Cô bé tham gia Twitter vào năm 2015 khi mới 11 tuổi với hi vọng sẽ có những người bạn mới. Sau một thời gian tương tác với mọi người, Ji-o biết cách kiếm tiền tiêu vặt. Những người ẩn danh trên mạng sẽ gửi cho cô bé những phiếu mua đồ ăn vặt. Đổi lại, Ji-o phải gửi cho họ những bức ảnh chụp bộ ngực của mình.
Nhưng những cuộc trao đổi này chỉ là một trò lừa. Cuối cùng, những bức ảnh được sử dụng để tống tiền chính cô bé, yêu cầu cô phải chấp nhận hình thức lạm dụng này.
Một người đàn ông 36 tuổi đe dọa sẽ nói mọi chuyện với bố mẹ Ji-o nếu cô bé không gửi những bức ảnh khiêu dâm cho hắn ta.
Một người đàn ông khác đặt ra quy định bắt Ji-o phải trả lời tin nhắn trong vòng 2 phút, nếu không hắn sẽ cho người đến đánh cô bé. Mặc dù không ai biết hắn có biết nơi ở của Ji-o hay chỉ là lời đe dọa. Qúa sợ hãi, cô bé đi ngủ mà vẫn đeo tai nghe để không bỏ lỡ tin nhắn nào.
Vì còn nhỏ tuổi nên Ji-o thiếu sự trưởng thành để suy xét đến tính hợp lý của những việc đang xảy ra với mình. Văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân ở Hàn Quốc - thậm chí là với những đứa trẻ dễ tổn thương như Ji-o - khiến cô bé không dám tìm kiếm sự giúp đỡ.
Năm nay đã 16 tuổi, Ji-o vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả của hơn 3 năm chịu đựng những lời đe dọa và lạm dụng trực tuyến.
Cô bé cho biết đã đổi số điện thoại 8 lần và chuyển ra khỏi nhà của bố mẹ ở quê để tới thủ đô Seoul - nơi cô sống cùng chị gái. Ji-o cũng muốn đổi tên họ.
Trong khi tội phạm tình dục trên mạng đang là một vấn đề của toàn thế giới thì đây cũng là một vấn đề cụ thể ở Hàn Quốc, một trong số những quốc gia có tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh cao nhất thế giới. Các điều luật không chặt chẽ, hình phạt nhẹ đồng nghĩa với việc những tội ác như thế này hiếm khi được xử lý nghiêm túc bởi hệ thống tư pháp. Kết quả là, các nạn nhân cảm thấy chán nản trong việc đòi lại công lý.
Tuy nhiên, năm ngoái, một vụ án tội phạm tình dục trên mạng có một số điểm tương đồng với câu chuyện của Ji-o có vẻ đã tạo ra sự thay đổi. Sau khi khiến dư luận phẫn nộ, một số điều luật đã được thắt chặt. Tháng 11 năm ngoái, kẻ cầm đầu đã bị tuyên một bản án dài bất thường.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để xem xét vấn đề tội phạm trên mạng một cách nghiêm túc, đồng thời phải đảm bảo an toàn cho phụ nữ và bé gái khỏi những mối nguy hiểm trên không gian mạng.
Bên trong phòng chat
Vụ việc dẫn đến những thay đổi gần đây trong hệ thống luật pháp Hàn Quốc liên quan tới một sinh viên đại học.
Hồi phục sau ca phẫu thuật kéo dài chân, Cho Joo-bin, lúc đó 23 tuổi, bắt đầu cố gắng kiếm tiền qua mạng. Cậu tự xây dựng hình ảnh của mình như một doanh nhân khoảng 40 tuổi, từng ngồi tù và bị cụt chân. Cậu tự đặt cho mình biệt danh Guru.
Tháng 9/2019, cậu lập một nhóm chat có tên là Phòng chat của Guru trên Telegram, nơi các tin nhắn được cài đặt tự xóa sau khi người dùng đã đọc. Phòng chat này sau đó đã trở thành bối cảnh cho vụ án tội phạm tình dục trên không gian mạng khét tiếng nhất Hàn Quốc, nơi những người đàn ông chi trả hàng ngàn đô la để chứng kiến và yêu cầu việc lạm dụng phụ nữ và bé gái.
Cho và các cộng sự có một “bài” rất đơn giản để tuyển dụng nạn nhân. Họ thông báo tuyển người mẫu bán thời gian, sau đó gạ gẫm nạn nhân gửi ảnh trước khi ép họ làm những việc khác bằng cách đe dọa tiết lộ thông tin và hình ảnh cá nhân cho người khác.
Cho cũng yêu cầu nạn nhân giơ ngón tay út trong những bức ảnh mà sau này hắn thừa nhận đây là một cách làm thương hiệu nội dung. Các nhà chức trách cho biết Cho có khoảng hơn 100 nạn nhân, trong đó có 26 bé gái.
Bằng cách này, Cho thu hút được hàng nghìn thành viên, một vài người trong số đó có trả tiền. Một thành viên có tên Lee đã gửi thông tin cá nhân của anh ta và 3.300 USD cho Cho để được vào phòng chat, tổ chức phi chính phủ Tacteen Naeil cho hay.
Lee cũng chuyển tiền vào một “tài khoản tài trợ cho nô lệ” mà anh ta tin là sẽ được chuyển cho các nạn nhân, nhưng sau đó anh ta phát hiện ra tất cả đều được chuyển cho Cho.
Một thành viên khác - người đã trả cho Cho khoảng 920 USD - cho biết, Cho thường xóa và tạo các phòng chat mới. Phí tham gia mỗi phòng chat khác nhau, với những nạn nhân xinh đẹp hơn thì phí vào phòng sẽ cao hơn.
Cho cũng dùng chính thông tin mà khách hàng cung cấp để đe dọa họ. Khi Cho nói với Lee rằng anh ta thiếu tiền mặt, Lee đã chuyển cho Cho 600 USD vì sợ hắn liên lạc với vợ mình.
Năm 2019, 2 sinh viên chuyên ngành báo chí đã cảnh báo các nhà chức trách về hành vi bất hợp pháp của Cho sau khi tham gia các nhóm chat. Đến tháng 3/2020, chính quyền đã phá bỏ mạng lưới các phòng chat.
Hàng chục người bị bắt vì liên quan đến đường dây của Cho, trong đó có một thiếu niên 16 tuổi. “Cậu bé giỏi máy tính từ khi còn học tiểu học” - luật sư của cậu bé nói trước tòa. “Vì thiếu sự giám sát của cha mẹ, cậu ấy đã tìm đến một ‘hòn đảo’ rác có tên là Phòng chat của Guru trong biển Internet rộng lớn”.
‘Cô không phải là con người’
Phòng chat của Guru không phải là nơi duy nhất trên thế giới Internet ở Hàn Quốc mà phụ nữ và bé gái trở thành nạn nhân của tội phạm tình dục.
Bản thân Cho được truyền cảm hứng từ các nhóm Telegram khác, trong đó có nhóm tên là Phòng chat thứ N, do một người tự xưng là GodGod điều hành. Các sinh viên báo chí - những người được yêu cầu sử dụng bút danh Kwon và Ahn - cho biết, có nhiều phòng chat tương tự đang tồn tại. Để tìm kiếm các nhóm này rất đơn giản - chỉ cần gõ từ khóa trên Google.
Người phát ngôn của Telegram chia sẻ với tờ CNN rằng, các nội dung vi phạm điều khoản sẽ bị gỡ xuống. Trong tháng này, đã có hơn 7.000 nhóm và kênh liên quan tới lạm dụng trẻ em bị cấm.
“Bạo lực tình dục và lạm dụng trẻ vị thành niên không được hoan nghênh trên nền tảng của chúng tôi” - người phát ngôn của Telegram cho biết trong một tuyên bố.
Cảnh sát cho biết, hơn 2.500 người đã bị bắt giữ vào năm ngoái vì phạm tội tình dục trên không gian mạng. Trong số đó, 220 người bị bắt giữ vì phạm tội trên Telegram, Discord và các trang mà trình duyệt thông thường không thể truy cập được.
Về trường hợp của Ji-o, cô bé bị mắc kẹt bởi chính những thông tin cá nhân của mình. Có những thông tin mà cô không biết tại sao họ lại có được.
Đã có rất nhiều kẻ liên lạc với cô bé. Một số bảo cô cởi hết quần áo, một số khác bắt cô chụp ảnh trong bộ đồng phục học sinh.
“Cô đã làm tất cả những gì tôi bảo chưa?” - một người đàn ông nhắn cho Ji-o qua Twitter.
Ngay cả khi những yêu cầu ngày một tăng, Ji-o vẫn không dám nói với ai. Cô sợ rằng việc báo cảnh sát sẽ khiến cô phải vào trung tâm giáo dưỡng trẻ vị thành niên theo luật của Hàn Quốc vào thời điểm đó.
Cô cũng sợ rằng khi kể với bố mẹ, họ sẽ không hiểu.
Năm 2018, cảnh sát yêu cầu được nói chuyện với Ji-o. Họ đã bắt đầu điều tra một người đàn ông mà cô từng nói chuyện. Họ nói với cô rằng những việc mà cô đang làm là không tốt và cô có thể bị đưa vào một cơ sở dành cho trẻ vị thành niên vì đã gửi đi những video, hình ảnh vi phạm luật bảo vệ trẻ em.
Sau đó, vì Ji-o chưa đủ tuổi nên cảnh sát đã gọi cho bố mẹ cô. Cha cô hỏi tại sao cô lại làm vậy trong khi đã có đầy đủ mọi thứ. Ông đánh Ji-o. Mẹ cô khóc và im lặng. Từ đó, họ không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa.
“Nó giống như địa ngục. Tôi đã tự trách mình rất nhiều và bây giờ vẫn vậy” - Ji-o chia sẻ. “Hơn hết, tôi thất vọng về cha mẹ mình”.
