Phạm vào những lỗi này, ô tô của bạn sẽ bị tịch thu vĩnh viễn

Các hành vi vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân hoặc tổ chức đều sẽ bị xử phạt rất nặng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Trong đó, mức cao nhất là hình thức tịch thu vĩnh viễn phương tiện để sung vào ngân sách nhà nước. 
 
Theo đó, tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã điều chỉnh lại một số quy định về luật an toàn giao thông đường bộ cũng như các biện pháp, chế tài xử lý. Đối với các hành vi cố tình vi phạm các quy định giao thông đường bộ sau đây đều sẽ bị xử lý khung cao nhất là tịch thu vĩnh viễn phương tiện:
I. Vi phạm của Chủ phương tiện.
Đối với phương tiện là Ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng:
- Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông (Theo Điểm a Khoản 7 và Điểm b Khoản 14 Điều 30 Nghị định 100).
- Đưa phương tiện thuộc một trong các trường hợp sau đây tham gia giao thông mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp. Theo Điểm m Khoản 7, Điểm e Khoản 8 và Điểm c Khoản 14 Điều 30 Nghị định 100):
+ Không có Giấy đăng ký xe.
+ Có Giấy đăng ký xe nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
+ Có Giấy đăng ký xe nhưng không đúng với số khung số máy của xe.
Pham vao nhung loi nay, o to cua ban se bi tich thu vinh vien
Đua xe trái phép và hàng loạt lỗi vi phạm sẽ bị tịch thu xe vĩnh viễn theo Nghị định 100. 
- Đưa phương tiện quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 6 Điều 28 Nghị định 100 (Theo Điểm đ Khoản 8 và Điểm b Khoản 14 Điều 30 Nghị định 100).
- Cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách (Theo Điểm b Khoản 9 và Điểm b Khoản 14 Điều 30 Nghị định 100)
Đối với phương tiện là Mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô:
- Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông (Theo Điểm a Khoản 5 và Điểm b Khoản 14 Điều 30 Nghị định 100).
- Đưa phương tiện thuộc một trong các trường hợp sau đây tham gia giao thông mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp. Theo Điểm g, Điểm h Khoản 5 và Điểm c Khoản 14 Điều 30 Nghị định 100):
+ Không có Giấy đăng ký xe.
+ Có Giấy đăng ký xe nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
+ Có Giấy đăng ký xe nhưng không đúng với số khung số máy của xe.
II. Vi phạm của Người điều khiển phương tiện.
Đối với phương tiện là Ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
- Đua ô tô trái phép (Theo Khoản 3 và Điểm b Khoản 4 Điều 34 Nghị định 100).
- Điều khiển xe thuộc một trong các trường hợp sau đây tham gia giao thông mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp. Theo Điểm a Khoản 4, Điểm đ Khoản 5 và Điểm đ Khoản 6 Nghị định 100):
+ Không có Giấy đăng ký xe theo quy định.
+ Sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
+ Sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe.
- Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng (trừ trường hợp xe ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách có niên hạn sử dụng vượt quá quy định về điều kiện kinh doanh của hình thức kinh doanh đã đăng ký nhưng chưa quá 20 năm tính từ năm sản xuất, xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi kinh doanh vận tải hành khách. Theo Điểm b Khoản 5 và Điểm d Khoản 6 Điều 16 Nghị định 100).
- Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. Theo Điểm c Khoản 5 và Điểm d Khoản 6 Điều 16 Nghị định 100).
Đối với phương tiện là Mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô:
- Đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép (Theo Khoản 2 và Điểm b Khoản 4 Điều 34 Nghị định 100).
- Điều khiển xe thuộc một trong các trường hợp sau đây tham gia giao thông mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp. Theo Điểm a, Điểm b Khoản 2 và Điểm đ Khoản 4 Điều 17 Nghị định 100.
+ Không có Giấy đăng ký xe theo quy định.
+ Sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
+ Sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe.
- Điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông (Theo Điểm b Khoản 3 và Điểm d Khoản 4 Điều 17 Nghị định 100).
- Tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi (Theo Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d Khoản 8 và Điểm c Khoản 10 Nghị định 100):
+ Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
+ Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị.
+ Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh.
+ Điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định.
Đối với phương tiện là Xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), xe thô sơ khác:
- Tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi (Theo Điểm a, Điểm b Khoản 3 và Khoản 5 Điều 8 Nghị định 100):
+ Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường.
+ Đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, xe đạp máy; đi xe bằng hai bánh đối với xe xích lô.
- Đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông (Theo Điểm b Khoản 1 và Điểm a Khoản 4 Điều 34 Nghị định 100. Chú ý: Chỉ tịch thu phương tiện, không tịch thu súc vật kéo, cưỡi).
Đối với phương tiện đăng ký hoạt động trong Khu kinh tế thương mại đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế:
- Tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi (Theo Khoản 1, Khoản 2 và Điểm b Khoản 3 Điều 36 Nghị định 100):
+ Không có tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập, tái xuất theo quy định.
+ Điều khiển xe không có phù hiệu kiểm soát theo quy định hoặc có nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
(Áp dụng chung với xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô)
Đối với phương tiện là Máy kéo (kể cả rơ moóc được kéo theo), xe máy chuyên dùng:
- Điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo trái quy định tham gia giao thông (Theo Điểm b Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 19 Nghị định 100).
- Điều khiển xe thuộc một trong các trường hợp sau đây tham gia giao thông mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp. Theo Điểm d, Điểm e Khoản 2 và Điểm d Khoản 3 Điều 19 Nghị định 100):
+ Không có Giấy đăng ký xe theo quy định.
+ Sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
+ Sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe.
III. Vi pham của tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ vận tải.
- Sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải có chất lượng, niên hạn sử dụng không bảo đảm điều kiện của hình thức kinh doanh đã đăng ký (trừ trường hợp xe ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách có niên hạn sử dụng vượt quá quy định về điều kiện kinh doanh của hình thức kinh doanh đã đăng ký nhưng chưa quá 20 năm tính từ năm sản xuất, xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi kinh doanh vận tải hành khách. Căn cứ tịch thu phương tiện theo: Điểm i Khoản 6 và Điểm đ Khoản 10 Điều 28).
Thảo Nguyễn

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN