Xin ông cho biết, hiện có các kết quả nghiên cứu nào đã được chuyển giao thành công cho nông dân ở địa phương? Hiệu quả của chúng như thế nào?
Cá nhân tôi cho rằng, tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo rất tốt các ngành vào cuộc, đặc biệt là ngành khoa học và công nghệ trong việc tăng cường ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ cho nhân dân thể hiện ở việc ban hành Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 tập trung vào các nhiệm vụ ứng dụng triển khai, mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Hạn chế tối đa việc thí nghiệm, thực nghiệm “trên lưng bà con nông dân”; thể hiện ở việc đầu tư kinh phí cho khoa học và công nghệ năm sau cao hơn năm trước mặc dù chưa được nhiều (bình quân chỉ đạt mức 0,65 - 0,67% so với 2% tổng chi ngân sách mà Nghị quyết TW2 Khóa VIII đã quy định) nên các kết quả nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn.
Đến nay, nhiều công nghệ mới được ứng dụng làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất. Nhiều tiến bộ KHCN trong sản xuất rau, hoa quả được thực hiện như trồng hoa công nghệ cao, trồng rau theo quy trình VietGap... Nhiều sản phẩm nông sản đã, đang và sẽ được xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý như nhãn lồng Hưng Yên, tương bần, vải lai chín sớm Phù Cừ, gà Đông Tảo...
Việc ứng dụng và chuyển giao KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tập trung vào giải quyết các vấn đề về giống cây trồng, vật nuôi; đưa các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế vào sản xuất góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh, cụ thể:
Trong sản xuất nông nghiệp, họat động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KHCN góp phần duy trì và đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 4%; năng suất lúa bình quân toàn tỉnh tăng từ 9,8tấn/ha/năm (2006) lên trên 13,5 tấn/ha/năm (2013-2014) góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn; giá trị sản xuất từ 28 triệu đồng/ha lên trên 60triệu đồng/ha. Giai đoạn 2006 - 2014 đã chủ động sản xuất và cung cung ứng 100% nhu cầu hạt giống lúa siêu nguyên chủng, trên 70% nhu cầu hạt giống lúa chất lượng tại địa phương (cao gấp hơn 9 lần so với năm 2000).
Đặc biệt dự án “Xây dựng hệ thống sản xuất giống lúa tỉnh Hưng Yên” đã chọn lọc được giống lúa "Nếp thơm Hưng Yên", hiện đang hoàn thiện thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công nhận “Giống lúa quốc gia”.
Ngoài ra, nhiệm vụ KHCN của tỉnh còn tập trung vào việc xây dựng mô hình thâm canh các giống cam, quýt đường canh, cam Vinh, bưởi Diễn, ổi lai tại các xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), Hoàng Hanh (Tiên Lữ). Nghiên cứu, lựa chọn các giống rau màu, đậu đỗ, giống chuối tiêu hồng... phù hợp với từng vùng đất bãi, từng mùa vụ trong năm nhằm chuyển giao kỹ thuật gieo trồng, thâm canh, khai thác có hiệu quả vùng đất bãi sông Hồng, sông Luộc.
Đồng thời, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho nhân dân các xã Quảng Châu, Lam Sơn (thành phố Hưng Yên), Hoàng Hanh (Tiên Lữ), Ngọc Thanh (Kim Động), Tống Trân, Nguyên Hoà (Phù Cừ)... Đặc biệt để bảo tồn giống nhãn lồng đặc sản của Hưng Yên, đưa cây nhãn trở thành một cây có tỷ trọng cao trong kinh tế hộ gia đình.
Sở KHCN đã xây dựng được khu vườn bảo tồn các giống nhãn đầu dòng, tổ chức bình tuyển được 39 cây nhãn lồng đầu dòng, trong đó có 11 cây nhãn đầu dòng thuộc 3 trà nhãn là nhãn chín sớm, nhãn chín muộn và nhãn chín chính vụ được Bộ NN&PTNT công nhận là giống đầu dòng quốc gia được phép nhân giống.
Nếu như trước những năm 90, sản lượng nhãn trên địa bàn tỉnh không ổn định, thường xảy ra tình trạng “năm ăn quả, năm trả cành” (một năm có quả, một năm không có quả) thì từ năm 2006 trở lại đây, các nhà vườn ở Hưng Yên đã biết ứng dụng tiến bộ kĩ thuật thâm canh, khắc phục cơ bản hiện tựợng được mùa cách năm của nhãn. Sản lượng nhãn những năm gần đây đều cao hơn so với trước.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều giống gia súc, gia cầm, thủy cầm năng suất, chất lượng được đưa vào nuôi thả với quy mô công nghiệp, hiện đại mang lại hiệu quả kinh tế cao như: ngan Pháp, gà hướng trứng HA1, gà tây Huba, bò lai shin, lợn hướng nạc, cá rô đầu vuông... Trong đó, shin hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn là một trong những chương trình tiêu biểu, tạo điều kiện nâng cao chất lượng vật nuôi.
Nhờ vậy, đến hết năm 2008, toàn tỉnh đã có tỷ lệ bò lai shin chiếm 90%, đàn lợn hướng nạc chiếm gần 60% tổng đàn. Lĩnh vực thủy sản cũng có những bước phát triển vượt bậc. Nếu như trước đây, giống cá mới như rô phi đơn tính đều phải mua từ nơi khác nhưng đến nay nguồn giống sản xuất tại tỉnh không những đáp ứng đủ nhu cầu nuôi thả trong tỉnh mà còn cung cấp cho một số tỉnh lân cận.
Mô hình nuôi cá thâm canh phát triển mạnh bằng các giống cá như: Chim trắng, rô phi đơn tính, chép lai 3 máu, cá rô đồng, chép lai V1… Một số giống thuỷ sản quý có giá trị kinh tế cao được đưa vào nuôi thử nghiệm như cá điêu hồng, cá rô đầu vuông, chép lai V1, trắm đen, cá lồng,…
Đặc biệt thời gian qua đã xây dựng được nhiều các nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù như nhãn lồng Hưng Yên, vải lai chín sớm Phù Cừ, quất cảnh Văn Giang, Trạm bạc Huệ Lai, chuối tiêu hồng Khoái Châu, gà Đông Tảo,… đã khẳng định được giá trị của các sản phẩm đặc thù, bên cạnh đó giúp người sản xuất trách nhiệm hơn với sản xuất, người tiêu dùng tin tưởng hơn vào sản phẩm mình sử dụng. Do đó, đã nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất.