Một nhà văn từng đưa ra quan điểm nhận được nhiều sự đồng tình rằng: “Đời người, ngoài kiếm tiền ra, thực chất chẳng cần quá nhiều giao du mà càng cần sự yên tĩnh, không bị quấy rầy và sống tốt cùng người mình yêu”.
Đi qua nửa đời người, chúng ta sẽ nhận ra không phải mối quan hệ nào trên đường đời cũng đáng để duy trì và cũng không phải ai cũng xứng đáng với tấm lòng chân thật của chúng ta. Bạn cũng không cần phải bận rộn qua lại trong các mối quan hệ xã giao bởi ngoài việc lãng phí quá nhiều năng lượng và thời gian, bạn sẽ chỉ trở nên nóng nảy, bồn chồn. Đồng thời, giữ lại những người sai lầm trong cuộc đời sẽ chỉ khiến cuộc sống trở nên lộn xộn, chật chội và cuối cùng lại tự làm tổn thương chính mình.
Khi đến tuổi trung niên, những kiểu người này trước đây dù có quan hệ ra sao bạn cũng không cần liên lạc nữa:

1. Người quá lâu không còn giao thiệp
Trong cuộc sống, bạn có từng gặp phải những tình huống như này không: Bạn bè thân thiết thuở niên thiếu, đồng nghiệp hợp ý sau khi đi làm, hoặc những người hữu duyên thường xuyên trò chuyện vui vẻ trên đường, bạn đều cố gắng giữ họ lại trong cuộc sống của mình. Dù mỗi người một nơi, bạn vẫn luôn cố tin rằng khoảng cách không thể đánh bại được tình cảm đôi bên.
Nhưng thực tế là các mối quan hệ giữa người với người chưa bao giờ bền chặt vĩnh viễn, lại vô cùng mỏng manh. Khi không còn liên hệ, qua lại trong một thời gian dài, đôi bên sẽ dần trở thành những người xa lạ quen thuộc nhất trong cuộc đời nhau. Bất kể tình nghĩa xưa kia có chân thành đến mấy, chỉ cần lâu ngày không còn giao thiệp, không còn liên lạc, mối quan hệ đó chắc chắn sẽ phai nhạt.
Sau tuổi trung niên, mỗi người đều có cuộc sống riêng, đều có những lo toan riêng, không thể như trước đây mà bỏ quá nhiều tâm sức để duy trì từng mối quan hệ. Điều thực sự có thể làm được chỉ là trân trọng những người thường xuyên liên lạc và nhìn nhận một cách nhẹ nhàng những người đã lâu không qua lại.
Mối quan hệ giữa người với người trên thế gian này vốn dĩ mang tính giai đoạn. Mỗi người chỉ đồng hành cùng bạn một chặng đường, không phải mãi mãi. Với những người đã lâu không còn giao thiệp, thay vì cố gắng làm phiền, cố ép lại gần nhau, chi bằng giữ kỷ niệm trong lòng, mặc kệ thế sự, tiến về phía trước một cách bình yên.

2. Người làm hao hụt năng lượng của bạn
Tâm lý học nói rằng: Nếu có người nào đó khi ở bên bạn, chỉ thông qua các lời nói và hành vi để liên tục làm hao hụt bạn, khiến bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, thậm chí kiệt quệ tinh thần, thì lựa chọn tốt nhất của bạn là tránh xa người đó.
Trong cuộc sống thực tế, những người như vậy là không ít. Có thể bản thân họ không có ác ý nhưng họ đã quen với việc làm hao hụt năng lượng của bạn, khiến bạn ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Biểu hiện điển hình khi ở bên những người như vậy là bất kể bạn làm gì cũng nhận về những đánh giá tiêu cực, bất kể bạn nói gì cũng bị đối phương bới móc khuyết điểm. Ngay cả những người lạc quan, tích cực nhất cũng sẽ dần trở nên u ám, thậm chí bắt đầu phủ nhận, nghi ngờ chính mình dưới ảnh hưởng tiêu cực đó.
Chỉ khi bạn thực sự có thể dứt khoát rời xa đối phương, những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, tự nghi ngờ trong lòng mới tan biến hết. Cuộc đời là chuỗi những lựa chọn không ngừng, giao tiếp với mọi người cũng vậy. Nếu một người luôn mang đến năng lượng tiêu cực, dần dần nuốt chửng khía cạnh tích cực, tươi sáng nhất của bạn, thì bạn không nên tiếp tục chần chừ, dứt khoát rời đi là cách tốt nhất để đối xử tử tế với chính mình.
Hãy nhớ rằng, không cần thiết phải đoán mục đích của họ, mỗi người đều có cách sống riêng. Đến tuổi trung niên, bản thân đã có không ít áp lực, đừng lãng phí năng lượng vào những mối quan hệ hao tổn mình.

3. Người không bao giờ muốn thấy bạn tốt lên
Có câu nói rằng: “Hạt giống ghen tỵ một khi đã gieo xuống, sẽ ngang nhiên phát triển ở những nơi không ai thấy”.
Bản chất con người thay đổi khó lường, đừng bao giờ đánh giá quá cao mối quan hệ của bạn với người khác. Bạn sẽ không bao giờ biết được, một hành động vô tình nào đó của mình sẽ kích thích thần kinh đối phương và rồi họ quay lưng đâm bạn bằng con dao sắc nhất.
Trong cuộc sống thực tế, những ví dụ như vậy không lạ lẫm gì. Hai đồng nghiệp thường ngày giúp đỡ lẫn nhau, trò chuyện vui vẻ, chỉ vì thấy một người được thăng chức mà bản thân vẫn dậm chân tại chỗ, một người bắt đầu bịa đặt tin đồn, hãm hại đối phương. Hoặc những người họ hàng thường ngày quan hệ tốt đẹp, thấy con cái nhà người ta đỗ đại học danh tiếng, trong khi con mình lại thi trượt, càng nghĩ càng tức giận, thậm chí còn đánh con người ta bị thương nặng.
Thật lòng mà nói, quá nhiều mối quan hệ tưởng chừng rất thân thiện, cuối cùng đều bị đánh bại bởi bản chất con người, thua bởi những mối quan hệ mà ở đó người ta không bao giờ muốn thấy bạn tốt lên. Chính vì vậy, đến tuổi trung niên không thể lơ là, đừng ngây thơ không đề phòng.
Đối với những người thích đố kỵ, có ý đồ xấu với bạn, không muốn thấy bạn tốt lên, bạn nên cắt đứt liên lạc kịp thời, đừng tiếp tục lưu luyến, càng đừng dễ dàng tiếc nuối. Đến tuổi trung niên, chúng ta có cha mẹ già cần phụng dưỡng, con cái cần chăm sóc, đừng nên liều lĩnh và kết giao với những người không phù hợp.
“Trên đường đời, việc chia ly với một số người chưa chắc đã là chuyện xấu”.
Trong hành trình của cuộc đời, bản thân chúng ta cần không ngừng làm phép trừ, đặc biệt là trong các mối quan hệ xã giao. Dám buông bỏ chính là hành động khôn ngoan để sống thông suốt hơn. Cầu mong cuộc sống của bạn sau này tràn ngập những mối quan hệ ấm áp, nuôi dưỡng, luôn được bao bọc bởi sự dịu dàng, sống một cách thảnh thơi và tươi sáng.