12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương bây giờ thế nào?

Theo đại diện Bộ Công Thương, 12 dự án trước đó được liệt vào danh sách thua lỗ đến nay đều đã có những chuyển biến tích cực.
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, sau gần 2 năm từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 33 (tháng 11/2016) và hơn 1 năm (từ ngày 29/9/2017) Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt xử lý 12 dự án, đến nay 12 dự án trước đó bị liệt vào doanh sách thua lỗ đều có những chuyển biến tích cực.
Ông Dương Duy Hưng cho biết, đối với 6 dự án trước đây sản xuất kinh doanh thua lỗ, đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động ổn định và có lãi là dự án DAP 1 Hải Phòng (8 tháng đầu năm nay lãi 147,68 tỷ đồng); dự án nhà máy thép Việt Trung lãi hơn 527,4 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2018. Các dự án còn lại, nhất là 4 dự án của Vinachem gồm: DAP Lào Cai, Phân đạm Ninh Bình, Phân đạm Hà Bắc đã vận hành ổn định, tổ chức sản xuất hiệu quả hơn.
Đối với nhóm 3 dự án tạm dừng thi công, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã tiến hành bán đấu giá lần 1 nhưng chưa thành công và đang tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để bán đấu giá lần 2. Hai dự án còn lại cũng đang tìm đối tác để có thể vận hành trở lại. Trường hợp nhóm các dự án thứ ba gồm các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Công ty PVTex) đã vận hành trở lại 3 dây chuyền vào ngày 10/4 vừa qua với chất lượng sản phẩm được đánh giá là khá tốt.
 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương đến nay đã có những bước chuyển biến tích cực. Ảnh: PVN 
2 nhà máy còn lại của nhóm này trước đây không khởi động lại được thì hiện nay, đã xử lý xong các khó khăn về kỹ thuật, máy móc, công nghệ, và chỉ chờ dịp thuận lợi là có thể ấn nút vận hành. Cũng theo ông Dương Duy Hưng, hiện nay, tất cả chỉ số kiểm đếm, tổng dư nợ trung và dài hạn của các dự án này giảm theo thời gian. Đầu năm 2018, dư nợ đã giảm so với năm trước đó. Đến nay, so với ngày 31/1/2018, dư nợ tiếp tục giảm 124 tỷ đồng.
"Việc xử lý các dự án này đã đảm bảo nguyên tắc là không sử dụng vốn Nhà nước, đảm bảo theo nguyên tắc thị trường và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra, việc xử lý còn thu hồi cho ngân sách 1.000 tỷ đồng thông qua phần vốn góp nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ở dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đã rút về", ông Dương Duy Hưng cho hay.
Vụ trưởng Vụ kế hoạch của Bộ Công Thương cho biết thêm, vấn đề khó khăn nhất liên quan tới xử lý thua lỗ của 12 dự án này là xử lý các tranh chấp tại các hợp đồng EPC ở nhiều dự án. Đây là khâu rất phức tạp bởi đến thời điểm này, vẫn còn 8 dự án vẫn có vướng mắc. Theo lộ trình được Bộ Công Thương đưa ra trình Quốc hội, đến năm 2020, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém tại số dự án thua lỗ này.
Trước đó, thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm 2018, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã có 26 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, động lực đến chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI.
Nhiều thị trường Việt Nam ký kết FTA có mức tăng trưởng kim ngạch cao, như ASEAN tăng 16%; Trung Quốc tăng 26,6%; Nhật Bản tăng 12,2%; Hàn Quốc tăng 26,5%; Áo tăng trên 25%... Nhiều thị trường tăng trưởng giúp VN duy trì mức thặng dư thương mại ước đạt 5,39 tỉ USD.
"Việc kiểm soát cán cân thương mại giúp tăng thặng dư ngoại tệ, giảm áp lực tăng tỉ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Dự tính cả năm 2018 tất cả các chỉ tiêu được giao sẽ đạt và vượt so với mục tiêu mà Chính phủ giao”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Theo Hán Hiển/VietQ.vn

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN