Bố mẹ không nên ghi thông tin cá nhân lên cặp sách của con

Các đối tượng xấu có rất nhiều thủ đoạn tinh vi để dụ dỗ, dẫn dắt trẻ rơi vào cạm bẫy để thực hiện hành vi xâm hại của mình. Gia đình, nhà trường cần dạy cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân để tránh tình huống nguy hiểm.
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ xâm hại, dâm ô trẻ em xảy ra trên khắp cả nước đã khiến dư luận hoang mang. Theo thống kê, mỗi năm có tới hàng nghìn trẻ em bị xâm hại tình dục.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đó chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được tiết lộ.
Vi sao bo me khong nen ghi thong tin ca nhan len cap sach cua con?
Theo thống kê, mỗi năm có tới hàng nghìn trẻ em bị xâm hại tình dục. Ảnh minh họa 
Trên thế giới, theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Bạo hành trẻ em, độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục.
Tại Việt Nam, rất đáng ngại là độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng giảm, trước đây thường là 13-18 tuổi thì nay nạn nhân của nhiều vụ chỉ ở độ tuổi 5-13.
Điều đáng nói, các đối tượng xấu có rất nhiều thủ đoạn tinh vi để dụ dỗ, dẫn dắt trẻ rơi vào cạm bẫy để thực hiện hành vi xâm hại của mình.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm Phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) năm 2019 được tổ chức ngày 29/8, Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Minh Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, thông thường, các đối tượng phạm tội bao giờ cũng có một quá trình tìm hiểu rất rõ về những "con mồi" đang nhắm đến, từ đó, chúng lập kế hoạch để thực hiện hành vi của mình.
Chẳng hạn, thời gian qua xuất hiện một tình huống, những kẻ xấu tiếp cận trẻ rồi đóng giả là bố mẹ của trẻ. Sau đó, chúng dùng những lời nói gay gắt khiến những người xung quanh hiểu nhầm là đứa trẻ đó bỏ học đi chơi, bị bố mẹ bắt gặp và họ đang cố bắt trẻ về nhà.
Vi sao bo me khong nen ghi thong tin ca nhan len cap sach cua con?-Hinh-2
 Theo Thượng tá Nguyễn Minh Hiển (ngoài cùng bên trái), đối tượng có ý định xâm hại trẻ khi tiếp cận trẻ có thể biết tên bố mẹ trẻ để tự xưng nhằm qua mặt người xung quanh nhưng khó có thể biết tên cô giáo dạy trẻ. Vì vậy, trẻ có thể nói luôn là "Nếu là bố mẹ con, chú/bác hãy nói tên cô giáo chủ nhiệm của con cho mọi người cùng biết" hoặc "Hãy đọc ngày tháng năm sinh của con". Ảnh: N.Mai

Khi gặp tình huống này, Thượng tá Nguyễn Minh Hiển cho rằng, trẻ phải hết sức bình tĩnh, nhanh chóng nói to lên: "Đây không phải là bố mẹ của cháu" thậm chí có thể kêu lên rằng: "Đây là kẻ bắt cóc" để gây chú ý với những người lớn xung quanh.
Về mặt nguyên tắc, đối tượng có ý định xâm hại trẻ có thể biết tên bố mẹ trẻ để tự xưng nhưng khó có thể biết tên cô giáo dạy trẻ. Vì vậy, trẻ có thể nói luôn là "Nếu là bố mẹ con, chú/bác hãy nói tên cô giáo chủ nhiệm của con cho mọi người cùng biết" hoặc "Hãy đọc ngày tháng năm sinh của con". Khi đối tượng tỏ ra lúng túng, trẻ hãy cố tìm sự trợ giúp của những người lớn xung quanh để thoát khỏi kẻ xấu.
"Tóm lại, có 2 điều quan trọng trẻ cần nhớ trong tình huống này đó là: Tạo ra sự chú ý đối với những người xung quanh và để người xung quanh kiểm chứng những thông tin để "lật mặt" đối tượng xấu", Thượng tá Hiển nói.
Thông qua tình huống này, Thượng tá Hiển cho rằng, thông tin cá nhân của trẻ cũng như bố mẹ trẻ nên được giấu kín, ít công khai nơi công cộng để không tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.
Thượng tá Nguyễn Minh Hiển lấy ví dụ, rất nhiều bố mẹ có thói quen ghi họ tên của bố mẹ, họ tên của con, số điện thoại liên hệ, thậm chí địa chỉ nhà lên trên cặp sách của con đặc biệt là trẻ em tiểu học. Tuy nhiên, điều này là không nên.
Thượng tá Hiển nhấn mạnh: "Trước đây, mọi người nghĩ rằng, ghi như vậy để nhỡ may trong trường hợp trẻ bị lạc, mọi người sẽ có cơ sở để liên lạc cho bố mẹ bé. Nhưng thực tế cho thấy, việc làm này bị phản tác dụng".
Bởi lẽ, đối tượng xấu có thể đọc được những thông tin này và lợi dụng nó để dụ trẻ. Chẳng hạn, đối tượng có thể tiếp cận trẻ và nói "Cháu ơi, bố A, mẹ B (tên bố mẹ ghi trên cặp sách) của cháu hôm nay bận việc không đón được, nhờ chú/bác đến đón, con đi theo chú/bác nhé"; "Chú là đồng nghiệp của bố A. Chú biết nhà con, để chú đưa con về".
Hoặc đối tượng cũng có thể nói "Bố A của con đang bị tai nạn nằm bệnh viện, con đi theo bác để bác đưa đến"… Khi ấy, trẻ thấy người lạ đọc được đầy đủ các thông tin đúng của gia đình mình nên rất dễ đi theo và rơi vào bẫy của kẻ xấu.
Do đó, để phòng ngừa các tình huống xấu có thể xảy ra với bản thân mình, trẻ nhỏ cần nhớ: Không tiếp xúc gần gũi với tất cả những người lạ; không nhận quà của người lạ. Nếu người lạ có biểu hiện gần gũi, động chạm vào cơ thể, trẻ cần nói ngay với bố mẹ hoặc những người lớn xung quanh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo Mai Thùy/Gia đình xã hội

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN