Bạn nhận thấy Facebook quá tồi tệ, bạn quyết định rời bỏ nó.
Lúc này, có một vấn đề lớn hơn: Khi đã sử dụng mạng xã hội khổng lồ này, xóa Facebook không đồng nghĩa bạn có thể thoát khỏi Facebook. Trong suốt 14 năm tồn tại, Facebook đã vươn chiếc vòi bạch tuộc của mình đến mọi ngóc ngách đời sống trên mạng của người dùng - cả hiện tại và quá khứ.
Công ty này cũng nắm giữ nhiều thông tin về bạn hơn nhiều so với những thứ bạn có ý định chia sẻ.
|
Theo các chuyên gia công nghệ, Mark Zuckerberg là một trong những người quyền lực nhất thế giới khi nắm giữ trong tay thông tin cá nhân của hàng tỷ người. Ảnh: Getty Images. |
Ví dụ tiêu biểu nhất là thứ gọi là “hồ sơ ngầm”. Nó được phát hiện vào năm 2013 khi Facebook hệ thống thông tin của người dùng, chủ yếu là những thông tin bên ngoài phạm vi của một tài khoản Facebook. Những thứ như địa chỉ email không liên quan đến Facebook, số điện thoại, thậm chí những thứ bạn không bao giờ có ý định chia sẻ trên Facebook - đều nằm trên máy chủ của công ty này, kèm theo nhận diện thực tế của bạn.
Đây là kết quả của việc Facebook liên tục đưa ra yêu cầu và nhận được sự đồng ý của bạn bè bạn, tải lên các địa chỉ liên lạc của họ để khám phá những dịch vụ liên quan trên mạng. Ngoài ra, nhờ việc gợi ý địa chỉ Facebook của một người bạn, hoặc những người chẳng liên quan gì đến bạn, Facebook đã tạo ra một bản đồ mối liên hệ giữa hàng tỷ người trên toàn cầu.
Thêm nữa, Facebook công bố vào năm 2016 rằng họ dự định hiển thị quảng cáo cho người không sử dụng mạng xã hội trên web. Wall Street Journal khẳng định Facebook sẽ “thu thập thông tin của mọi người dùng Internet” thông qua cookies và nút like họ rải khắp nơi trên web.
Điều này đúng. Ngay cả khi bạn chưa từng có tài khoản Facebook, công ty này vẫn theo dõi bạn, và kiếm lời từ đó. May mắn thay, người dùng đã có chút ít hy vọng thoát khỏi tay Facebook.
Bloomberg chia sẻ hồi tháng 2 rằng tòa án Bỉ yêu cầu Facebook dừng theo dõi nhóm người không sử dụng mạng xã hội này. Tuy nhiên, Facebook cho biết họ sẽ kháng cáo.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa xóa tài khoản Facebook chẳng có tác dụng gì. Bạn vẫn nên xóa bỏ tài khoản Facebook, nếu cảm thấy nó phiền toái. Trang Mashable tin rằng bạn sẽ không “nhớ” nó như bạn nghĩ. Hàng loạt người dùng từng xóa Facebook cho biết họ có thêm rất nhiều thời gian để làm việc mình thích, trò chuyện với bạn bè hay cho các hoạt động thể chất. Họ thậm chí khuyên người dùng nên gỡ bỏ cả Instagram bởi các thuật toán làm cho nó trở thành một mớ hỗn độn, cùng với đó là WhatsApp.
|
Lợi nhuận của Facebook tính đến quý IV/2017. |
Facebook, tất nhiên, không muốn bạn dễ dàng từ bỏ hệ sinh thái của họ. Những người muốn xóa tài khoản Facebook thường được hướng dẫn để “deactive” tài khoản, thứ thực chất cho phép bạn khôi phục lại chứ không phải xóa hoàn toàn.
Ngay cả khi trải qua hàng loạt công đoạn phức tạp để xóa tài khoản, Facebook cũng sẽ cho bạn thời gian để “suy nghĩ” về quyết định của mình. Công ty này khẳng định họ mất 90 ngày để xóa bỏ thông tin của bạn khỏi server.
“Internet tồn tại trước Facebook và chắc chắn bạn sẽ thấy nhiều thứ hay ho khác từ nó khi rời bỏ Facebook. Mặc dù xóa tài khoản Facebook không đồng nghĩa bạn thoát hoàn toàn khỏi công ty này, nó là bước đi tốt đẹp đầu tiên để tận hưởng những thành quả sau này”, Mashable viết.