Tháng 7 năm 2025, tại Thâm Quyến, Quảng Đông, một tin tức về "người phụ nữ 50 tuổi mang thai ngoài ý muốn sau khi tháo vòng tránh thai và bị ung thư" đã gây chấn động dư luận.
Những tín hiệu cảnh báo đã bị bỏ qua
Tháng 12 năm ngoái, bà Vương, người đã ngoài 50 tuổi, thực hiện tháo vòng tránh thai sau nhiều năm đặt, theo khuyến nghị của bác sĩ. Bà nghĩ: "Tôi lớn tuổi rồi, kinh nguyệt cũng thất thường, chắc chắn không thể có thai".
Vì vậy, trong sinh hoạt vợ chồng, bà không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào. Đến tháng 3 năm nay, bà Vương bắt đầu bị ra máu âm đạo không đều. Lúc đầu bà cho rằng đây chỉ là biểu hiện bình thường của giai đoạn tiền mãn kinh nên không để ý.
Mãi đến cuối tháng 5, khi tình trạng ra máu kéo dài suốt 2 tháng không ngừng, bà mới được người nhà thúc giục đi khám. Kết quả kiểm tra khiến mọi người sửng sốt: nồng độ HCG lên tới 38.000 IU/L (trong khi phụ nữ không mang thai bình thường dưới 5 IU/L), siêu âm phát hiện có khối u đường kính 5cm trong buồng tử cung.
Bác sĩ Cao Ngọc Đào, Trưởng khoa Phụ sản của Bệnh viện Nhân dân số 3 Thâm Quyến, cho biết: "Đây là biểu hiện điển hình của bệnh nguyên bào nuôi. Kết hợp với tiền sử bệnh nhân, rất nghi ngờ là ung thư nguyên bào nuôi".

Bà Vương mang thai với dấu hiệu bất thường. Ảnh minh họa.
Ung thư nguyên bào nuôi (hay còn gọi là ung thư nhau thai) là một loại ung thư hiếm gặp, phát triển từ các tế bào nguyên bào nuôi, những tế bào này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhau thai và bám vào tử cung trong quá trình mang thai.
Kết quả giải phẫu bệnh sau đó đã xác nhận chẩn đoán: Bà Vương không chỉ mang thai ngoài ý muốn, mà thai kỳ bất thường còn kích hoạt sự phát triển của khối u ung thư hiếm gặp này.
May mắn thay, sau chu kỳ hóa trị đầu tiên, nồng độ HCG của bà nhanh chóng giảm xuống dưới 1000. Xét thấy bà không còn nhu cầu sinh nở, phản ứng với hóa trị mạnh và điều kiện tài chính hạn chế, nhóm bác sĩ quyết định thực hiện phương pháp kết hợp "hóa trị + cắt bỏ tử cung".
Hiện tại, bà Vương đã hồi phục và xuất viện thành công, nhưng trải nghiệm lần này khiến bà rút ra bài học sâu sắc: "Tuyệt đối không được chủ quan trước những tín hiệu bất thường trong thời kỳ mãn kinh".
Giải mã y khoa: "Lý lịch" của ung thư nguyên bào nuôi
Ung thư nguyên bào nuôi (gọi tắt là "ung thư nhau thai") là một loại khối u ác tính cao phát sinh từ các tế bào nuôi của nhau thai. Bác sĩ Lý Mẫn, Phó Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Nhân dân số 3 Thâm Quyến, cho biết: "Trên lâm sàng, hơn 90% các ca ung thư này thuộc nhóm liên quan đến thai kỳ, thường xảy ra sau chửa trứng, sẩy thai hoặc mang thai bình thường. Trường hợp phát bệnh sau khi mang thai ở tuổi 50 như bà Vương rất hiếm gặp, nhưng rủi ro cực kỳ cao".
Đặc điểm sinh học nổi bật nhất của ung thư này là khả năng tiết ra lượng lớn HCG, một dấu hiệu quan trọng giúp chẩn đoán. Trong thai kỳ bình thường, HCG đạt đỉnh vào tuần thứ 8–10 rồi giảm dần; trong khi đó, ở bệnh nhân ung thư nguyên bào nuôi, HCG tăng rất cao và không giảm theo thời gian.
"Nếu sau sẩy thai hoặc khi có hiện tượng ra máu bất thường mà thấy chỉ số HCG cao bất thường thì cần đặc biệt cảnh giác", bác sĩ Lý Mẫn nhấn mạnh.

Phụ nữ bước sang thời kỳ mãn kinh nên cẩn trọng các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Ảnh minh họa.
Ung thư nguyên bào nuôi có khả năng di căn rất nhanh, ngay từ giai đoạn sớm đã có thể lan qua máu đến phổi, âm đạo, não… Dữ liệu lâm sàng cho thấy khoảng 50–70% bệnh nhân có di căn phổi (biểu hiện như ho ra máu, đau ngực); 10% di căn não (gây đau đầu, nôn ói, thậm chí co giật). Tuy nhiên, điều đáng mừng là loại ung thư này rất nhạy với hóa trị, thuộc nhóm hiếm hoi có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng hóa trị.
Có ba lý do chính khiến mang thai ở tuổi cao trở thành yếu tố nguy cơ ung thư:
- Chất lượng trứng suy giảm: Càng lớn tuổi, chất lượng trứng càng kém, tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể tăng mạnh, nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể của trứng ở phụ nữ 45 tuổi cao gấp 50 lần phụ nữ 25 tuổi. Sau sẩy thai do bất thường, các tế bào nuôi có nguy cơ chuyển hóa thành ung thư.
- Nội tiết tố dao động mạnh: Ở giai đoạn mãn kinh, estrogen và progesterone dao động bất thường, có thể "kích hoạt" các tế bào tiềm ẩn nguy cơ ác tính.
- Suy giảm miễn dịch: Sau tuổi 50, hệ miễn dịch yếu đi, khả năng kiểm soát và loại bỏ tế bào ung thư giảm, tạo điều kiện cho ung thư phát triển.
Trường hợp của bà Vương đã phơi bày khoảng trống lớn trong giáo dục sức khỏe sinh sản dành cho phụ nữ trung niên ở Trung Quốc. Một cuộc khảo sát với phụ nữ từ 50–65 tuổi cho thấy: chỉ 23% biết rằng vẫn có thể mang thai sau mãn kinh và chưa tới 15% thực hiện sàng lọc ung thư phụ khoa định kỳ.
Bà Trương Lệ, Trưởng ban quyền lợi phụ nữ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Thâm Quyến, cho biết: "Giáo dục giới tính và kiến thức sức khỏe hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào người trẻ, trong khi nhu cầu của phụ nữ tiền mãn kinh lại bị xem nhẹ".