Liên quan đến chủ đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với cô Trần Hồng Hạnh, người có hơn 30 kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ tự kỷ.
Chào cô, từng có rất nhiều năm kinh nghiệm tiếp xúc với trẻ tự kỷ, theo cô những dấu hiệu rõ nhất để phụ huynh nhận biết trẻ mắc chứng tự kỷ là gì?
Trẻ tự kỷ là những trẻ mắc các chứng rối loạn thần kinh và có những hành vi tương tự nhau, đặc biệt là mặt quan hệ xã hội bị hạn chế.
Ví dụ khi chơi chung một nhóm thì trẻ chỉ thích chơi một mình, khi ngồi thì lại có các động tác lần mò tay chân. Lúc thầy cô giảng bài, trẻ có thể tập trung nghe, tiếp thu khá tốt, nhưng nhiều trẻ lại thích nhìn lên trần nhà, nhìn lên cây quạt quay, một điểm lên không trung v,v…Trẻ tự kỷ thường ngại nhìn đối diện mình, mà nhìn len lén.
Nếu để trẻ một mình ở nhà, phụ huynh sẽ rất khó để phân biệt trẻ mắc bệnh. Tuy nhiên nếu để bé hòa nhập vào môi trường lớp học, môi trường tập thể thì trẻ tự kỷ sẽ có những hành vi nổi trội hơn. Dựa vào đó mà ta sẽ kết luận được khoảng bao nhiêu phần trăm bị tự kỷ. Khi có dấu hiệu thì nên đi khám bác sĩ, để có những bài kiểm tra chứng tự kỷ.
|
Nhà giáo Trần Hồng Hạnh
|
Nhiều phụ huynh thường nhầm lẫn trẻ tự kỷ với trẻ bị tăng động, trẻ bệnh Down, cô có thể nêu cách để phân biệt các nhóm trẻ này?
Phụ huynh rất cần phải phân biệt trẻ tự kỷ và trẻ tăng động. Tự kỷ là bệnh bẩm sinh, còn tăng động là triệu chứng tạm thời. Nhiều trẻ khi bị ba mẹ bỏ rơi, không chăm nom vẫn có thể dẫn đến quậy phá tăng động.
Nhiều trẻ sinh ra bình thường nhưng do môi trường gia đình tác động có thể bị sốc tâm lý, dẫn đến các hành vi bất thường.
Trẻ bị tăng động thông minh và nhận thức hơn trẻ tự kỷ. Còn trẻ bệnh Down có cùng chung một kiểu gương mặt, rất dễ nhận ra!
Nếu phát hiện trẻ bị tự kỷ, phụ huynh nên đưa trẻ đến các trường chính quy cho trẻ tự kỷ hay các cơ sở tư nhân? Lý do tại sao?
Điều này rất khó nói vì thực ra vấn đề không nằm ở việc chọn trung tâm mà vấn đề nằm ở người dạy. Để dạy trẻ tốt còn tùy thuộc theo người dạy, tùy theo trẻ có thích tương tác với cô giáo của mình hay không.
Mỗi giáo viên dạy trẻ cũng giống như cái duyên vậy. Thầy cô có duyên với bé, kèm bé thì bé sẽ tiến triển hơn. Các giáo viên dạy trẻ đều được đào tạo qua sư phạm tật học, tuy nhiên việc ứng dụng vào thực tế thì phải tùy kinh nghiệm.
Vậy theo cô độ tuổi nào can thiệp là hợp lý nhất đối với trẻ mắc tự kỷ?
Cũng tùy trường hợp và mức độ bệnh của trẻ nhưng phải càng sớm càng tốt. Sau khi bác sĩ đã chuẩn đoán tự kỷ, khoảng mấy tháng sau khi sinh sẽ có chuyên gia tư vấn.
Nếu phụ huynh đồng ý, người ta sẽ chuyển đến trung tâm để can thiệp sớm. Phải tác động và can thiệp cho trẻ tự kỷ trước giai đoạn đến trường, có nghĩa là phải trước 4-5 tuổi. Phụ huynh càng can thiệp trễ thì trẻ sẽ mất đi giai đoạn tốt nhất để hồi phục.
Phụ huynh cần đưa trẻ đến trung tâm sớm trước tiên để điều chỉnh hành vi, sau đó là can thiệp trong khoảng thời gian dài. Nếu ba mẹ để lâu cho trẻ tự kỷ chơi một mình, bé sẽ bị thu mình lại dẫn đến không hòa nhập được với xã hội.
Cô đã gặp trường hợp trẻ nào hồi phục, hay tiến triển tốt nhờ việc đưa trẻ đến trung tâm sớm chưa?
Rất nhiều! Tôi nhớ có một trường hợp trẻ đã tiến triển tốt nhờ việc can thiệp sớm, hiện giờ đã học lên được cấp 2.
Đa phần các bé được can thiệp sớm sẽ tiếp thu khá nhanh, một số ít có thể học lên được bậc cao hơn như THCS, THPT. Rất nhiều lứa của tôi đã ra trường, có thể làm những việc đơn giản như bưng bê cà phê, nắn tượng…
Để trẻ phát triển toàn diện, yếu tố gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Phụ huynh cần lưu ý những điều gì để hỗ trợ cho sự bình phục của trẻ tự kỷ?
Khi trẻ lớn lên, trẻ cũng phải về với gia đình. Ba mẹ phải có thời gian để dành riêng cho trẻ. Đừng để trẻ ở nhà một mình.
Bên cạnh thời gian đưa trẻ đến trường, phụ huynh còn phải tương tác, vui chơi cùng trẻ. Giáo viên cũng không phải thần thánh cho nên ba mẹ cũng phải hỗ trợ cùng giáo viên. Người thân phải sâu sát bên cạnh trẻ.
“Phụ huynh phải tác động và can thiệp cho trẻ tự kỷ trước 4-5 tuổi. Càng can thiệp trễ thì trẻ sẽ mất đi giai đoạn tốt nhất để hồi phục” – Nhà giáo Trần Hồng Hạnh
Có trường hợp trẻ đã có tiến triển, nhưng khi đưa về nhà, phụ huynh đi làm nên bỏ bê, trẻ này trở lại trạng thái ban đầu.
Ngoài ra gia đình còn phải tạo điều kiện cho trẻ hòa nhập, mà muốn cho bé hòa nhập phải thực sự kiên nhẫn. Tôi biết có một trường hợp của học trò khi đi siêu thị với ba mẹ thì táy máy tay chân, bỏ đồ chơi vào túi thì bị nhân viên phát hiện. Ba mẹ của trẻ khi đó rất giận, mặc cảm và không muốn dẫn con ra ngoài nữa. Điều này là không nên.
|
Một hoạt động vui chơi của các trẻ em tại trung tâm chuyên biệt Tương Lai quận 5
|
Bên cạnh việc dạy học, cô thấy những hoạt động nào là cần thiết cho sự phát triển trẻ em tự kỷ?
Khi dạy học, mình vui chơi ca hát thì trẻ rất tập trung và tôi phát hiện ra là các trẻ này đều rất thích âm nhạc. Âm nhạc làm trẻ cởi mở. Tại trung tâm của tôi vào cuối tuần cũng có nhiều anh chị hảo tâm, sinh viên đến giao lưu chụp hình cùng các bé.
Mục đích nhằm giúp các bé hòa đồng để tạo cảm hứng. Chúng tôi tránh trường hợp dồn ép học nhiều thì trẻ sẽ chán. Khi gặp nhiều người, trẻ sẽ tăng khả năng giao tiếp, trẻ không ngại nữa.
Đặc biệt là có bạn bè tác động qua lại thì trẻ sẽ phát triển tốt hơn. Do đó phụ huynh đừng để trẻ ở nhà, phải dẫn trẻ đi chơi, du lịch, tắm biển…
Xin cám ơn những chia sẻ của cô!
Theo ước tính do Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐTB&XH năm 2018 đưa ra, Việt Nam có khoảng hơn 200.000 người tự kỷ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, số lượng trẻ tự kỷ đến các bệnh viện chẩn đoán và điều trị ngày càng đông. Thậm chí, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ này hiện nay đã đã tăng vọt gấp 50 lần so với giai đoạn 2000-2007. Tại TPHCM, tỷ lệ này tăng đến 160 lần.
Theo số liệu ở khoa Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đây mỗi ngày chỉ có khoảng 5-6 trường hợp trẻ đến để kiểm tra, đo, khám về tự kỷ nhưng hiện nay đã tới khoảng 230 ca/ngày.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, hằng năm có khoảng 2.500 lượt khám đánh giá về tự kỷ, tương đương khoảng 1.000 – 1.200 bệnh nhân được chẩn đoán tự kỷ hoặc theo dõi mắc tự kỷ.