Hành trình 30 cuộc phẫu thuật đau đớn để lấy lại diện mạo của cô gái bị tạt axit

Từng là cô gái xinh đẹp, nhưng bi kịch ập đến với cô gái 23 tuổi khi bất ngờ bị tạt axit. Hơn 30 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ suốt 7 năm qua đã giúp cô lấy lại được diện mạo mới…

Bi kịch từ axit

Đến giờ, Hồng Kim Huôi (SN 1990 ở Phú Quốc, Kiên Giang) vẫn còn nhớ rõ hôm mình bị tai nạn cách đây gần 7 năm về trước. Với Huôi, đó là ký ức kinh hoàng. 12h ngày 3/11/2013 khi đang chuẩn bị lễ cưới, Huôi đã bị đối tượng Nguyễn Văn Dũng tạt axit. Bởi trước đó, Dũng đã để ý đến cô nhưng không được đáp lại tình cảm nên nung nấu ý định hủy hoại nhan sắc "người trong mộng".

Từ một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, cơ thể Huôi chi chít những vết bỏng do axit gây ra. 1/2 gương mặt bị hủy hoại, da cổ và ngực bị bỏng sâu. Cũng từ đây, cô trải qua những tháng ngày đau đớn nhất cuộc đời khi axit ngấm sâu vào da thịt đến đâu thì gây thối đến đó.

Huôi kể, khi ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), cô không tưởng tượng được sức tàn phá kinh khủng của axit lên cơ thể mình. Vì quá thương con gái, sợ Huôi sốc nghĩ quẩn khi thấy diện mạo mình nên gia đình đã phải giấu hết gương, điện thoại.

Hanh trinh 30 cuoc phau thuat dau don de lay lai dien mao cua co gai bi tat axit

Khuôn mặt của chị Huôi sau khi trải qua hơn 30 lần phẫu thuật. Ảnh BSCC

Trong thời gian điều trị, nhiều lần Huôi bị nhiễm trùng nặng phải lọc hoại tử, phẫu thuật ghép da. Mỗi lần thay băng, Huôi đau đến mức không khóc nổi, cắn môi bật máu cũng không thấy đau. Với Huôi, những ngày ở viện đau đớn vô cùng. Sau 2 tháng điều trị, bác sĩ cho về nhà, lúc này bố Huôi mới cho xem những hình ảnh cơ thể bị biến dạng của mình. Huôi lại một lần nữa bị sốc.

"Khi xem những hình ảnh cơ thể mình bị biến dạng, em sốc rồi tự nhốt mình trong nhà cả tháng trời. Phải mất rất nhiều ngày sau đó em mới chấp nhận sự thật. Ba, em gái động viên… rồi suy nghĩ lại mình không cứu mình thì không ai cứu được mình. Mình đã khát khao sống đến lúc này rồi, nếu muốn chết thì ngay từ đầu nên chết đi. Giờ đã vượt qua được hết rồi thì bản thân mình cần cố gắng lên. Người ta cố gắng một, mình phải cố gắng trăm, ngàn lần nữa và em cứ an ủi mình vậy.

Vài tháng sau, vết sẹo bắt đầu co kéo khiến em ngồi chẳng được mà nằm cũng khó. Đau đớn nhất là tay không thể sờ lên mặt của mình được khi trên người toàn vết thương. Mọi thứ gần như phải nhờ người thân. Em gái trước khi đi làm còn phải lo cho chị ăn, tắm, lau mình, thay đồ rồi mới dám đi. Cứ ngày này qua ngày khác như vậy. Đến một ngày em tự sờ được khuôn mặt em là ngày em thấy hạnh phúc nhất", Huôi kể lại.

Hơn 30 lần phẫu thuật tìm lại diện mạo

Điều trị một thời gian ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Huôi lên mạng tìm hiểu được biết đến bệnh nhân luật sư Nguyễn Thị Kim Loan từng bị bỏng axit đã lấy lại được gương mặt sau khi thực hiện phẫu thuật vi phẫu. Huôi đã tìm ra Viện Bỏng quốc gia, Hà Nội để điều trị.

Ngày mới gặp Huôi, PGS.TS Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ (Viện Bỏng Quốc gia) cũng cảm thấy rùng mình vì tổn thương do axit đã phá hủy cơ thể cô. Diện tích bỏng quá rộng, chức năng vận động gần như mất, các sẹo đã co kéo làm lệch mặt, mũi, miệng, các cơ cũng co cứng khiến khuôn mặt gần như bị biến dạng hoàn toàn.

