Xe bán tải phải gắn phù hiệu “xe tải” và hạn chế lưu thông?

Theo Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô quy định, từ ngày 1/7/2018, các xe ôtô có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn tham gia kinh doanh vận tải phải được gắn phù hiệu “xe tải”.
Về quy định này đến nay vẫn còn nhiều chủ xe phân vân như: loại xe bán tải  tại Việt Nam (Pick-up) nào bắt buộc phải gắn phù hiệu “xe tải”? Xe bán tải gắn phù hiệu “xe tải” có bị hạn chế lưu thông trên một số tuyến đường như xe tải thông thường?.
Gửi câu hỏi về Báo Giao thông, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết: “Theo lộ trình của Nghị định 86/2014, những chiếc xe bán tải của chúng tôi đã được cấp phù hiệu “xe tải”. Luật Giao thông đường bộ có quy định hạn chế “xe tải” lưu thông vào một số tuyến đường, tuyến phố hoặc vào khung giờ hạn chế thì không được phép hoạt động. Tham chiếu theo quy định trên, đối với xe bán tải Ford Ranger (Pickup ca bin kép) của công ty đã được cấp phù hiệu “xe tải” thì có bị hạn chế lưu thông vào các tuyến đường, tuyến phố hoặc vào khung giờ hạn chế lưu thông của xe tải hay không?”
Xe ban tai phai gan phu hieu “xe tai” va han che luu thong?
Xe bán tải sẽ phải gắn phù hiệu xe tải nếu đáp ứng đủ các điều kiện của nghị định 86/2014 
Trả lời vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, khoản 1 Điều 50 Thông tư 63/2014 quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Những trường hợp này thuộc các đối tượng như: Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định của Chính phủ; Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng theo quy định về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ; Có từ 5 xe trở lên; Sử dụng phương tiện có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 10 tấn trở lên để vận chuyển hàng hóa.
Trên cơ sở các quy định trên, đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp (bao gồm các cơ sở sản xuất hoặc cửa hàng kinh doanh không phải là doanh nghiệp kinh doanh vận tải chỉ chở hàng hóa của mình, không chở hàng thuê) sử dụng phương tiện có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 10 tấn để vận chuyển hàng hóa và có số lượng dưới 5 xe không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu vận tải và gắn thiết bị giám sát hành trình.
Việc gắn phù hiệu vận tải đốii với xe bán tải cũng tương tự như quy định nêu trên. Có nghĩa là xe bán tải phải cấp phù hiệu “xe tải” trong trường hợp xe thuộc đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải và có trên 5 xe. Đối với xe bán tải kinh doanh vận tải thì thuộc đối tượng phải cấp phù hiệu”, bà Hiền khẳng định.
Đối với câu hỏi của Công ty CP Acecook Việt Nam, bà Hiền cho biết, các phương tiện được cấp phù hiệu theo Nghị định 86/2014, ngoài việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, khi lưu thông trên đường phải chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ, các văn bản hướng dẫn thi hành và hệ thống báo hiệu đường bộ.
Theo quy định tại Khoản 3.31 Điều 3 về giải thích từ ngữ Quy chuẩn Quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN41:2016 của Bộ GTVT): “Xe bán tải (xe Pick-up) có kết cấu thùng chở hàng đi liền với thân xe, có khối lượng chuyên chở cho phép được xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống thì được xem là xe con”.
Như vậy, những xe bán tải (xe Pick-up) theo quy định như trên nếu được cấp phù hiệu “xe tải” khi lưu thông trên đường sẽ chấp hành các quy định về báo hiệu đường bộ như xe con. Tuy nhiên trong quá trình tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần lưu ý các biển báo liên quan đến hạn chế lưu thông phương tiện như biển báo cấm theo giờ, cấm riêng từng loại phương tiện, biển viết bằng chữ để báo cấm.
Theo Hoàng Cường/baogiaothong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN