Nghề lạ ở Việt Nam: Cây mọc bờ rào mang về trồng 2 tháng là thu hoạch, thành đặc sản nổi tiếng, dân hái bán quanh năm 

Từ giống rau gia vị mọc dại, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mang về trồng trong vườn nhà, cho nguồn thu nhập ổn định. Cây rau này chỉ cần trồng một lần có thể cho thu hoạch suốt nhiều năm.

Rau quế vị có lá nhỏ, màu xanh đậm, mép hơi răng cưa, thân mảnh. Khi vò nhẹ, lá tỏa ra mùi thơm đặc trưng, pha trộn giữa mùi quế, xá xị và một chút ngọt the của húng quế. Vị rau cũng rất đặc biệt, vừa cay nhẹ, the mát lại hơi đắng ở hậu vị, làm dậy lên vị ngon của các món ăn kèm.

Cây rau quế vị chỉ cần trồng một lần, rồi thu hoạch quanh năm

Rau quế vị mọc nhiều ở vùng núi và trung du như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai hoặc các tỉnh Tây Nguyên. Ngày nay, rau quế vị đã trở thành loại rau đặc sản, phổ biến không thể thiếu trong món cuốn bánh tráng thịt luộc hay trong các món nướng. Rau quế vị được bán trong các siêu thị chứ không chỉ ở các chợ truyền thống do nhu cầu thị trường ngày càng cao. Giá bán dao động từ 30.000-70.000 đồng/bó tùy mùa, thường được người sành ăn săn lùng mỗi khi đến mùa.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nhiều hộ dân đã mở rộng mô hình trồng rau quế vị để tăng thêm thu nhập. Rau quế vị có thể thu hoạch sau 2 tháng gieo trồng. Khi cây đạt chiều cao khoảng 20-30cm, bạn có thể cắt các lá và ngọn non để sử dụng. Việc thu hoạch lá và ngọn đều đặn sẽ giúp cây ra thêm nhiều nhánh mới, tiếp tục cho thu hoạch trong thời gian dài.

Từng gắn bó với ruộng lúa quanh năm, chị Ngọc Loan (Tây Ninh) không nghĩ có ngày mình lại “đổi đời” nhờ một loại rau hoang dại mọc ven bờ ruộng. Chỉ một lần tình cờ nhìn thấy người khác trồng rau quế vị thu lợi khá, chị bắt đầu nảy ra ý định chuyển đất trồng lúa sang trồng rau quế vị và quyết định ấy đã mở ra hướng đi hoàn toàn mới.

Nhờ hương thơm đặc trưng, vị cay the nhẹ, rau quế vị dần trở thành món rau “gây nghiện” trong các món cuốn, bánh canh, bún mắm, món nướng ở các quán ăn Tây Ninh và TP.HCM

Chị Loan chia sẻ: “Ban đầu, tôi mua khoảng 100kg giống rau quế vị gồm cả rễ về giâm xuống đất ruộng. Rau sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, chủ yếu chỉ cần dọn cỏ ban đầu. Sau đó, việc chính là hái bán cho thương lái".

Một trong những điều thú vị khi trồng rau quế vị là: chỉ cần trồng một lần, rồi thu hoạch quanh năm, chưa bao giờ chị Loan phải trồng lại trong suốt hơn 10 năm canh tác. Mỗi lứa rau sau khi cắt xong chỉ cần rải thêm ít phân diêm để rau “lấy sức”, phục hồi và tiếp tục phát triển cho đợt kế tiếp. Tuy nhiên, theo chị Loan, không nên cắt rau quá sớm, phải đợi đúng lứa để gốc rau đủ mạnh thì mới bền lâu, rau sau mướt và đều hơn.

Chị còn áp dụng phương pháp trồng cuốn chiếu, chia luống theo từng thời điểm để lúc nào cũng có rau thu hoạch đều đặn, không bị dồn lứa hay gián đoạn cung ứng cho thương lái.

Nhận thấy nhu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng, vài năm gần đây chị Loan đầu tư nhà lưới để trồng rau quế vị. Cách làm này giúp rau mướt hơn, lá đều, ít sâu bệnh, đặc biệt là giảm đáng kể việc sử dụng phân thuốc, hướng đến sản xuất rau sạch, an toàn.

“Nhiều người ngạc nhiên khi biết rau quế vị để được vài ngày sau khi cắt mà không héo, không hư. Đó là vì rau khỏe, trồng tự nhiên và chăm đúng cách”, chị Loan tự tin nói.

Từng sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và chăn nuôi heo, ông Trương Văn Sơn (sinh năm 1974, Tây Ninh) cũng đã thành công với mô hình trồng quế vị. Chỉ với 0,2ha ban đầu, ông Sơn đã cho thu hoạch khả quan và quyết định mở rộng lên 0,5ha.

Dù ban đầu gặp nhiều trở ngại vì thiếu kinh nghiệm trồng loại rau đặc thù, ông Sơn vẫn kiên trì học hỏi qua sách báo, người quen và thực tiễn canh tác. Sau khoảng 2- 3 tháng trồng, rau quế vị bắt đầu cho thu hoạch đều. Nhờ chất lượng rau tốt, rau được thương lái thu mua liên tục, dù giá dao động từ 7.000–20.000 đồng/kg. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Sơn còn là điển hình của sự kiên trì, bền bỉ vượt khó. Ông quan niệm rằng: “Nông dân nếu biết nắm bắt thời cơ, dám chuyển đổi cây trồng phù hợp thì vẫn có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê mình”. 

Ông Sơn cho biết: “Nguồn rau quế vị bán ra ổn định, có thương lái thu mua, tuy nhiên giá không ổn định, dao động từ 7.000-20.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Nhưng nguồn lãi thu về vẫn tương đối”. Từ ruộng rau quế vị này, gia đình ông Sơn có thêm thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Bạn có thể quan tâm