Theo nghiên cứu của Viện Bảo hiểm An toàn Giao thông Đường bộ Mỹ (IIHS), khi tai nạn xảy ra, hành khách ngồi trên ghế sau của ô tô có nguy cơ bị thương nặng hơn so với người phía trước. Theo thống kê, từ năm 2007 - 2022, tỷ lệ tử vong của hành khách phía sau tại Mỹ cao hơn 46% so với người ngồi ở hàng ghế trước.
Nguyên nhân là bởi khoang hành khách phía trước của ôtô hiện đại ít bị biến dạng trong những vụ va chạm trực diện ở tốc độ trung bình hơn. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ôtô còn thường bổ sung túi khí và dây đai an toàn nâng cao cho hàng ghế trước thay vì hàng ghế sau.
Để thúc đẩy các hãng ôtô giảm tỷ lệ tử vong của hành khách ngồi trên ghế sau, IIHS đã triển khai thử nghiệm va chạm trực diện mới. Cách đây không lâu, IIHS đã áp dụng thử nghiệm này với 13 mẫu xe ôtô SUV gia đình phổ biến tại thị trường Mỹ để xem khả năng bảo vệ hành khách phía sau của chúng. Kết quả cho thấy những tính năng an toàn nâng cao dành cho người lái và người ngồi trên ghế phụ lái không đồng nghĩa với việc bảo vệ hành khách phía sau tốt hơn.
Cụ thể, IIHS đã tiến hành thử nghiệm va chạm trực diện kiểu mới với 13 mẫu SUV là Ford Explorer, Ford Mustang Mach-E, Subaru Ascent, Tesla Model Y, Honda Pilot, Hyundai Palisade, Jeep Grand Cherokee, Jeep Wrangler, Mazda CX-9, Nissan Murano, Chevrolet Traverse, Toyota Highlander và Volkswagen Atlas. Tất cả những mẫu xe này đều thuộc phiên bản từ 2021 - 2023.
|
Tesla Model Y là 1 trong số 4 mẫu SUV gia đình có khả năng bảo vệ hành khách phía sau tốt nhất trên thị trường Mỹ hiện nay |
Sau thử nghiệm, chỉ có 4 mẫu SUV là Ford Explorer, Ford Mustang Mach-E, Subaru Ascent và Tesla Model Y được đánh giá "Tốt" về khả năng bảo vệ hành khách ngồi ghế sau. Điều này có nghĩa là xe có thể ngăn hình nộm ngồi trên hàng ghế trước và ghế sau tiếp xúc với các khu vực trong nội thất. Đồng thời, 4 mẫu xe này cũng ngăn được lực gây nguy cơ chấn thương vùng đầu, cổ, ngực, bụng và đùi cho hình nộm trong thử nghiệm.
Trong khi đó, 3 mẫu xe Chevrolet Traverse, Toyota Highlander và Volkswagen Atlas nhận đánh giá "Kém" về khả năng bảo vệ hành khách phía sau. Với Volkswagen Atlas và Toyota Highlander, hình nộm ngồi ở hàng ghế sau có nguy cơ bị chấn thương ở đầu hoặc cổ. Nguy cơ bị chấn thương ở Chevrolet Traverse cao hơn so với 2 mẫu xe kể trên.
Những mẫu xe còn lại, bao gồm Honda Pilot, Hyundai Palisade, Jeep Grand Cherokee, Jeep Wrangler, Mazda CX-9 và Nissan Murano, đều bị đánh giá là có khả năng bảo vệ hành khách phía sau ở mức "Tệ". Ở Mazda CX-9, Jeep Grand Cherokee, Nissan Murano, Hyundai Palisade và Honda Pilot, hành khách ngồi phía sau có nguy cơ bị chấn thương ở đầu hoặc cổ cao. Trong khi đó, nguy cơ này ở Jeep Wrangler là rất cao.
|
Nguy cơ chấn thương của hành khách ngồi phía sau trên Jeep Wrangler là rất cao |
Chưa hết, Jeep Wrangler còn thiếu túi khí bên sườn ở hàng ghế sau trong khi dây đai an toàn bị tụt khỏi vị trí lý tưởng trên khung chậu xuống bụng trong thử nghiệm va chạm. Với Mazda CX-9, Jeep Grand Cherokee, Hyundai Palisade và Honda Pilot, lực căng của dây đai an toàn ở ghế sau khiến hành khách có thể bị thương.
Trong thử nghiệm mới này, IIHS mô phỏng tình huống 2 chiếc xe va chạm trực diện nhưng không hẳn là đối đầu ở vận tốc 40 dặm/h (khoảng 64 km/h). Thay vào đó, va chạm này sẽ mô phỏng tình huống 1 chiếc xe chạy lấn sang làn đường ngược chiều ngoài đời thực. Bên trong những chiếc xe thử nghiệm, ngoài hình nộm ở ghế lái còn có 1 hình nộm đại diện cho 1 người phụ nữ với thể hình nhỏ hoặc trẻ em 12 tuổi ở hàng ghế sau.
Gần như toàn bộ những mẫu xe bị đánh giá "Tệ" kể trên lại được đánh giá "Tốt" ở khả năng bảo vệ người ngồi phía trước. Bà Emily Thomas, Giám đốc mảng an toàn xe hơi của tạp chí Consumer Reports, giải thích nguyên nhân là bởi xe hơi hiện chưa có nhiều tính năng an toàn dành cho hành khách phía sau.
|
Jeep Wrangler còn không có túi khí bên sườn cho hàng ghế sau |
Ví dụ, dây đai an toàn ở hàng ghế trước trên phần lớn các mẫu xe đời mới đều có bộ căng đai khẩn cấp. Tính năng này giúp thắt chặt dây đai an toàn khi va chạm xảy ra. Bên cạnh đó là bộ giới hạn lực giúp hành khách không bị thương vì dây đai an toàn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tạp chí Consumer Reports, trong số các mẫu ô tô phổ thông đời 2022 bán tại Mỹ, chỉ có khoảng 51% xe được trang bị dây đai an toàn có bộ căng đai khẩn cấp và bộ giới hạn lực ở hàng ghế sau.
Sau khi IIHS tung ra kết quả thử nghiệm, một số hãng xe như Mazda, Hyundai hay Honda đã lên tiếng phản hồi và hứa hẹn sẽ cải tiến xe trong tương lai để tăng khả năng bảo vệ hành khách ngồi phía sau.
Đây là lần thứ hai IIHS thực hiện thử nghiệm va chạm trực diện mới. Trước đó, IIHS đã đánh giá các mẫu SUV cỡ nhỏ phổ biến ở thị trường Mỹ như Ford Escape, Volvo XC40, Toyota RAV4, Audi Q3, Nissan Rogue, Subaru Forester, Buick Encore, Chevrolet Equinox, Honda CR-V, Honda HR-V, Hyundai Tucson, Jeep Compass, Jeep Renegade, Mazda CX-5 và Mitsubishi Eclipse Cross. Trong số đó, chỉ có Ford Escape và Volvo XC40 đạt kết quả "Tốt".