Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) vừa cập nhật thông tin, số liệu về nguồn vốn phát hành cổ phiếu chia cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC kiểm toán năm 2021.
Theo BCTC kiểm toán riêng lẻ, tại ngày 31/12/2021, lợi nhuận chưa phân phối của ABBank là 3,648 tỷ đồng.
Ngày 11/2/2022, ABBank hoàn thành phát hành gần 244 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu (trong đó có 225.6 triệu cổ phiếu từ lợi nhuận chưa phân phối). Do đó, vốn điều lệ của ABBank tăng từ 6,970 tỷ đồng lên 9,409 tỷ đồng.
Do đó, nguồn vốn còn lại có thể tiếp tục sử dụng để chia cổ tức là 1,360 tỷ đồng (BCTC riêng lẻ) và 1,378 tỷ đồng (BCTC hợp nhất). Nguồn để thực hiện tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, không vượt quá mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên cả BCTC hợp nhất và riêng lẻ 2021 đã được kiểm toán.
Theo dự kiến, trong năm 2022, ABBank sẽ phát hành hơn 94 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức tỷ lệ 10% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, sau khi đã sử dụng một phần để phát hành cổ phiếu thưởng 35% vào ngày 11/2/2022.
Đồng thời, ABBank dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP trong quý 4/2022, sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của ABBank sẽ được nâng từ mức 9,409 tỷ đồng lên 10,400 tỷ đồng.
Trong cơ cấu cổ đông dự kiến sau khi kết thúc đợt phát hành trả cổ tức của ABBank vẫn là Malayan Banking Berhad (Maybank) (16.32%), Tập đoàn Geleximco (12.72%) và International Finance Corporation (Tổ chức Quốc tế tài chính IFC) (8.16%).
Tuy nhiên, ngày 9/8/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận cho IFC chuyển nhượng gần 77,2 triệu cổ phần. Sau khi hoàn tất giao dịch này, IFC không còn là cổ đông lớn của ABBank.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ABB dừng tại mức 10.200 đồng/cp, ghi nhận giảm tới hơn 11% chỉ trong vòng 1 tháng qua. Khối lượng giao dịch cũng giảm hẳn khi bình quân chỉ hơn 950 ngàn đơn vị mỗi phiên.
Về tình hình kinh doanh, tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của ABBank tăng thêm hơn 10.300 tỷ lên 131.320 tỷ đồng. Trong đó, chứng khoán kinh doanh bất ngờ lao dốc 95% xuống vỏn vẹn 264 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng khá 12,6% lên mức 77.706 tỷ đồng; hoạt động mua nợ cũng đột biến gấp 8,5 lần lên con số 1.304 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả, khoản mục tiền gửi khách hàng của ABBank tăng 8,6% khi đạt 73.707 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của ABBank tăng thêm gần 11% lên mức 1.789 tỷ đồng. Trong đó đáng lo ngại chính là nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 20% khi chiếm 1.039 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng gần 6% với 443 tỷ; riêng nợ dưới tiêu chuẩn giảm gần 8% về mức 308 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của ABBank vẫn tương đương đầu kỳ với 2,3%.