Giải mã lời nguyền 300 năm của các vương triều cổ đại

Lý giải về "lời nguyền 300 năm" của các vương triều cổ đại, nhà sử học Trương Quốc Cương cho biết, câu trả lời nằm ở "chế độ gia tộc" – một hệ thống truyền ngôi vốn dĩ mang trong mình những hạt giống của sự suy vong.

Từ khi nhà Tần thiết lập đế chế tập quyền trung ương đầu tiên, các triều đại đại nhất thống ở Trung Quốc dường như chịu một lời nguyền vô hình, đó là hiếm có triều đại nào tồn tại quá 300 năm.

Ngay cả những triều đại hùng mạnh như nhà Đường với 289 năm trị vì, hay nhà Tống (nếu tính gộp Bắc và Nam Tống là 319 năm) cũng không thoát khỏi quy luật này. Giáo sư Trương Quốc Cương, chuyên gia lịch sử tại Đại học Thanh Hoa, cho rằng câu trả lời nằm ở "chế độ gia tộc" – một hệ thống truyền ngôi vốn dĩ mang trong mình những hạt giống của sự suy vong.

Ảnh minh họa.

Theo giáo sư Trương, việc truyền ngôi trong hoàng tộc, dựa chủ yếu trên huyết thống hơn là năng lực, đã tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng. Cụ thể, việc lựa chọn người kế vị thường không dựa trên năng lực mà chỉ chọn được người tạm đủ điều kiện trong một nhóm ứng viên không mấy xuất sắc, dẫn đến việc những người không đủ năng lực, thậm chí là yếu kém, bất tài, vẫn có thể lên nắm quyền lực tối cao.

Hậu quả là nhiều triều đại đã sụp đổ không phải vì ngoại xâm, hay thiên tai, mà chính là do sự bất tài, vô năng của những người kế vị. Chỉ cần một, hai đời hoàng đế yếu kém liên tiếp, đế chế sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn, tạo điều kiện cho các thế lực nổi dậy tranh giành quyền lực.

Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy một "quy luật ngầm" khác. Giáo sư Trương chỉ ra rằng, đa số các triều đại mới thành lập đều trải qua một giai đoạn "thịnh trị ban đầu". Nếu trong vòng 50 năm đầu tiên, hoặc trong 3 đời hoàng đế đầu tiên mà không xảy ra những biến cố lớn thì đó là dấu hiệu cho thấy chế độ mới đã được củng cố, được lòng dân và các thế lực chống đối chưa đủ mạnh để thách thức.

Thời kỳ này các vấn đề xã hội chưa trầm trọng, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, xã hội ổn định, đánh dấu một thời kỳ thái bình thịnh trị. Nhà Đông Hán là một ví dụ, dù có tới 11/14 vị hoàng đế lên ngôi khi chưa trưởng thành nhưng trong một giai đoạn nhất định, triều đại này vẫn duy trì được sự ổn định tương đối.

Nhưng đó chỉ là giai đoạn "trăng mật". Theo thời gian, các vấn đề xã hội bắt đầu bộc lộ và trở nên trầm trọng. Chế độ "gia tộc" lại một lần nữa bộc lộ những điểm yếu chí mạng, khó tìm được người kế vị tài giỏi, vấn đề ruộng đất dẫn đến chênh lệch giàu nghèo, chính quyền không giải quyết mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng, quan hệ với các dân tộc thiểu số ở biên giới xấu đi… Sự tích tụ của những vấn đề này cuối cùng dẫn đến bất ổn xã hội, khởi nghĩa nông dân và sự sụp đổ của triều đại.

Vậy "lời nguyền 300 năm" là do định mệnh hay do con người? Giáo sư Trương cho rằng, đó là sự kết hợp của cả hai yếu tố. "Lệnh trời" có thể tạo ra cơ hội, nhưng "con người" lại tự tạo ra những điều kiện dẫn đến sự sụp đổ. Chế độ "gia tộc" với những bất cập cố hữu, đã góp phần lớn vào việc đẩy nhanh quá trình suy vong của các triều đại thống nhất Trung Hoa. Bài học lịch sử này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc lựa chọn người tài, cải cách chính trị cũng như giải quyết các vấn đề xã hội một cách hiệu quả để xây dựng một quốc gia vững mạnh và trường tồn.

Bích Hậu (Theo Sohu)