
Tàu Vịnh Xanh 58 bị lật do giông lốc ở Vịnh Hạ Long. Ảnh: Xinhua
Vụ lật tàu du lịch, chở 53 người (48 hành khách và 5 thuyền viên), chiều 19/7 tại Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao tàu lật úp lại khó cứu và lật ngược tàu lại? Khi tàu lật, điều gì giúp các nạn nhân sống sót lâu khi ở dưới nước? Các chuyên gia quốc tế đã phân tích nhiều trường hợp tương tự để giải đáp những thắc mắc này.
Quyết định sinh tử tính bằng giây
Khi tàu lật đột ngột do gặp giông lốc, những người ở gần lối ra hoặc trên boong thường sẽ có khả năng nhảy xuống nước trước khi tàu bị lật hẳn. Trong khi đó, những hành khách ngồi trong khoang kín, đặc biệt ở khu vực giữa tàu, thường bị mắc kẹt hoặc mất phương hướng khi tàu đổ nghiêng nhanh và nước tràn vào.

Tàu Ethan Allen gặp nạn ở Mỹ năm 2005. Ảnh: Times Union
Theo Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), trong vụ lật tàu Ethan Allen trên hồ George năm 2005, chiếc tàu đã lật trong vòng 10 giây sau khi hứng chịu sóng ngang. 20 trong số 47 người trên tàu đã thiệt mạng, chủ yếu do mắc kẹt hoặc không thoát ra kịp.
Trong nhiều vụ lật tàu, ví dụ tàu Ethan Allen, nhiều hành khách thậm chí không kịp mặc áo phao. Nhưng theo NTSB, việc mặc áo phao cũng chưa hẳn là có lợi, thậm chí, còn phản tác dụng vì áo phao khiến cơ thể nổi lên, không thể lặn xuống để thoát ra bằng lối cửa hoặc cửa sổ khi tàu lật úp.
Khi tàu lật úp, những yếu tố nào giúp một người sống sót lâu hơn dưới nước?
Khi tàu lật úp, sống sót dưới nước là một thách thức lớn, nhưng có một số yếu tố quan trọng có thể giúp kéo dài thời gian sống.
Đầu tiên là “túi khí”- không gian trong tàu vẫn giữ được không khí khi tàu chìm. Trong vụ lật tàu ở Vịnh Hạ Long, một bé trai đã được giải cứu khỏi khoang khách của tàu sau 4 tiếng kể từ khi sự cố xảy ra. Theo nhận định của lực lượng cứu hộ, bé trai này may mắn ở khu vực có “túi khí” nên có dưỡng khí để sống sót trong thời gian vài tiếng trước khi được đội cứu hộ giải cứu.
Trước đó, năm 2013, một trường hợp tương tự xảy ra khi Harrison Okene, đầu bếp trên tàu thủy, sống sót gần 3 ngày nhờ “túi khí” trong phòng tắm sau khi con tàu mà ông làm việc bị lật úp ngoài khơi Nigeria, theo Guardian.
Theo BBC News, trong thảm họa chìm tàu Ngôi sao Phương Đông ở Trung Quốc năm 2015 khiến hàng trăm người thiệt mạng, một số người sống sót cũng được cứu nhờ "túi khí", với một số bài báo cho biết đáy tàu có lớp "đệm không khí" dày 1,5 đến 2 mét.

Tàu Ngôi sao Phương Đông gặp nạn năm 2015 ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Thứ hai, việc giữ bình tĩnh là rất quan trọng để tiết kiệm oxy, vì hoảng loạn có thể làm tăng nhịp thở và tiêu thụ oxy nhanh hơn. Đầu bếp Okene đã hát để giữ bình tĩnh và tinh thần.
Tờ National Geographic cũng nhấn mạnh rằng sự bình tĩnh là yếu tố tâm lý quan trọng, giúp kéo dài thời gian sống trong không gian hạn chế.
Thứ ba là ngăn việc hạ thân nhiệt, đặc biệt trong nước lạnh. Trong trường hợp của đầu bếp Okene, nước lạnh ở mức 16 độ C có thể gây bất tỉnh trong vòng 2 giờ nếu cơ thể bị ngập hoàn toàn trong nước, theo Live Science. Ông Okene đã sử dụng một tấm nệm để tránh tiếp xúc trực tiếp với nước, tránh mất nhiệt.
Tinh thần kiên cường cũng là yếu tố rất quan trọng. Đầu bếp Okene đã dựa vào niềm tin và suy nghĩ về gia đình để duy trì hy vọng, theo Guardian. National Geographic cũng cho rằng sự kiên cường tinh thần giúp ông Okene chịu đựng cảm giác bị cô lập trong 60 giờ.
Việc thu hút sự chú ý của đội cứu hộ là yếu tố quyết định. Ông Okene đã nghe thấy thợ lặn và đập vào thân tàu để báo hiệu, giúp thợ lặn phát hiện có người còn sống và đến cứu.
Trong vụ tàu Ngôi sao Phương Đông, các thợ lặn đã nghe thấy tiếng người kêu cứu từ bên trong tàu, cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì tín hiệu cầu cứu, theo BBC.
Tàu lật úp: Vì sao khó lật ngược hoặc kéo lên ngay?
Khi bị lật úp, nhiều con tàu vẫn giữ được lượng không khí trong cabin, khiến chúng giữ nguyên ở tình trạng úp. Theo tạp chí khoa học ScienceDirect, khi đáy tàu nổi lên, lực để chống lại mọi nỗ lực bên ngoài cố lật lại tàu là rất lớn, đó là trạng thái “ổn định âm”.
Ngoài ra, nhiều tàu du lịch không được thiết kế để tự lật lại sau khi đảo ngược. Theo tờ Independent (Anh), chỉ một số tàu quân sự hoặc cứu hộ được trang bị khả năng “tự lật”, nhờ thiết kế trọng tâm thấp và boong đóng kín. Các tàu thương mại hoặc du lịch khi lật úp, muốn kéo lên cần đến thiết bị chuyên dụng như cần cẩu, túi khí nâng, và cả nhóm kỹ sư phân tích trọng lượng, điểm nối.
Khi biển động hoặc còn sóng lớn sau giông lốc, việc lặn tiếp cận thân tàu cũng nguy hiểm, dễ dẫn đến các sự cố cho thợ lặn.