Các nạn nhân của Telegram thường không báo cảnh sát về những gì đã xảy ra. Ji-o cũng vậy.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, sự kỳ thị và khó khăn trong việc đấu tranh chống tội phạm tình dục đã ngăn cản nạn nhân báo cảnh sát. Nhưng ở Hàn Quốc, những rào cản này thậm chí còn rõ ràng hơn.
Trước khi thay đổi luật vào năm 2000, hệ thống pháp lý của Hàn Quốc vẫn cho rằng một số trẻ vị thành niên tự nguyện tham gia vào quá trình gây ra tội ác cho chính mình.
Trẻ vị thành niên từ 13 đến 16 tuổi là nạn nhân của tội phạm tình dục hoặc hiếp dâm vẫn được pháp luật xem là tự nguyện nếu như chúng nhận được một số lợi ích, chẳng hạn như tiền, từ thủ phạm. Các nạn nhân cũng có thể được đưa tới các trung tâm dành cho trẻ vị thành niên để được giáo dục và bảo vệ.
Các nhóm hoạt động vì quyền trẻ em cho biết, những lời đe doạ của các trung tâm giáo dục này giống như một sự trừng phạt và ngăn cản nạn nhân báo cảnh sát. Các quy tắc này đồng nghĩa với việc những kẻ hiếp dâm chưa chắc đã bị trừng phạt.
Trong một vụ án nổi tiếng vào năm 2014, một bé gái 13 tuổi bị thiểu năng trí tuệ đã bỏ nhà đi sau khi làm vỡ màn hình điện thoại của mẹ vì sợ mẹ mắng. Cô bé bị 6 người lớn hiếp dâm. Những người này chăm sóc và cho cô bé ăn. Sau đó, toà án đã quyết định rằng cô bé tự nguyện bán dâm để đổi lấy thức ăn và chỗ ở.
Thậm chí, khi nạn nhân báo cảnh sát, vụ án cũng thường không được điều tra. Trước đây, cảnh sát nhận thấy rằng “gần như không thể điều tra” tội phạm tình dục trên mạng bởi vì họ không có quyền áp dụng các phương pháp điều tra bí mật trên không gian mạng, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Kim Chang-yong cho biết. Ông muốn cảnh sát được trao quyền để điều tra trên không gian mạng. Quan trọng hơn, quyền lực này sẽ giúp cảnh sát ngăn chặn tội phạm trước khi hành động tội ác xảy ra.
Và ngay cả khi các vụ án được điều tra, rất ít tội phạm bị tuyên án thích đáng. Từ năm 2011 đến năm 2015, chỉ có 5% số tội phạm liên quan đến tình dục bị ngồi tù, theo báo cáo vào năm 2018 của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc - một tổ chức tư vấn của Chính phủ nước này.
Mức án phổ biến nhất dành cho loại tội phạm này trung bình là 2,6 năm tù vào năm 2018, theo thông tin từ Viện Tội phạm học Hàn Quốc.
Về vụ án Phòng chat của Guru, đã có một bản kiến nghị yêu cầu áp dụng mức án nặng cho Cho, nhận được hơn 2 triệu chữ ký.
Dấu hiệu thay đổi
Vào một ngày mùa đông tháng 11 năm ngoái, sau phiên toà kéo dài 1 tháng, Cho Joo-bin đã bị kết án 40 năm tù giam vì tội sản xuất và phát tán hình ảnh tình dục bất hợp pháp, cưỡng bức tình dục, cưỡng hiếp, quấy rối tình dục, tống tiền… Mức án này trái ngược hoàn toàn với những vụ án trước đó.
Sau khi Cho bị tuyên án, hàng chục phụ nữ tập trung bên ngoài Toà án cầm một biểu ngữ đỏ đậm có dòng chữ: “Đây mới chỉ là sự khởi đầu”.
Vài tháng trước khi toà tuyên án, Quốc hội nước này đã lật ngược lại điều luật yêu cầu trẻ vị thành niên phải đến trung tâm giáo dưỡng khi trở thành nạn nhân của tội phạm tình dục - tức là bây giờ tất cả trẻ em đều được coi là nạn nhân đúng nghĩa.
Ngay sau khi Cho bị tuyên án, toà án tối cao Hàn Quốc đã hoàn thiện các hướng dẫn kết án mới, nhằm đưa ra các hình phạt nặng tay hơn cho tội phạm tình dục.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng mức hình phạt mới vẫn còn nhẹ nhàng so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Với Ji-o, vụ án đã khép lại vào năm 2018, nhưng theo nhiều cách, câu chuyện của cô vẫn chưa kết thúc. Cô chưa từng báo cáo chính thức với cảnh sát về những gì đã xảy ra với mình. Cô vẫn còn sợ những hậu quả có thể phải đối mặt nếu khai báo. Điều đó có nghĩa là không ai chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Trong khi những hình ảnh và thông tin cá nhân của cô vẫn còn mãi trên Internet.
“Nó vẫn đang còn ở ngoài kia, đâu đó. Ai đó có thể đang xem chúng. Có thể trong 1 năm nữa, nó sẽ xuất hiện trở lại - không có hồi kết” - Ji-o nói.