Cảnh báo những dấu hiệu cho thấy trẻ nhét dị vật vào tai, mũi

Khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như khó thở, chảy nước mũi nhiều và đặc biệt kèm chảy máu cha mẹ hãy kiếm tra xem bé có nhét dị vật vào tai hoặc trong mũi hay không.
Nhét 2 viên pin vào tai, bé trai 5 tuổi bị thủng màng nhĩ
Ngày 5/9, thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết Bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bé trai 5 tuổi, ngụ Bình Thuận bị thủng màng nhĩ vì nhét dị vật vào tai.
Theo lời kể của người nhà, vào ngày 30/8, trong lúc đang chơi đồ chơi hình quả trứng, bé trai đã nhét 2 chiếc pin của món đồ chơi vào tai phải. Ngay lúc đó cô giáo phát hiện nên đã nhanh chóng lấy một viên pin ra ngoài, viên còn lại dù cố gắng nhưng vẫn không gắp ra được. Gia đình nhanh chóng đưa bé đến một bệnh viện địa phương nhưng vẫn không gắp được pin. Sau đó, bệnh nhi đã được đưa đến bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM để nhập viện cấp cứu.
Canh bao nhung dau hieu cho thay tre nhet di vat vao tai, mui
Bé trai 5 tuổi bị thủng màng nhĩ vì nhét pin vào tai. 
Bé nhập viện trong tình trạng ống tai phải nề, nhiều mô hoại tử, khó quan sát vì tai bé 5 tuổi nên khá nhỏ. Nội soi cho thấy tai viêm có nhiều mô hoại tử trắng đen, hình ảnh viên pin trong tai không rõ.
Sau đó, bé L được xét nghiệm máu và chuyển xuống phòng mổ. Dưới kính hiển vi quan sát của phòng mổ, bệnh nhi được phát hiện có dị vật trong tai là viên pin điện tử. Quá trình lấy dị vật khá khó khăn, thậm chí kĩ thuật viên phẫu thuật còn dự định mở sau tai phải, mài xương và lấy dị vật ra ngoài. Bác sĩ cho biết, màng nhĩ của bé phù nề nhiều, màng nhĩ thủng rộng sát rìa, phần cán búa bị hoại tử 1 phần.
Hậu phẫu, bé được chích kháng sinh, kháng viêm,giảm đau, chăm sóc hố mổ tai mỗi ngày. Sau 2 ngày tai khô, hết chảy dịch. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết đây chỉ là giai đoạn đầu, vì những trẻ nhét dị vật pin vào mũi, tai, miệng cần cả quá trình điều trị dài lâu sau này.
Việc bé nhét dị vật vào tai mũi không phải là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống bởi trẻ nhỏ thường rất hiếu động và dễ bị thu hút bởi những vật nhỏ xinh. Chúng có thể cho vào miệng gặm, nuốt hoặc nhét vào lỗ tai, mũi...
Hạt cườm chui vào tai bé gái 5 tuổi
Ngày 14/12/2018, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa cấp cứu cho bé L.A.N (5 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên) bị dị vật lọt sâu vào tai gây đau nhức.
Theo lời kể của gia đình, trong lúc đang chơi ở nhà, bé N. nhét hạt cườm vào trong tai. Để lấy hạt ra, bé dùng tay ngoáy nhưng không thành, mà còn tác động làm hạt chui sâu vào trong. Sau đó cháu liên tục kêu đau nhức và khóc lớn nên gia đình đưa đi cấp cứu.
Canh bao nhung dau hieu cho thay tre nhet di vat vao tai, mui-Hinh-2
Nội soi gắp dị vật trong tai của bé N. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp) 
Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện một dị vật nằm sâu trong tai sát màng nhĩ, che kín ống tai ngoài của bệnh nhi. Bệnh nhi được nội soi, gắp dị vật là một hạt cườm nhỏ, có đường kính 7 mm ra khỏi tai.
Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần đặc biệt chú ý khi cho con chơi với những đồ vật nhỏ như hạt cườm, viên bi hay hạt lạc. Bởi trẻ em là lứa tuổi hiếu động, chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm nên rất dễ nhét các vật đó vào tai, lỗ mũi hay miệng rất nguy hiểm.
Bé trai bị mặc kẹt viên bi nhựa trong mũi suốt 3 tháng
Ngày 2/11/2018, bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết vừa cấp cứu cho một bé trai bị mặc kẹt viên bi nhựa vào mũi. Bệnh nhi nhập viện ngày 31/10, với các triệu chứng nước mũi chảy kèm theo máu, ho và đau đầu sau đó sốt cao nhiều ngày nhưng không khỏi.
Sau khi kiểm tra và thăm khám các bác sĩ tiến hành nội soi tai – mũi – họng. Qua hình ảnh nội soi, các bác sĩ phát hiện trong có khối dị vật nằm sâu trong hốc mũi phải. Tiến hành gắp dị vật các bác sĩ phát hiện đó một viên bi nhựa có đường kính 0,5cm.
Theo các bác sĩ đa khoa Hùng Vương, viên bi nhựa là nguyên nhân khiến mũi cháu bé bị viêm loét nặng hốc mũi, chảy máu nhiều. Sau đó, khi gắp dị vật, bệnh nhi tiếp tục nằm viện điều trị.
Canh bao nhung dau hieu cho thay tre nhet di vat vao tai, mui-Hinh-3
Cận cảnh viên bi được gắp trong mũi bệnh nhi. Ảnh: GĐVN. 
Dị vật mũi là bệnh thường gặp trong cấp cứu tai mũi họng. Đặc biệt hay gặp ở trẻ em. Trẻ khi chơi thường nghịch ngợm nhét những vật vào mũi như nút nhựa, khuy áo, hạt lạc, hạt đậu... gây ra dị vật ở mũi.
Trước đó, vào tháng 3/2018, bệnh viện đa khoa Hùng Vương cũng thực hiện nội soi gắp viên pin đồ chơi và một dây thun buộc tóc ra khỏi 2 lỗ mũi của bé Nguyễn Thái S. (32 tháng tuổi, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ).
Nhét pin đồ chơi vào mũi, bé 3 tuổi nhập viện
Ngày 26/9/2017, bác sĩ Trần Thị Quỳnh Mai - Khoa Ngoại & chuyên khoa (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết, BV đã thực hiện nội soi gắp viên pin đồ chơi ra khỏi mũi bé Trần Gia L. (3 tuổi, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh). Bệnh nhi nhập viện do bị chảy máu mũi đã vài ngày, đau vùng mũi và mắt, mũi chảy dịch lẫn máu.
Theo lời kể của gia đình, cách đó 2 ngày, trong quá trình nghịch đồ chơi ở nhà, bé L. có nhét cục pin điện tử vào mũi. Sau đó, cháu có nhiều biểu hiện lạ nên gia đình đã đưa đi khám tại BV Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh.
Canh bao nhung dau hieu cho thay tre nhet di vat vao tai, mui-Hinh-4
Các bác sĩ tiến hành nội soi, gắp cục pin trong mũi của bệnh nhi. Ảnh: Công Lý. 
Qua thăm khám, chẩn đoán bằng hình ảnh, các bác sĩ phát hiện mũi bệnh nhi có dị vật là viên pin hình tròn, đường kính khoảng 1cm, dày khoảng 2mm.
Kíp thủ thuật sau đó đã nội soi gắp thành công dị vật là cục pin điện tử, đồng thời ghi nhận hốc mũi bệnh nhi bị viêm loét gây chảy máu mũi.
Bác sĩ Mai cho biết, trường hợp bé Trần Gia L. do có dị vật là cục pin điện tử trong hốc mũi nên sau khi được gắp dị vật, bé vẫn phải nằm viện để được xịt rửa mũi và nếu cần thiết sẽ được gỡ vảy mũi và những mô bị hoại tử.
Theo bác sĩ, dị vật pin thường rất nguy hiểm, vì pin có nhiều chất hoá học ở trong đó, do vậy làm ăn mòn, hoại tử ảnh hưởng đến chức năng của mũi. Nhẹ thì vết loét nhẹ niêm mạc, nặng thì có thể gây hoại tử niêm mạc (thường từ 3-6 giờ), nặng hơn có thể gây viêm mô tế bào, nhiễm trùng, nhiễm độc, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện các dị vật ở mũi hay tai của trẻ, cần phải đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để khám, chữa trị kịp thời cho trẻ.
Thảo Nguyên (TH)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN