Rất ít loài bọ xít an toàn để làm thực phẩm

(khoahocdoisong.vn) - Tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vừa xảy ra vụ ngộ độc do ăn bọ xít khiến 19 người phải nhập viện. Theo các chuyên gia, sử dụng côn trùng làm thực phẩm phải rất cẩn trọng.

Đau mỏi, ngộ độc sau khi ăn côn trùng

Ngày 11/6, ông Cầm Kiên ở bản Khiêng, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu cùng 5 người khác được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La với biểu hiện đau mỏi cơ, đau bụng, nôn nhiều, đi ngoài và tổn thương tế bào gan được chẩn đoán là ngộ độc côn trùng. Trước đó, tối 10/6, có tất cả 19 người cùng bản Khiêng đã ăn bọ xít bắt được khi đi gặt lúa và đến sáng hôm sau thì có biểu hiện như trên. Cả 19 người sau khi ăn bọ xít đều có chung biểu hiện là đau người, đau bụng, nôn và đi ngoài. 13 người có biểu hiện nhẹ được điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu, 6 người có triệu chứng nặng được chuyển ngay xuống bệnh viện đa khoa tỉnh. Hiện sức khỏe của 19 người bị ngộ độc do ăn bọ xít đều đã ổn định.

GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, bọ xít có nhiều loài, trong đó cũng nhiều loài có thể có chất độc. Thông tin y học về độc tính của các loài sâu, bọ xít hiện nay còn ít. Do đó có rất ít loài sâu, bọ xít được khoa học chứng minh là an toàn để ăn. Do vậy mà năm nào cũng có không ít trường hợp ăn xong bị ngứa, dị ứng, thậm chí là ngộ độc. Trường hợp ngộ độc có thể do côn trùng có chứa một số chất gây dị ứng hay nhiễm vi sinh vật có hại. Côn trùng bắt ngoài tự nhiên, không phải là côn trùng sạch như nhiều người tưởng. Trên thân của nhiều loại côn trùng có chứa các loại nấm độc, giun tròn, bọ chét, rận, ve... Vì thế, khi sử dụng làm thức ăn, nếu không xử lý sạch sẽ có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong.

Ăn côn trùng đúng cách

GS Bùi Công Hiển cho biết, năm 1928, lần đầu tiên một nhà khoa học Pháp công bố các loài côn trùng có thể ăn được ở Việt Nam như cào cào, bọ xít, sâu chít... gần đây có thêm một vài nghiên cứu nhỏ, lẻ về thực phẩm từ côn trùng. Những nghiên cứu này là quá ít. Cần có những nghiên cứu bài bản, sâu, rộng về độc tố có trong côn trùng, khả năng bổ dưỡng của côn trùng, loài nào có thể sử dụng làm thực phẩm được, quy trình nhân nuôi - khai thác - chế biến phù hợp.

Còn khi chưa có những nghiên cứu sâu, rộng, người dân chỉ nên ăn những côn trùng đã được sử dụng làm thức ăn quen thuộc như nhộng, cào cào... không nên ăn những loài côn trùng lạ. Đặc biệt, khi chế biến món ăn cần phải có quy trình xử lý đảm bảo, ví dụ như nên rửa sạch côn trùng bằng nước muối, thậm chí là cồn để khử hết nấm độc, giun, rận... bám trên mình côn trùng. Khi chế biến nhớ đun chín, đặc biệt là cẩn thận khi sử dụng kết hợp các nguyên liệu khác.

GS.TSKH Vũ Quang Côn, Hội Côn trùng học Việt Nam cho hay, người dân cần tuân thủ một số hướng dẫn trong việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm để đảm bảo an toàn như tuyệt đối không sử dụng, không thử nghiệm các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Phải sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn như ngâm, thả côn trùng vào nước muối ấm, nước vôi... để côn trùng bị kích thích, thải hết chất độc trong ruột, tại các tuyến ngoại tiết; loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi; rửa sạch bằng nước ấm, nước muối để loại bỏ vi sinh vật, chất bẩn bám trên thân côn trùng; để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, nấu chín nguyên con không qua sơ chế, vệ sinh... Nguyên tắc khi ăn côn trùng là buộc phải chế biến ở nhiệt độ cao vì chất độc sẽ bị phân giải.

“Duy nhất có loài sâu ban miêu là chất độc không bị phân hủy kể cả khi đã nấu, chế biến ở nhiệt độ rất cao, người dân cần phải cẩn trọng để phân biệt chúng với các loài côn trùng khác”, GS.TSKH Vũ Quang Côn cho hay.

Bảo Khánh