“Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Thế nhưng trong xã hội hiện đại, khi mà phụ nữ ngày càng làm chủ cuộc sống của mình thì điều này có còn đúng?
Hạnh phúc phụ thuộc vào người chồng?
Đến cơ quan, cứ mỗi khi tán gẫu, chị Lê Thùy (Đông Anh, Hà Nội) lại ca ngợi chồng mình với sự tự hào hết mức. Dù ở cơ quan chỉ là một nhân viên bình thường nhưng chị Thùy thấy hài lòng với cuộc sống khi có được người chồng ưng ý. Chị Thùy chia sẻ: “Tôi thấy hạnh phúc khi lấy được người chồng vừa là trụ cột về tài chính trong gia đình vừa rất quan tâm chu đáo với vợ con. Dù lương chồng gấp mấy lần lương tôi nhưng anh ấy không coi thường hay phó thác việc nhà cho vợ mà ngược lại luôn sẻ chia với tôi mọi công việc. Phụ nữ chúng tôi chẳng mong gì hơn một người chồng hết lòng vì vợ con”.
|
(Ảnh minh họa) |
Khác với Thùy, chị Nguyễn Hạnh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại thấy hạnh phúc khi là người phụ nữ thành đạt, tự chủ về tài chính, dù chị đã ly hôn. “Trước khi ly hôn, tôi cảm thấy cuộc sống ngột ngạt vì chồng vướng vào cờ bạc, bồ bịch khiến cả gia đình điêu đứng. Nếu chỉ biết trông chờ hạnh phúc vào chồng thì có lẽ tôi không thể thoát khỏi cuộc sống tù túng. Dù không có sự hỗ trợ tài chính từ chồng nhưng 3 mẹ con tôi có cuộc sống rất thoải mái, vui vẻ. Hạnh phúc là do mình tạo ra chứ không thể trông chờ vào người khác” - chị Hạnh nêu quan điểm.
Theo nhà văn Di Li nếu người phụ nữ có người chồng tốt, họ sẽ luôn tự hào, hãnh diện về chồng. Điều đó cũng xứng đáng thôi, bởi họ như thế nào mới có cuộc sống hạnh phúc như vậy. Không có cái gì tự nhiên mà có. Để có cuộc hôn nhân hạnh phúc, những người vợ cũng phải dày công vun đắp hằng ngày. Nếu không, hạnh phúc sẽ mất đi, đôi khi không phải vì anh chồng có người khác, mà đó là vì cuộc hôn nhân nhàm chán, cho dù anh chồng vẫn là người thành đạt, tử tế, chiều vợ chiều con.
Lý giải vì sao nhiều phụ nữ Việt Nam cho rằng, phụ nữ hơn nhau bởi tấm chồng, nhà văn Di Li cho rằng, với phụ nữ Việt Nam, tình cảm gia đình và tình yêu với họ là điều rất quan trọng. Rất nhiều người phụ nữ, kể cả những người có địa vị, danh tiếng trong xã hội sẵn sàng hy sinh sự nghiệp cho gia đình. Đàn ông thì không như thế, không ai nói đàn ông hơn nhau ở tấm vợ mà chỉ có câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ”, tức là vợ chỉ là điểm xuyết để làm sang cho chồng chứ không phải tất cả.
Trên thực tế, có những người phụ nữ coi chồng là toàn bộ thế giới theo nghĩa đen, có nghĩa là họ không biết gì khác ngoài chồng, chồng là cả bầu trời của họ. Những người phụ nữ này hầu như rất ít mối quan hệ xã hội mà họ lấy sự hài lòng của chồng con là thước đo của niềm vui, hạnh phúc. Nếu may mắn họ gặp được người chồng tốt thì người chồng sẽ biết quan tâm lại vợ, còn ngược lại thì cuộc sống của họ như bị sụp đổ. Những người phụ nữ này bị động về hạnh phúc, bởi hạnh phúc của họ là do chồng quyết định.
Nữ nhà báo, MC Trác Thúy Miêu được biết đến với tài ăn nói sắc sảo và kiến thức sâu rộng ở nhiều mảng văn hóa cũng cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi có được người chồng tốt. Chị cho rằng, người phụ nữ dẫu ở ngoài xã hội tài giỏi, thành đạt bao nhiêu nhưng khi về nhà nhìn ông chồng “người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm” thì sự phấn đấu của họ cũng bằng không. Trong khi đó, có những phụ nữ không quá ưu việt nhưng cuối ngày về nhà có được cái gối êm do người chồng chuẩn bị, có một bờ vai vững chãi để mình tựa vào mỗi khi gặp sóng gió, vẫn hạnh phúc hơn.
Đừng coi chồng là cả “bầu trời”
Nhà văn Di Li cho rằng, ông chồng nào cũng có tính ích kỷ cố hữu muốn vợ chỉ tập trung vào mình, mình là cả thế giới của vợ. Nhưng một khi các bà vợ biến thành như vậy, các ông chồng không còn thích nữa. Chị em hãy nghĩ lại xem khi còn trẻ, các ông chồng chinh phục mình thì khi đó mình là người phụ nữ tự do, tự tại, cá tính, tự tin, hiểu biết nhưng khi lấy nhau về mình vứt bỏ hết những cái mà chồng thích, mình tưởng thế là hay, là vì vun vén cho hạnh phúc gia đình nhưng thực ra không phải. Khi đó, ông chồng lại mơ ước về một người phụ nữ khác, giống vợ lúc ban đầu.
Nữ nhà văn chia sẻ: “Phụ nữ nên có nhiều thế giới có nghĩa là ngoài chồng, chúng ta còn có công việc, đam mê, sở thích, bè bạn… và chúng ta phải biết cân bằng nó. Nếu chúng ta chỉ có một thế giới thì khi thế giới đó mất hoặc méo mó, chúng ta mất tất cả. Nhưng khi chúng ta có nhiều thế giới thì chúng ta mất cái này vẫn còn cái kia. Hơn nữa, nếu người phụ nữ có nhiều thế giới thì chắc chắn cô ấy là người phụ nữ phong phú, thú vị và hấp dẫn. Và một người phụ nữ như vậy có khả năng bảo vệ hạnh phúc gia đình hơn bởi cô ấy có những kỹ năng cần thiết, biết cách để bảo vệ gia đình mình”.
Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, giá trị của người phụ nữ nhiều hơn là có một tấm chồng tử tế khi cô ấy không còn đặt tất thảy mọi giá trị cuộc đời cô ấy vào anh chồng. Cô ấy không phải là thứ ký sinh, tầm gửi. Cô ấy có những giá trị riêng đòi hỏi chồng cô ấy phải nâng niu, trân quý và gìn giữ thật chặt. Đến khi nào một người phụ nữ độc lập, là một phần quan trọng tạo nên gia đình thì khi đó họ sẽ có hạnh phúc. Việc dốc lòng, dành trọn đời mình cho người chồng xứng đáng phải đi kèm với việc khiến cho người chồng cô ấy hiểu rằng vì anh ấy xứng đáng chứ không phải vì cô ấy buộc phải thế. Điều này khiến người chồng phải trân trọng, gìn giữ./.