bps cao hơn mức giảm 73 bps của chi phí vốn. Điều này được lý giải bởi: (1) Các gói hỗ trợ lãi suất nhằm thu hút khách hàng và (2) Các khoản vay ngắn hạn được tăng cường.
Ngân hàng có chất lượng tài sản thuộc nhóm đầu ngành
Tỷ lệ nợ xấu từ cho vay khách hàng là 1,22% tăng 1bps so với quý trước, một phần do ảnh hưởng từ nợ kéo theo (CIC). Trong đó, NPL theo từng phân khúc lần lượt là cá nhân: 1,1%, doanh nghiệp: 1,11%.
Theo ước tính của VDSC, nợ xấu hình thành ròng hàng quý được kiểm soát tốt khi giảm đáng kể ở mức 551 tỷ so với 1,1 nghìn tỷ trong quý 3. Chi phí dự phòng tiếp tục được kiểm soát tốt hơn trong quý 4 ở mức 322 tỷ đồng (-38% qoq). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ xuống 91,2% so với 94,5% trong quý 3. Nợ cơ cấu theo TT02 của ACB cuối năm 2023 là 2,2 nghìn tỷ, so với 1,8 nghìn tỷ trong tháng 9.
Theo ACB, Ngân hàng cũng sẽ nỗ lực kiểm soát nợ xấu về mức 1% và duy trì chi phí tín dụng dưới mức 0,3% cho cả năm 2024.
Triển vọng 2024: Hoạt động kinh doanh cốt lõi được kỳ vọng dẫn dắt tăng trưởng LNTT
Kết quả kinh doanh năm 2023 của ACB cho thấy được sự tích cực của Ngân hàng trong khả năng kiểm soát rủi ro và kiểm soát chi phí hoạt động hiệu quả (CIR) kết hợp với việc đa dạng hóa nguồn thu ngoài lãi trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính chậm lại.
Cho năm 2024, VDSC kỳ vọng tổng thu nhập của ngân hàng sẽ tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của năm 2023 nhờ sự dẫn dắt của thu nhập lãi. Bên cạnh đó, VDSC cũng kỳ vọng ngân hàng sẽ kiểm soát tốt nợ xấu nội bảng, đồng thời tác động của nợ kéo theo (do CIC) giảm dần, từ đó duy trì tăng trưởng lợi nhuận ở mức hai chữ số như nhiều năm qua.
Giá mục tiêu hiện tại là 29.000 đồng/cp và VDSC đang xem xét điều chỉnh để phản ánh phù hợp hơn với những chuyển biến tích cực vừa qua.