Ngay sau khi đánh giá tình trạng bệnh nhân và tư vấn cho gia đình, các bác sĩ đã quyết định dùng kỹ thuật vi phẫu. Hai vạt da siêu mỏng lấy tại vùng lưng nơi còn da lành đã được sử dụng cho hai lần phẫu thuật. Lần đầu tiên vạt da được sử dụng để tái tạo sẹo co kéo vùng cổ, ca mổ kết thúc sau 6 tiếng đồng hồ với kết quả rất khả quan, vạt mỏng tương đồng về màu sắc, chức năng vận động cổ được phục hồi. Hai tháng sau các bác sỹ quyết định tái tạo nốt sẹo co kéo nửa mặt còn lại cho bệnh nhân, ca mổ kết thúc sau 8 tiếng toàn bộ vết sẹo được lấy bỏ, chỉnh lại co kéo mắt, môi, miệng, vạt da siêu mỏng đã khôi phục lại hoàn toàn tổn khuyết cả về chức năng và thẩm mỹ ngoài mong đợi.

"Chúng tôi đã lấy da vùng lưng của Huôi để ghép. Khó ở đây là vùng da lưng bệnh nhân còn rất ít, vùng da lại khá dày để đạt được độ tương đối mỏng, đàn hồi, màu sắc tương tự như vùng mặt, cổ. Quá trình chăm sóc vạt da sau mổ rất thận trọng để tránh biến chứng như ứ máu, nhiễm trùng… sẽ làm cho vạt da không có màu sắc đồng đều như da mặt phía bên kia, đường sẹo cũng sẽ khá xấu. Khi vạt da đã sống được trên tổn thương, các phẫu thuật chỉnh sửa sẽ được tiếp tục làm thêm, ví dụ như chỗ nào dày có thể làm mỏng hơn, góc môi miệng còn đường sẹo nhỏ co kéo làm sao cho đường viền sẹo mỏng, mờ và mềm nhất để tự nhiên", BS Vinh chia sẻ về việc điều trị của Huôi.

Trải qua hơn 30 cuộc phẫu thuật, gương mặt của Huôi gần như được tái tạo lại như ban đầu. Trước sự hồi phục của Huôi, BS Vinh cũng vô cùng bất ngờ. "Trong lần gặp lại Huôi tại vào Đà Nẵng, ban đầu tôi không nhận ra cô ấy. Phải mất một lúc sau đó, cô ấy chia sẻ tôi mới nhận ra. Nếu nhìn thoáng qua, nhiều người cũng khó nhận ra cô ấy từng bị bỏng", BS Vinh cho hay.

Huôi tâm sự, nhiều lần cô phải bay từ Phú Quốc ra Viện Bỏng Quốc gia, rồi Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba để điều trị. Nhiều khi đi phẫu thuật phải đi một mình, bình phục lại bay về. Và với cô trải qua hơn 30 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ đó để có được gương mặt như hiện nay, mỗi lần phẫu thuật là máu và nước mắt hòa trộn.

"Mỗi lần làm đau đớn lắm vì cứ da mình cắt rồi khâu lại. Cắt rồi khâu lại. Thương em, có lần chuẩn bị làm phẫu thuật ghép da, ba em đã khóc nấc thành tiếng nói với bác sĩ: Da tôi nhiều lắm, lấy của tôi được không? Con tôi đau lắm rồi, không còn da để lấy nữa. Bác sĩ lấy của tôi để san sẻ nỗi đau cho con bé", Huôi nghẹn ngào nói. Khi vết thương liền da, chúng ngứa và đau nhức khủng khiếp. Nhiều lần vết thương hoại tử, Huôi phải cắt và khâu sống. Cô cảm giác mình chẳng thể nào khổ hơn được nữa, dần trở nên lỳ lợm, không dám uống thuốc giảm đau…

Hạnh phúc khi được làm điều mình thích

Sau gần 7 năm kiên trì điều trị, giờ đây, Huôi lấy lại được khoảng 90% diện mạo. Tốt nghiệp đại học ngành Quản trị du lịch, khả năng ngoại ngữ tốt, Huôi đang tham gia công việc kinh doanh của gia đình. Mọi công việc về kế toán, giấy tờ, cô đều có thể lo liệu.

Huôi không còn tự ti về hình dáng của mình. Những điều khiến cô cảm thấy hạnh phúc cũng rất giản dị. "Chỉ cần tự mình làm được mọi việc, được ăn thứ mình thích, làm những điều nhỏ nhặt không phải đến bệnh viện là em thấy hạnh phúc lắm rồi. Khi thấy buồn chán, em nghĩ đến những điều đó để mình cố gắng hơn", Huôi chia sẻ.

Huôi cho hay, chuyện tình cảm thì cô chưa nghĩ đến. Cô sẽ tiếp tục cố gắng làm tốt công việc để giúp đỡ gia đình nhiều hơn. Mục tiêu sống của cô là có thể chia sẻ tạo động lực cho những người cùng cảnh ngộ.

Theo Phương Thuận/ Giadinhnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN