Rươi đắt đỏ nhưng không phải ai cũng nên ăn

Rươi là món ăn đắt đỏ, với giá từ 400.000 đến 600.000 đồng/kg, nhưng không phải ai cũng nên ăn rươi.
Ruoi dat do nhung khong phai ai cung nen an
Hình ảnh con rươi nhiều người sợ. 
Theo Lương y Bùi Hồng Minh, Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội, rươi là loại giun sống ở dưới nước, trên mình có nhiều loại lông tơ để bơi dễ dàng trong nước. Rươi trưởng thành dài từ 60 - 70 mm, bề ngang khoảng 5 - 6mm. Thành mình dẹt với hơn 50 đốt màu hồng, xanh nhạt, nâu nhạt hay màu trắng. Đầu rươi tương đối nhỏ nhưng mắt lại to. Phần trước của rươi lớn hơn phần sau trong khi các đốt lại ngắn hơn.
Cơ thể rươi rất đối xứng, lưng và bụng phân biệt rõ ràng. Rươi sống quanh năm dưới đất, trong lớp bùn đáy sông hay trong các ruộng nước. Môi trường thích hợp cho rươi là nước thật nhạt. Khi đã đến thời kỳ sinh sản, rươi bò lui ra khỏi hang, phần sau chứa đầy tế bào sinh dục đứt lìa khỏi phần trước và trôi nhanh trên mặt nước.
Rươi phóng ra vô số trứng hay tinh trùng làm cho mặt nước có màu trắng đục như sữa. Trứng, tinh trùng kết hợp với nhau tạo một thế hệ mới. Trong khi đó, phần đầu của rươi vẫn sống dưới hang sâu tới 30 - 40 cm để tái tạo phần đuôi và mất 1,5 năm mới trở lại bình thường.
Rươi là món ăn giàu chất đạm và dinh dưỡng. Ở Việt Nam, rươi chỉ có ở Hải Dương, Hải Phòng, một phần Thái Bình còn các tỉnh khác không có nên nó trở thành đặc sản.
Theo lương y Bùi Hồng Minh, các nghiên cứu chỉ ra rằng trong 100g rươi có 81,9g nước, 12,4g protid, 4,4g lipid, cung cấp cho cơ thể được 92 calo, không hề thua kém giá trị dinh dưỡng khi đem so với thịt bê non (trong 100g thịt bê nạc có 78,2g nước, 20g protid, 0,5g lipid, cung cấp được 87 calo). Ngoài ra, rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, photpho, sắt, kẽm…
Tuy nhiên, lương y Minh khuyến cáo rằng những người bị hen phế quản, ho hen mãn tính, người có cơ địa dị ứng không nên ăn rươi.
Ngoài ra, khi ăn rươi cũng hết sức cẩn trọng vì đây là thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất nhiều đạm, nhiều người ăn rươi bị ngộ độc là do chất đạm có trong rươi ngấm vào ruột, vào máu, gây phản ứng cho cơ thể bởi đạm trong rươi khác với đạm trong các thực phẩm như thịt bò, heo…
Không chỉ rươi, theo lương y Bùi Hồng Minh, các loài nhuyễn thể nói chung sống ở môi trường đáy nước, bùn cát, thường có nhược điểm là dễ nhiễm chất độc từ môi trường sống. Nhuyễn thể cũng là vật trung gian truyền nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E.coli, gây tiêu chảy, đường ruột nếu chế biến không cẩn thận, đúng cách.
Ngoài ra, khi sơ chế, cần phải loại bỏ những con rươi đã chết vì rươi chết dễ sinh độc tố. Ăn phải rươi chết nguy cơ ngộ độc rất cao, nhẹ thì đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy cấp, nặng thì có thể ngộ độc, gây nguy hiểm tới tính mạng.
Theo K.Chi/Infonet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN