Nhiều khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ nặng
Kiểm toán Nhà nước vừa báo cáo Quốc hội một số kết quả kiểm toán chủ yếu năm 2024. Trong đó, kết quả kiểm toán doanh nghiệp nhà nước cho thấy cả 9/9 tập đoàn, tổng công ty được kiểm tra đều có lãi, trong đó một số đơn vị đạt tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu trên 10%, thậm chí vượt 20%.
Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn một số hạn chế. Theo đó, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong công tác hạch toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (NSNN), qua kiểm toán điều chỉnh tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí.
Một số đơn vị chưa xây dựng quy chế quản lý tiền, quản lý dòng tiền chưa hiệu quả. Việc quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn, tỷ lệ đối chiếu thấp. Trong khi, việc tạm ứng tồn đọng nhiều năm chưa thu hồi; bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh, tài sản đảm bảo; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định...
Bên cạnh đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao; chưa chi trả đầy đủ cổ tức; chưa được góp đủ vốn điều lệ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ nhưng chưa được phê duyệt phương án tăng vốn. Thậm chí, một số đơn vị bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, một số đơn vị đầu tư tài chính hiệu quả chưa cao, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ.
Công ty mẹ - TKV: 4 khoản đầu tư vào công ty con có lỗ luỹ kế tại thời điểm 31/12/2023 là hơn 412 tỷ đồng (vốn góp của công ty mẹ là hơn 1.759 tỷ đồng).
Tổng công ty khoáng sản TKV: 1 khoản đầu tư không bảo toàn vốn và 3 khoản đầu tư vào công ty con chưa chia cổ tức do lợi nhuận sau phân phối không đủ chia cổ tức hoặc có lãi nhưng còn lỗ luỹ kế.
Công ty mẹ - HUD: Công ty CP Đầu tư xây dựng đô thị Việt Nam lỗ luỹ kế 14,4 tỷ đồng…
Nhiều khoản đầu tư của tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ.
Cụ thể, Công ty mẹ - Vinapharm: CTCP Dược phẩm Trung ương 2 ghi nhận lỗ lũy kế hơn 122 tỷ đồng tính đến 31/12/2023, CTCP Dược Davina lỗ 18,39 tỷ đồng.
Công ty mẹ - HUD: CTCP Sài Gòn - Rạch Giá lỗ lũy kế gần 124,5 tỷ đồng, CTCP Khách sạn và du lịch Bảo Việt lỗ hơn 73 tỷ đồng.
Công ty mẹ - Vinataba: 3/6 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 225,6 tỷ đồng và một khoản đầu tư dài hạn khác là 13,18 tỷ đồng.
Tổng công ty Sonadezi có CTCP Cấp nước Đồng Nai đầu tư góp vốn vào CTCP Cấp nước Gia Tân 50 tỷ đồng (chiếm 10,47% vốn điều lệ), phải trích lập dự phòng 16,47 tỷ đồng.
Công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có một khoản đầu tư phải trích lập dự phòng 100% tương ứng 55,87 tỷ đồng.
Doanh nghiệp thuộc UBQLVNN và SCIC có những khoản lỗ khủng
Ngoài ra, kết quả kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo quy định Nghị định số 10/2019/NĐ-CP giai đoạn 2022-2023 tại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), cho thấy, đến tháng 8/2024 còn 3/19 đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, 2/19 kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư giai đoạn 2021-2025 và 4/19 chiến lược phát triển của các doanh nghiệp chưa được phê duyệt.
Có đến 10/12 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chưa được đánh giá, xếp loại năm 2023 và 1 doanh nghiệp chưa được đánh giá, xếp loại năm 2022; chưa hoàn thành phê duyệt quyết toán cổ phần hóa theo quy định.
Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính năm 2023 của các đơn vị, lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 của Tổng công ty Cà phê Việt Nam là 738,8 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ luỹ kế 50.611 tỷ đồng, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam lỗ luỹ kế 884,39 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán chuyên đề tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng cho thấy, SCIC đã thoái vốn tại 37/77 doanh nghiệp với tổng giá vốn là 2.801/12.821 tỷ đồng, bằng 21,8% kế hoạch 5 năm trong giai đoạn 2021-2023. SCIC đã bán hết vốn tại 50 doanh nghiệp nhưng chưa thu hồi hết cổ tức, lợi nhuận được chia 23,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, quá trình bán vốn còn trường hợp xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính giá trị vốn nhà nước không đúng quy định hoặc đơn vị tư vấn xác định chưa đầy đủ giá trị vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Một số khoản SCIC trực tiếp đầu tư cũng không hiệu quả, khi có 3/14 doanh nghiệp lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 là 32.581,9 tỷ đồng; 2/14 doanh nghiệp không chia cổ tức, lợi nhuận trong giai đoạn 2019-2023.
SCIC chưa hoàn tất cổ phần hóa tại một số đơn vị, cũng như chưa tiếp nhận đầy đủ quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp do hai bộ bàn giao; chưa xây dựng kế hoạch và giải pháp thực hiện tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tại một số doanh nghiệp tiếp nhận.
Đến 31/12/2023, SCIC chưa phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 của 4/4 doanh nghiệp do đơn vị này nắm giữ 100% vốn điều lệ. Việc xây dựng phương án tăng vốn điều lệ trình cấp có thẩm quyền của SCIC cũng chưa đầy đủ, rõ ràng; người đại diện vốn lập và gửi báo cáo giám sát tài chính chậm.
“Một số quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của UBQLVNN và SCIC chưa thống nhất như việc bổ sung vốn, thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết; vốn nhà nước, vốn doanh nghiệp tại các doanh nghiệp do SCIC nhận bàn giao”, Kiểm toán Nhà nước kết luận.
*Tiêu đề đã được Vietnamdaily thay đổi