
Quân đội Nga (RFAF) đang mở rộng đầu cầu gần biên giới Nga-Ukraine ở vùng Sumy. Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ (ISW) cho biết, vào ngày 2/3, RFAF đã vượt biên giới, chiếm làng Zhuravka (phía bắc Sumy và phía tây Sudzha) và tiến về Novenkoye, nằm ở phía đông Zhuravka.

Việc Quân đội Ukraine (AFU) rút lui, đã tạo điều kiện cho RFAF chiếm được những vị trí có lợi hơn trên lãnh thổ Ukraine. ISW trích dẫn lời phát ngôn viên của Cục Biên phòng Nhà nước Ukraine Andriy Demchenko, xác nhận RFAF đã nhiều lần cố gắng đột phá biên giới và cắt đứt các tuyến đường hậu cần của Ukraine.

Các nhà phân tích từ các nguồn thông tin mở (OSINT) của Mỹ viết rằng, các đơn vị thuộc Lữ đoàn Dù số 83 của RFAF, đang hoạt động ở khu vực Zhuravka và Basivka trên lãnh thổ Ukraine. Lính dù Nga đang cố gắng củng cố các vị trí đã chiếm được và tiến xa hơn.

Trong hai tuần qua, RFAF đã nhiều lần tấn công các vị trí của AFU ở khu vực Novyenky, cố gắng cắt đứt các tuyến đường tiếp tế quan trọng và cản trở sự cơ động của nhóm chiếm đóng Ukraine ở vùng Kursk.

Vào ngày 19/2, Tổng thống Putin tuyên bố, RFAF đã vượt biên giới và đang hoạt động ở khu vực Sumy. Nhờ chiến dịch thành công, Lữ đoàn lính thủy 810 của RFAF đã giành quyền kiểm soát tuyến đường cao tốc Sudzha-Rylsk có tầm quan trọng chiến lược. Họ cũng đã tấn công vào làng Sverdlikovo, tiến dọc theo sông Loknya.

ISW viết, việc AFU để mất Sverdlikov đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho việc phòng thủ sườn phía tây của đầu cầu Ukraine ở khu vực Kursk; điều này gây khó khăn cho việc tiếp tế cho AFU. Cũng theo ISW, RFAF hiện duy trì khoảng 620 nghìn quân ở chiến trường Nga-Ukraine (bao gồm cả khu vực Kursk); con số này cao hơn khoảng 40 nghìn so với cuối năm 2024.

Còn Lữ đoàn thủy quân lục chiến 810 của Nga cho biết, các đơn vị AFU ở khu vực Kursk mà AFU kiểm soát, gồm Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 32 và 88, Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 129 và 105, và Lữ đoàn xung kích đường không số 95, đang ở tình thế nguy cấp.

Còn Phó Tổng tham mưu trưởng AFU, Thiếu tướng Vadim Skibitsky, tuyên bố rằng có ít nhất 200 nghìn quân Nga đang chiến đấu ở tiền tuyến. Theo tướng Skibitsky, khoảng 35 nghìn quân thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga bảo vệ các khu vực phía sau và nếu cần thiết, có thể trở thành tuyến phòng thủ thứ hai.

Quân đội Ukraine ở Kursk đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vũ khí trầm trọng do pháo binh Nga liên tục tấn công vào các vị trí của họ. Đáng chú ý, đường cao tốc 38K-004, nối vùng Kursk của Nga với tỉnh Sumy của Ukraine, hiện nằm dưới sự kiểm soát hỏa lực của Nga, với khoảng cách chỉ 5km.

Hiện hỏa lực pháo binh RFAF, đang biến con đường cao tốc này thành “con đường tử thần”, chặn đứng hoàn toàn nỗ lực của AFU, nhằm vận chuyển quân và hậu cần cho lực lượng cố thủ ở Kursk. Mỗi bước tiến của quân Nga, đều có sự hỗ trợ của hỏa lực pháo binh, khiến các đơn vị AFU không có cơ hội tập hợp lại.

Viện nghiên cứu dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), trong một báo cáo gần đây cho biết, chiến thuật đánh thọc sườn, cận chiến giữa quân đội Ukraine và Nga có sự khác biệt đáng kể. RFAF đã tập trung các sư đoàn và quân đoàn vũ trang hỗn hợp ở các khu vực trọng điểm (bao gồm cả Kursk), và các trung đoàn và tiểu đoàn sẽ được nhanh chóng luân chuyển và bổ sung khi bị tổn thất.

Theo quy luật, các đơn vị Nga, sau khi ra đến tiền tuyến, sẽ tiến hành các hoạt động tấn công quy mô lớn. Trước hết, RFAF sử dụng các phân đội trinh sát nhỏ tấn công thăm dò (không quá 8 người); nhưng đôi khi, họ có thể sử dụng những phân đội lớn hơn, lên tới 30 người, được hỗ trợ bởi 1-2 xe chiến đấu bộ binh.

Nếu những nhóm trinh sát này của Nga, gặp phải sự kháng cự của quân Ukraine, nếu nhỏ họ có thể tổ chức tấn công, bao vây tiêu diệt. Nếu gặp lực lượng AFU lớn hơn, họ sẽ gọi hỏa lực pháo binh, tên lửa và thậm chí là cả bom lượn có điều khiển để tiêu diệt.

Đối với AFU, bên đang ở thế phòng thủ, chiều rộng phòng ngự của một trung đội bộ binh không vượt quá 200 m. Đồng thời, các tiểu đội bộ binh thường chiếm giữ các vị trí chiến đấu cách nhau khoảng 50 m, trong đó biên chế nhóm hỏa lực gồm 2-3 người.

Việc tổ chức trận địa phòng ngự, xây dựng công sự chiến đấu và hầm trú ẩn khác nhau, tùy theo từng đơn vị của AFU và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời gian làm công tác chuẩn bị chiến đấu, quân số và vật tư.

Việc tổ chức phòng ngự của các đơn vị AFU, mặc dù chính diện không quá rộng, nhưng bù lại là chiều sâu phòng ngự khá lớn. Ví dụ một đại đội bộ binh AFU có đảm nhiệm chiều sâu phòng ngự tới 3 km và cấp tiểu đoàn khoảng 7 km.

Hiện các đơn vị tấn công của AFU hiếm khi hoạt động theo nhóm với quân số lớn hơn 20 người. Các phân đội tấn công của AFU thường được giữ làm lực lượng dự bị và được bổ sung quân số, vũ khí trang bị sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. (nguồn ảnh Sina, Topwar, TASS, Ukrinform).