Theo đó, 60 triệu cổ phiếu PXS sẽ hủy niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 24/6 tới. Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu PXS trên sàn HoSE là ngày 23/6.
Nguyên nhân hủy niêm yết là do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 20219, năm 2020 và năm 2021 của PXS, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Trước đó, PXS cũng đã có nguy cơ đe dọa hủy niêm yết cổ phiếu khi liên tiếp công bố lợi nhuận 2 năm liên tiếp 2018-2019 lỗ lớn, tương ứng âm hơn 139,4 tỷ đồng và âm gần 269 tỷ đồng.
Năm 2020, Công ty may mắn có được kết quả dương với lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3,39 tỷ đồng, đã giúp cổ phiếu PXS thoát án hủy niêm yết.
Năm 2021, PXS ghi nhận doanh thu thuần giảm 5% xuống 1.082 tỷ đồng và lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 3 tỷ đồng. Nhờ khoản thu nhập khác tăng đột biến, PXS thoát lỗ với khoản lãi ròng vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước.
Do các khoản lỗ nặng năm 2018 và 2019, lỗ lũy kế của PXS đến cuối năm 2021 vẫn còn hơn 363 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp dầu khí này còn rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 226 tỷ đồng thời điểm 31/12/2021.
Dù vậy, PXS vẫn nổi sóng gây chú ý với điệp khúc tăng sốc, giảm sâu thời gian qua. Từ vùng giá dưới 6.000 đồng/cp hồi đầu tháng 9/2021, PXS tăng hơn gấp đôi sau khoảng 4 tháng lên 12.500 đồng/cp vào giữa tháng 1/2022.
Cổ phiếu này sau đó quay đầu chỉnh sâu về sát mệnh giá trước khi tăng trở lại thậm chí còn nóng hơn. Chỉ sau chưa đầy 1 tháng, PXS đã tăng gần 50% lên đỉnh 7 năm vào đầu tháng 3 với 14.700 đồng/cp.
Từ đây, cổ phiếu này liên tiếp rơi mạnh và thổi bay toàn bộ thành quả tăng giá trong trước đó. Hiện giá cổ phiếu PXS đang đứng tại 5.480 đồng/cp khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/5.