-
Năm 2018 chuẩn bị khép lại. Thị trường ôtô và xe máy Việt Nam trong năm qua cũng chứng kiến nhiều biến động với các vẫn đề về chính sách, giá cả và xuất nhập khẩu... Hãy cùng báo điện tử Kiến Thức điểm qua những sự kiện nổi bật nhất của ngành công nghiệp ôtô và xe máy tại thị trường Việt trong năm vừa qua.
-
Xe ôtô nhập khan hàng do "ải" Nghị định 116: Sau khi Nghị định 116 được ban hành, quy định về thủ tục, giấy tờ liên quan đến nhập khẩu ôtô tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đều vướng phải tình trạng không thể nhập xe về phục vụ nhu cầu người tiêu dùng Việt.
-
Những mẫu xe như Honda CR-V, Toyota Fortuner hay các dòng xe sang Lexus... đều rơi vào tình trạng “khan hàng”, thậm chí không có hàng để bán. Mãi cho đến giữa năm 2018, các doanh nghiệp mới hoàn tất đầy đủ các thủ tục nhập khẩu ôtô và tiếp tục phân phối xe đến khách hàng Việt.
-
Năm nay, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam (VIVA) “bắt tay” nhau để cùng tổ chức Triển lãm Ô tô Việt Nam - VMS 2018. Đây cũng chính là Triển lãm ô tô có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, với sự góp mặt của 15 thương hiệu đình đám.
-
Theo đại diện ban tổ chức VMS 2018 cho hay, sau khi kết thúc triển lãm - đã có hơn 185.000 khách hàng đã ghé thăm, tham quan các gian hàng tại VMS 2018. Trong đó đáng chú ý, gần 1.000 xe ôtô mới đã được khách hàng đặt mua ngay tại Triển lãm năm nay.
-
Ngày 1/1/2018, Công ty THACO chính thức trở thành nhà phân phối của các dòng xe BMW, BMW Motorrad và MINI tại “dải đất hình chữ S”.
-
Sau khi “về tay" THACO, các dòng xe BMW, MINI và BMW Motorrad vẫn được phân phối dưới dạng nhập khẩu từ Đức và một số dòng xe PKL từ Thái Lan. Bên cạnh đó, nhà nhập khẩu THACO hứa hẹn về tương lai không xa của việc lắp ráp xe BMW tại Việt Nam khi đạt đủ điều kiện.
-
General Motors (GM) Mỹ và VinFast (thuộc Tập đoàn VinGroup) đã đạt được thỏa thuận và ký kết hợp tác chiến lược mới tại thị trường Việt Nam. Qua đó, VinFast mua lại hoạt động sản xuất và phân phối của GM (Chevrolet) tại Việt Nam. Hãng xe Việt sẽ nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư để sản xuất dòng ôtô cỡ nhỏ mới được mua bản quyền từ GM.
-
Nhà phân phối, lắp ráp ôtô và xe máy VinFast cũng tiếp nhận tổng cộng 22 đại lý uỷ quyền và hệ thống của thương hiệu Chevrolet để trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam. Việc chuyển giao sẽ chính thức hoàn thành vào cuối năm 2018.
-
Đầu tư Tổ hợp sản xuất xe hơi và xe máy điện tại Hải Phòng, VinFast đã bắt tay với hàng loạt đối tác lớn trong ngành như BMW, GM, Magna Steyr, AVL, Pininfarina, EDAG, Bosch, Siemens để thiết kế và sản xuất xe. Tháng 10/2018, lần đầu tiên có một thương hiệu xe Việt Nam VinFast đưa xe đi tham gia Paris Motor show 2018.
-
Tại triển lãm ôtô Paris Motor show 2018 cùng màn ra mắt được cho là ấn tượng với các mẫu Lux A2.0 (sedan) và Lux SA2.0 (SUV). Tiếp sau đó, hai mẫu xe này được giới thiệu và chào bán (nhận đặt hàng) tại Việt Nam. Không lâu sau đó, VinFast đã tổ chức giới thiệu và mở bán dòng xe máy điện (eScooter) thương hiệu Klara tại quê nhà.
-
Dù hàng loạt mẫu xe hưởng thuế nhập khẩu 0% từ khu vực ASEAN nhưng giá xe ôtô nhập khẩu cũng không giảm như kỳ vọng. Bên cạnh đó, tình trạng xe nhập khẩu về “nhỏ giọt” khiến cung không đủ cầu đồng thời giá xe không giảm nhiều so với năm 2017.
-
Thậm chí, trên thị trường, nhiều thông tin về các mẫu xe nhập khẩu tăng giá hơn 3 lần trong năm qua, hay một số mẫu xe vướng tình trạng “bia kèm lạc” (bán phụ tùng kèm theo xe). Tính đến tháng 11/2018, theo thống kê của VAMA, số lượng xe bán ra không tăng nhiều so với cùng kỳ.
-
Năm 2018, những thương hiệu ô tô lớn như Mitsubishi hay Toyota tăng cường nhập xe sản xuất, lắp ráp từ Indonesia thay vì nhập từ Thái Lan. Trước đó, xe du lịch nhập khẩu vào Việt Nam thường có xuất xứ từ Thái Lan, Ấn Độ, các nước châu Âu... Sau khi Hyundai Thành Công ngừng nhập xe từ Ấn Độ để tăng cường lắp ráp, sản xuất trong nước thì số lượng xe nhập từ quốc gia này giảm xuống.
-
Trong nhiều tháng, số lượng xe ôtô nhập khẩu từ Indonesia vào Việt Nam tăng lên. Việc Indonesia đã có những thay đổi phù hợp với Nghị định mới về quản lý ôtô nhập khẩu của Việt Nam được xem là một trong những nguyên nhân khiến xe từ nước này thuận lợi hơn, đáng chú ý là xe đưa về với giá bán không quá cao so với mặt bằng chung ASEAN.
-
Nếu như trong năm 2017 có 28 đợt triệu hồi xe tại Việt Nam thì sang năm 2018 đạt kỷ lục khi có tới 43 đợt. Lỗi dẫn tới lượng xe bị triệu hồi nhiều nhất trong năm 2018 liên quan tới túi khí và cụm bơm túi khí, với khoảng 28.000 xe Toyota các loại, hơn 6.000 xe Mercedes-Benz các loại, hơn 3.000 xe Honda City...
-
Lập kỷ lục về số lượng xe cần triệu hồi là Toyota, với khoảng 28.000 xe. Trong khi đó, Mercedes-Benz Việt Nam lập kỷ lục về số đợt triệu hồi xe, với 8 đợt do lỗi liên quan đến túi khí, 2 đợt do lỗi dẫn đến nguy cơ cháy xe, một đợt triệu hồi xe E-Class do lỗi căng dây an toàn và một đợt triệu hồi toàn bộ xe GLC sản xuất tại Việt Nam cũng do lỗi liên quan tới dây đai an toàn.
-
Dù không dẫn tới việc triệu hồi xe nào, nhưng gây ồn ào và bức xúc nhất cho người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2018 là việc nước lọt vào cầu ở dòng xe sang Mercedes-Benz GLC và hiện tượng gỉ sét ở gầm xe Honda CR-V. Ngoài ôtô, cũng có một số đợt triệu hồi đối với xe máy tại Việt Nam trong năm 2018, như Suzuki triệu hồi mẫu Raider, Yamaha triệu hồi hàng loạt xe phân khối lớn...
-
Hai ông lớn xe máy Nhật Bản là Honda và Yamaha đã mang đến thị trường Việt Nam những mẫu xe động lai Hybrid (xăng và động cơ điện). Cụ thể, nếu như Honda Việt Nam trong năm 2018 đã giới thiệu mẫu xe PCX 150 hybrid, sử dụng kết hợp động cơ xăng và điện với giá bán 90 triệu đồng. Ngay sau đó, Yamaha Việt Nam cũng cho ra mắt dòng Grande mới sử dụng công nghệ Hybrid với giá bán gần 50 triệu đồng.
-
Theo thông tin từ nhà sản xuất, công nghệ Hybrid trên xe tay ga có mặt tại thị trường Việt là hệ thống trợ lực điện giúp tăng xe tăng và tối ưu công suất và giảm thiểu sự tiêu hao nhiên liệu trên xe. Khi xe vận hành, bộ phận kiểm soát khởi động phát điện sẽ kích hoạt mô tơ điện để tăng sức kéo cho động cơ. Đây hứa hẹn sẽ là “hot trend” cho thị trường xe máy tại Việt Nam trong thời gian tới.
-
Đầu tháng 11/2018, UBND Thành phố Hà Nội đã chính thức đặt bút kí biên bản ghi nhớ việc tổ chức một chặng đua Công thức 1 (Formula 1 - F1) trong vòng 10 năm, tính từ năm 2020. Chặng đua đầu tiên được ấn định từ tháng 4/2020. Mặc dù là đơn vị đứng ra đăng cai, nhưng UBND Hà Nội đã giao cho tập đoàn Vingroup triển khai tổ chức.
-
Đường đua tại Hà Nội dài 5.565m, do công ty Tilke (Đức) thiết kế, sẽ là sự kết hợp giữa đường giao thông hiện có và một phần nằm trên khu vực đã được quy hoạch của khu tổ hợp thể thao Mỹ Đình. Ban tổ chức F1 cho biết, đây là đường đua duy nhất trên thế giới có sự kết hợp này. Việc đăng cai tổ chức một chặng đua F1 được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá con người và văn hóa Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới.
-
Video: Top 10 sự kiện ôtô, xe máy tại Việt Nam trong năm 2018.