TS Vũ Thu Hương cho biết, bà đã xem clip về nữ cán bộ công an. Bà đánh giá, nếu ngoài đường người này dễ nổi nóng như vậy, trong gia đình cũng sẽ không tránh khỏi.
Chính điều đó không những tạo bất ổn không chỉ cho xã hội mà còn bất ổn với cả những đứa trẻ trong gia đình.
Thông thường, có hai vấn đề ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ, đó là môi trường và sự giáo dục.
“Chẳng hạn ngày xưa, giáo viên rất nghiêm và khi có sự việc gì xảy ra, nhà trường yêu cầu xử lý ở lớp khác chứ không ở lớp mình, do vậy học sinh không chứng kiến nhưng ngược lại rất sợ hành vi xấu ấy để tránh.
Ở đây, nếu người mẹ chửi bới, sẽ tạo môi trường xấu với đứa trẻ. Việc to tiếng trong giao tiếp sẽ gây căng thẳng và tạo cho đứa trẻ cảm giác về sự nguy hiểm.
Đấy là chưa kể, con có thể dễ bị mẹ hoặc những người xung quanh vung tay vào mặt khi xảy ra ẩu đả”, TS Thu Hương cho hay.
Cũng theo chuyên gia tâm lý này, việc người mẹ khóc ầm ĩ, sẽ khiến trẻ thấy bất an, sẽ cảm thấy không yên ổn, sợ hãi, có thể trầm cảm khi chứng kiến vụ việc như vậy: “Nhiều trẻ sống trong gia đình có người thân hay đánh nhau, chúng có thể bị trầm cảm nặng, thấy cuộc sống hôn nhân cũng như thần kinh cực kì căng thẳng”.
Chia sẻ thêm về những lời lẽ kinh khủng mà người mẹ đã chửi bới người khác ở sân bay trước sự chứng kiến của em bé, chuyên gia tâm lý này cho rằng, sẽ có hai trường hợp có thể xảy ra.
Thứ nhất, sau này em bé hoàn toàn có thể học theo y chang như mẹ hoặc quá sợ những người phụ nữ như thế.
Thứ hai, bé có thể trở nên đối kháng lại với mẹ, chống lại mẹ, không chấp nhận hình mẫu như vậy.
“Nói tóm lại, điều này dẫn đến nhiều tác hại với trẻ ngay lúc đó và kể cả sau này. Tôi thường hay nói, cha mẹ là số phận con, không thể nói giáo dục nhà trường là quyết định.
Thí dụ, trong cùng một lớp học cùng một thầy cô dạy từ lớp 1 đến lớp 12 nhưng có những trẻ sau này rất thành đạt, có người thất bại, có người điềm tĩnh nhưng có những người rất ồn ào. Có những người trưởng thành, thành đạt và trở thành nhà đầu tư giàu có nhưng có những người thất bại thảm hại.
Vậy gia đình quyết định tất cả những điều đó. Hành xử và cách giáo dục của gia đình tạo nên tính cách của đứa trẻ”, TS Hương khẳng định.
Bà cũng lý giải thêm, khi xem clip thấy đứa bé này khá thản nhiên, điều đó chứng tỏ cháu có thể đã chứng kiến nhiều lần.
Và để chúng có thể vượt qua tổn thương đã từng chứng kiến ấy, người mẹ phải thay đổi, cách ứng xử sao cho thuần hơn và không bao giờ nhắc lại sự việc cũ.
Cũng nói về sự việc trên, trên trang cá nhân, nhà giáo Phan Thị Hồ Điệp - mẹ Đỗ Nhật Nam cho rằng, trong các phương pháp giáo dục, chị thường hay nói quan trọng nhất là “ngôn giáo” và “thân giáo”, có nghĩa là lời cha mẹ nói với con và việc cha mẹ làm gương cho con.
“Mấy hôm nay xem clip về việc chửi bới ở sân bay và clip chồng đánh vợ, ngoài sự phẫn nộ về cách hành xử của “người lớn”, chắc ai cũng thấy ớn lạnh khi nhìn những đứa bé bị/phải chứng kiến bố mẹ mình như vậy.
Em bé trong clip bố đánh mẹ còn dửng dưng như thể việc đó em đã chứng kiến nhiều lần. Thật sự rất đau lòng.
Nhưng người lớn “bình thường” chúng ta cũng thường hay để con bị/phải chứng kiến những việc nho nhỏ mà chúng ta nghĩ chẳng đáng kể gì.
Người lớn thỉnh thoảng cứ “láu cá”, cứ “khôn vặt” vì chúng ta cho rằng mình có nhiều trải nghiệm hơn, rằng mình biết cách luồn lách hơn mà không hiểu đó lại là bài học chẳng hay ho gì cho con cái.
Tuy nhiên, nhân quả không đợi đến đời sau mà có ngay ở đời này thậm chí là ngay những khoảnh khắc mình đang sống. Từ những chuyện vu vơ như vậy, để có lúc tự nhắc mình”, chị Điệp viết.