Nếu cảm thấy khó ngủ, dễ bị thức giấc giữa đêm, có thể, bạn đang mắc phải một số vấn đề sức khỏe như bệnh tim, trầm cảm hay mãn kinh
Trầm cảm
Những vấn đề về giấc ngủ và trầm cảm là những người bạn đồng hành với nhau. Một vài nghiên cứu cho thấy 90% những người mắc trầm cảm gặp rắc rối với giấc ngủ. Trong chứng trầm cảm ở giai đoạn sớm, mất ngủ thường là triệu chứng nổi bật nhất. Thức giấc quá sớm vào buổi sáng là một dấu hiệu của chứng trầm cảm nghiêm trọng.
Mãn kinh
Khi giai đoạn đầu thời kỳ mãn kinh của chị em phụ nữ kết thúc, tình trạng mất ngủ sẽ bắt đầu diễn ra. Có khoảng 61% phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh gặp vấn đề về giấc ngủ. Sự thay đổi mức estrogen trong suốt thời kì mãn kinh cũng có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ vì bốc hỏa và đổ mồ hôi.
Tiểu đường
Người mắc bệnh tiểu đường thường khó ngủ ngon vì sự thay đổi đường huyết, đổ mồ hôi về đêm và đi tiểu đêm nhiều lần. Mất ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Rối loạn cơ xương khớp
Cơn đau dữ dội của viêm khớp có thể làm bạn khó đi vào giấc ngủ. Hơn nữa, những bệnh nhân viêm khớp phải thay đổi tư thế suốt đêm thường bị mất ngủ. Dùng thuốc giảm đau trước khi đi ngủ sẽ giúp làm giảm các cơn đau viêm khớp và bạn sẽ dễ ngủ hơn.
Bệnh tim mạch
Hai bệnh tim mạch phổ biến là mạch vành và suy tim, có liên quan tới các vấn đề về giấc ngủ. Trong bệnh mạch vành, sự thay đổi nhịp sinh học có thể dẫn đến cơn đau ngực, tim loạn nhịp, hoặc thậm chí là một cơn đau tim trong khi ngủ. Suy tim khiến lượng máu tim bơm đến các cơ quan trong cơ thể không đủ. Và kết quả là máu tích tụ lại xung quanh phổi khi bạn nằm, khiến bạn thức dậy vào nửa đêm. Sử dụng gối để nâng cao phần trên cơ thể lên có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Hen suyễn
Những người mắc hen suyễn thường bị rối loạn giấc ngủ do tình trạng khó thở, thở khò khè và ho gây nên. Các dấu hiệu của bệnh hen suyễn thường xấu đi vào ban đêm vì đêm là thời gian thay đổi chức năng co thắt đường thở, làm tăng nguy cơ của các cơn hen suyễn. Một vài loại thuốc dùng để điều trị hen suyễn cũng có thể gây mất ngủ và ngủ chập chờn.
Ợ nóng hay trào ngược dạ dày thực quản
Trong ợ nóng hay trào ngược dạ dày thực quản, dịch vị của dạ dày chảy ngược vào thực quản, gây cảm giác kích thích và đau rát. Điều đó có thể khiến bạn khó ngủ và mất ngủ. Khi nằm xuống sẽ làm tình trạng tệ hơn. Tốt nhất, bạn không ăn quá no hay uống cà phê, các thức uống chứa cồn vào buổi tối sẽ giúp bạn giảm bớt chứng ợ nóng và có một giấc ngủ ngon hơn.
Rối loạn ăn uống
Việc rối loạn ăn uống do suy dinh dưỡng và chế độ giảm cân làm gián đoạn giấc ngủ hàng ngày. Nghiên cứu chỉ ra rằng chứng biếng ăn sẽ khiến bạn ngủ mơ màng, ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn những người có cân nặng bình thường. Kết quả là bạn cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau. Chứng ăn ói thường đặc trưng bởi việc ăn uống quá độ và nôn vào ban đêm, khiến bạn không thể ngủ ngon.
Các bệnh về thận
Bệnh về thận ngăn cản thận lọc các chất thải ra khỏi máu, có thể dẫn đến chứng mất ngủ hoặc hội chứng chân tay bồn chồn.
Bệnh lý tuyến giáp
Bệnh cường giáp có thể gây đổ mồ hôi quá mức vào ban đêm. Trong khi đó bệnh thiểu năng tuyến giáp khiến bạn buồn ngủ quá mức vào ban ngày.