746 tỷ nợ xấu của Eximbank liên quan Sacombank như thế nào?

Khoản nợ xấu 746 tỷ đồng vừa bị kiểm toán cảnh báo của Eximbank bắt nguồn từ 7 khách hàng vay nợ và cầm cố bằng cổ phiếu của "ngân hàng khác" mà dư luận cho rằng đó là Sacombank.
 
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank (mã EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2018. Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH KPMG (KPMG) đã đưa ra nhấn mạnh về khoản 746 tỷ đồng nợ xấu phát sinh đối với khoản cho vay 7 khách hàng, với tài sản đảm bảo là 75 triệu cổ phiếu của ngân hàng khác và dự phòng tương ứng gần 21,8 tỷ đồng.
746 ty no xau cua Eximbank lien quan Sacombank nhu the nao?
 746 tỷ đồng nợ xấu của Eximbank là khoản cho vay 7 khách hàng, với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của ngân hàng khác. Ảnh: Internet.
Khoản nợ này được phân loại vào Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) và chiếm tới 87,9% giá trị dư nợ của các khoản nợ nhóm này của Eximbank tính đến ngày 31/12/2018. Eximbank cũng cho biết ngân hàng này đã trích lập dự phòng 21,787 tỷ đồng tính đến cuối năm 2018, tăng hơn 9,8 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017.
Khoản nợ xấu của Eximbank đã phát sinh và quá hạn nhiều năm. Trong khi đó, thông thường, các khoản nợ được phân loại vào Nhóm 3 khi quá hạn từ 91 đến 180 ngày hoặc nợ được gia hạn lần đầu. Vì thế, có thể nói việc phân loại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản cho vay này là một trong những “trường hợp đặc biệt”.
Eximbank giải thích rằng, khoản nợ này được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ căn cứ theo Công văn số 942/NHNN/TTGSNH do NHNN ban hành vào tháng 1/12/2016 cho đến khi NHNN phê duyệt Đề án cơ cấu lại sau sáp nhập của ngân hàng khác (Đề án cơ cấu lại sau sáp nhập) và xử lý các khoản nợ liên quan.
Đến ngày 22/5/2017, NHNN đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu lại sau sáp nhập nêu trên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm lập báo cáo hợp nhất năm 2018 (tức hơn 1 năm sau khi đề án tái cơ cấu được phê duyệt), Eximbank vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào khác của NHNN về việc phân loại và trích lập dự phòng đối với các khoản cho vay này.
Khoản nợ liên quan đến việc Eximbank khởi kiện 7 khách hàng từ năm 2016 để thu hồi nợ. Đến ngày lập báo cáo tài chính kiểm toán 2018, đã có bản án sơ thẩm vụ kiện 3/7 khách hàng với dư nợ gốc 312 tỷ đồng. Số tiền mà 3 khách hàng này phải trả cho Eximbank là 438 tỷ đồng. Hiện, các khách hàng này đã kháng cáo phán quyết của tòa sơ thẩm về cách tính lãi. Đối với 4 khách hàng còn lại có số dư nợ cho vay là 434 tỷ thì Eximbank vẫn đang chờ thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Tại ngày 31/12/2018, Eximbank có chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho năm 2018 sẽ tăng lên gần 98 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 78 tỷ.
Theo Nhà Đầu Tư, Hãng kiểm toán uy tín KPMG không chỉ rõ 7 khách hàng đã thế chấp cổ phiếu của ngân hàng nào. Tuy nhiên, theo các dữ kiện ngân hàng đó được phê duyệt đề án tái cơ cấu và sáp nhập vào ngày 22/5/2017 thì có thể biết chắc chắn nhà băng đang được đề cập là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã CK: STB).
Còn nhớ hồi năm 2012, Trầm Bê đã coi Eximbank như là công cụ đắc lực để thâu tóm Sacombank. Eximbank đã từng nắm gần 10% vốn của Sacombank và vừa mới thoát hết vốn khỏi Sacombank.
Việc thoái vốn khỏi Sacombank đã giúp Eximbank có khoản lợi nhuận sau thuế 661 tỷ đồng, dù suy giảm tới 20% so với năm 2017.
Thế Hoàng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN