Gói thầu số 2: Cung cấp suất ăn năm 2025-2026 (Gói thầu số 2) của Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) có thông báo mời thầu ngày 8/7, sẽ được đóng/mở thầu lúc 10h ngày 28/7/2025.
Theo Quyết định số 561/QĐ-BVTN phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bệnh viện Thống Nhất đề ngày 11/4, Gói thầu số 2 có trị giá hơn 121 tỷ đồng, là 1 trong 6 gói thầu được phê duyệt (tổng giá 6 gói thầu là hơn 137 tỷ đồng).
Theo Quyết định số 1148/QĐ-BVTN ngày 8/7 của Bệnh viện Thống Nhất về phê duyệt E-HSMT, thì E-HSMT của Gói thầu số 2 do Công ty Cổ phần Medical Device Lab Technology lập, Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định Công nghệ Quốc gia thẩm định. Hai đơn vị tư vấn này đều có trụ sở tại Hà Nội, được giao tham gia tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu này.
Yêu cầu về nhân sự quá mức cần thiết?
Trước tiên, nhà thầu này kiến nghị vị trí nhân sự chủ chốt chủ quá mức cần thiết. Cơ sở để đưa ra kiến nghị này, là căn cứ điểm a mục 1, điểm e mục 2 Phụ lục 8 (Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT) Một số nội dung của E-HSMT dẫn đến hạn chế cạnh tranh theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu, thì E-HSMT có yêu cầu về số lượng nhân sự chủ chốt quá mức cần thiết, cụ thể như sau:
Thứ nhất, yêu cầu vị trí Quản lý chuyên môn về suất ăn (02 nhân sự), vị trí Quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (01 nhân sự) là quá mức cần thiết, bởi nhân sự của 2 vị trí này có thể thực hiện các yêu cầu về công việc có tính chất tương tự nhau.
Do đó, nhà thầu kiến nghị (kiến nghị thứ nhất) chủ đầu tư/bên mời thầu bỏ 1 trong 2 yêu cầu về các vị trí như trên trong E-HSMT.
Thứ hai, yêu cầu vị trí Quản lý bếp bệnh nhân (bếp trưởng và bếp phó; 02 nhân sự), vị trí Bếp trưởng cho suất ăn nhân viên (02) nhân sự) là quá mức cần thiết, bởi vị trí Quản lý bếp bệnh nhân (bếp trưởng và bếp phó) có thể thực hiện, đảm nhận công việc của vị trí Bếp trưởng cho suất ăn nhân viên.
Do đó, nhà thầu kiến nghị (kiến nghị thứ hai) chủ đầu tư/bên mời thầu bỏ 1 trong 2 yêu cầu về các vị trí như trên trong E-HSMT.
Nhà thầu kiến nghị cho rằng việc loại bỏ trên, là nhằm giảm bớt các thủ tục gây phiền hà theo tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ngoài nhân sự chủ chốt, đơn kiến nghị của nhà thầu cho rằng E-HSMT có yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm cao hơn mức cần thiết. Trong E-HSMT yêu cầu các vị trí công việc như Quản lý trực tiếp công trình suất ăn tại bệnh viện, Quản lý chuyên môn về suất ăn và Quản lý bếp bệnh nhân (Bếp trưởng và bếp phó) phải “Có giấy chứng nhận/chứng chỉ đào tạo/tập huấn dinh dưỡng tiết chế hay dinh dưỡng lâm sàng” là yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu. Theo nhà thầu, yêu cầu này là vi phạm quy định tại điểm c, điểm e mục 1 Phụ lục 8 (Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT).
Nhà thầu cũng cho rằng Gói thầu số 2 là gói thầu cung cấp suất ăn vào bệnh viện, trong đó có suất bệnh lý cho bệnh nhân. Do đó, hoạt động này chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện. Và theo các quy định này, thì hoạt động dinh dưỡng tại bệnh viện phải tuân theo phác đồ điều trị và cấu trúc dinh dưỡng do các bác sĩ thuộc Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện đề ra. Các thành viên của nhà thầu tham dự như bếp trưởng hoặc bếp phó chỉ cần có chứng chỉ hành nghề theo quy định và khả năng chế biến món ăn theo cấu trúc dinh dưỡng được yêu cầu. Không cần sáng tạo ra các món ăn ngon, chỉ cần thực hiện đúng theo yêu cầu của Khoa Dinh dưỡng là đủ.
Do đó, nhà thầu kiến nghị (kiến nghị thứ ba) chủ đầu tư/bên mời thầu bỏ yêu cầu phải “Có giấy chứng nhận/chứng chỉ đào tạo/tập huấn dinh dưỡng tiết chế hay dinh dưỡng lâm sàng” ra khỏi E-HSMT.

Yêu cầu tự kiểm tra VSATTP và chất lượng bữa ăn gây khó khăn cho nhà thầu
Trong đơn, nhà thầu còn có kiến nghị liên quan đến việc E-HSMT yêu cầu kiểm tra VSATTP và chất lượng bữa ăn. E-HSMT yêu cầu như sau:
Nhà thầu phải có đơn vị tự kiểm tra VSATTP, chất lượng suất ăn tại cơ sở hoặc hợp đồng với đơn vị xét nghiệm có đủ năng lực kiểm tra VSATTP, chất lượng suất ăn để thực hiện tự kiểm tra định kỳ 1 tháng/ lần hoặc khi BV có yêu cầu. Trong đó Đơn vị xét nghiệm phải đảm bảo kiểm tra xét nghiệm được tối thiểu được các chỉ cố về chỉ tiêu vi sinh gồm: tổng số vi khuẩn hiếu khí, coliforms, Escherichia coli; salmonella spp,…
Trường hợp có đơn vị xét nghiệm, nhà thầu phải có bản đề xuất/ liệt kê các trang thiết bị; bản đề xuất các nhân sự tham gia xét nghiệm, các nhân sự thực hiện xét nghiệm phải có chứng nhận hoặc chứng chỉ về quản lý chất lượng phòng thí nghiệm ISO 17025 và phân tích các chỉ tiêu hóa lý cơ bản. (1)
Trường hợp có hợp đồng với đơn vị xét nghiệm khác, cơ sở chế biến suất ăn phải cung cấp các tài liệu về năng lực, thông tin của đơn vị ký hợp đồng và cơ sở chế biến suất ăn đã thực hiện xét nghiệm suất ăn của cơ sở mình với đơn bị ký hợp đồng trong vòng ít nhất 6 tháng gần nhất tính đến thời điểm đóng thầu bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. (Nhà thầu cung cấp tài liệu chứng minh: Hợp đồng, hóa đơn, kết quả xét nghiệm trong 3 tháng gần nhất, tài liệu chứng minh năng lực của đơn vị xét nghiệm) (2).
Nhà thầu này lập luận, đối với yêu cầu (1), thì đây là yêu cầu không chính xác về chứng chỉ ISO 17025 cho nhân sự, bởi đây là tiêu chuẩn về “Yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn” dành cho một tổ chức (phòng thí nghiệm), không phải là chứng chỉ cấp cho cá nhân. Việc đưa ra một yêu cầu không chính xác và không khả thi như vậy sẽ khiến tất cả các nhà thầu đều không thể đáp ứng, dẫn đến việc đánh giá thiếu khách quan.
Đối với yêu cầu (2), E-HSMT yêu cầu trường hợp nhà thầu hợp tác với đơn vị xét nghiệm khác thì phải chứng minh “đã thực hiện xét nghiệm suất ăn của cơ sở mình với đơn vị ký hợp đồng trong vòng ít nhất 6 tháng gần nhất tính đến thời điểm đóng thầu” và phải nộp kèm “Hợp đồng, hóa đơn, kết quả xét nghiệm trong 3 tháng gần nhất”.
Nhà thầu cho rằng đây là một tiêu chí mang tính chất “hồi tố” vì buộc nhà thầu phải chứng minh một hoạt động đã diễn ra trong quá khứ với một đối tác cụ thể, thay vì đánh giá năng lực thực hiện gói thầu của nhà thầu. Điều này gây hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng vì nó loại bỏ các nhà thầu hoàn toàn có năng lực, vì chẳng có doanh nghiệp nào biết trước 6 tháng để chuẩn bị hoàn thiện các giấy tờ trên.
Nhà thầu cho rằng yêu cầu này có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc cơ bản của đấu thầu là tạo ra sự cạnh tranh, công bằng. Chính E-HSMT tại Điểm h, Khoản 4.6, Mục 4, Chương I đã nêu hành vi bị cấm là: “Nêu điều kiện trong E-HSMT nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu”.
Nhà thầu này cũng cho rằng việc yêu cầu phải nộp hóa đơn, kết quả xét nghiệm trong 3 tháng gần nhất để chứng minh đã thực hiện kiểm tra định kỳ cũng có thể bị xem là đưa ra yêu cầu không cần thiết, nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, vi phạm nguyên tắc nêu tại điểm h, Khoản 4.6, Mục 4, Chương I của E-HSMT.
“Việc kiểm tra chất lượng suất ăn định kỳ là một nghĩa vụ nhà thầu phải thực hiện trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu trúng thầu. Việc E-HSMT yêu cầu nhà thầu phải chứng minh đã làm việc này từ trước là đang biến một nghĩa vụ tương lai thành một điều kiện tiên quyết trong quá khứ. Điều này là không hợp lý và không cần thiết. Để đánh giá năng lực, Bên mời thầu chỉ cần yêu cầu nhà thầu chứng minh khả năng sẽ thực hiện được nghĩa vụ này”, nhà thầu này lí giải.
Từ những lập luận trên, để đảm bảo tuân thủ pháp luật và tăng tính cạnh tranh, nhà thầu kiến nghị (kiến nghị thứ tư) chủ đầu tư/bên mời thầu nên sửa đổi yêu cầu này theo hướng hợp lý hơn, chẳng hạn như:
Yêu cầu nhà thầu cam kết sẽ thực hiện việc kiểm tra VSATTP định kỳ 1 tháng/lần hoặc khi có yêu cầu của Chủ đầu tư; Yêu cầu nhà thầu nộp kèm Hợp đồng nguyên tắc hoặc văn bản thỏa thuận với một đơn vị xét nghiệm có Phòng thí nghiệm được công nhận đạt chuẩn ISO/IEC 17025 (chứng nhận cho phòng lab, không phải cho cá nhân); Yêu cầu nhà thầu cung cấp hồ sơ năng lực của đơn vị xét nghiệm dự kiến hợp tác (ví dụ: Giấy chứng nhận công nhận ISO 17025 còn hiệu lực, phạm vi được công nhận có các chỉ tiêu vi sinh liên quan).

Cuối cùng, nhà thầu này kiến nghị nội dung yêu cầu nhà thầu phải cung cấp kit test nhanh cho bệnh viện. Theo đó, tại mục 3 phần 2.1 của Chương V Yêu cầu về kỹ thuật, E-HSMTcó yêu cầu: "Nhà thầu cung cấp kit test nhanh cho Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Thống Nhất.".
Nhà thầu cho rằng việc kiểm tra, nghiệm thu chất lượng hàng hóa là trách nhiệm của Bên mời thầu/Chủ đầu tư. Việc yêu cầu nhà thầu (bên bán) phải cung cấp công cụ kiểm tra cho chủ đầu tư (bên mua) là một yêu cầu không hợp lý và không phổ biến. Điều này tạo ra một chi phí không liên quan trực tiếp đến dịch vụ chính là cung cấp suất ăn, và có thể gây khó khăn cho các nhà thầu không chuyên kinh doanh thiết bị y tế/vật tư xét nghiệm.
“Trách nhiệm của nhà thầu là đảm bảo chất lượng hàng hóa, còn phương tiện để kiểm tra chất lượng đó nên do bên Chủ đầu tư tự trang bị để đảm bảo tính khách quan.
Căn cứ Khoản 2, Điều 44 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, thì đây có thể được xem là một điều kiện không cần thiết, không liên quan trực tiếp đến bản chất của gói thầu, làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho nhà thầu và có khả năng hạn chế cạnh tranh.
Do đó, chúng tôi kiến nghị (kiến nghị thứ 5) chủ đầu tư/bên mời thầu nên loại bỏ yêu cầu nhà thầu phải cung cấp kit test cho Bệnh viện”, nhà thầu kiến nghị.
Đến 9h 30 ngày 20/7, ghi nhận trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy kiến nghị của nhà thầu chưa được trả lời.