Đại tướng quân lập công to, nào ngờ mất mạng chỉ vì đôi đũa

Dù lập nhiều chiến công hiển hách nhưng chỉ vì một đôi đũa, đại tướng quân tài ba đã bị hoàng đế nghi kị, cuối cùng bị bắt giam, chết uất ức trong tù.

Lịch sử cổ đại Trung Quốc ghi nhận nhiều trường hợp những lời nói tưởng chừng nhỏ nhặt lại dẫn đến những hậu quả khôn lường, đặc biệt trong triều đình phong kiến, nơi quyền lực tối thượng nằm trong tay Hoàng đế. Ngay cả các đại thần có trách nhiệm dâng sớ can gián cũng phải luôn cẩn trọng lời ăn tiếng nói. Nếu làm Hoàng đế không vui, dù nói đúng sự thật cũng có thể đối mặt với nguy cơ bị chém đầu.

Câu chuyện về đại tướng quân Chu Á Phu dưới thời Hán Cảnh Đế là một minh chứng rõ nét cho điều này. Một đôi đũa, một sự bất đồng quan điểm và cuối cùng là cái chết đầy oan khuất của một vị tướng tài ba, từng lập được nhiều chiến công hiển hách.

Ảnh minh họa.

Giáo sư Vương Lập Quân, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử nổi tiếng đã phân tích chi tiết về bi kịch cuộc đời Chu Á Phu. Ông cho rằng, tính cách cương trực, thẳng thắn, đôi khi cứng nhắc của Chu Á Phu đã trở thành nguyên nhân dẫn đến sự bất hòa không thể hàn gắn giữa ông và Hán Cảnh Đế. Mặc dù lập được chiến công hiển hách trong việc dẹp loạn "Ngô sở thất quốc chi loạn", giúp củng cố vững chắc quyền lực của nhà Hán nhưng những bất đồng quan điểm liên tiếp lại đẩy ông vào bước đường cùng.

Sự kiện phế bỏ Thái tử Lưu Vinh và lập Lưu Triệt (sau này là Hán Vũ Đế) làm Thái tử là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi mối quan hệ giữa Chu Á Phu và Hán Cảnh Đế. Chu Á Phu, với tư cách là một trong những trọng thần của triều đình, đã thẳng thắn bày tỏ sự phản đối với quyết định này của Hoàng đế. Hành động này đã khiến Cảnh Đế cảm thấy bị xúc phạm và bắt đầu xa lánh vị tướng tài ba này.

Những bất đồng quan điểm không chỉ dừng lại ở vấn đề chính trị. Trong một sự kiện khác, khi 5 tướng lĩnh cấp cao của Hung Nô đầu hàng, Hán Cảnh Đế muốn phong thưởng cho họ để khuyến khích thêm nhiều người khác đầu hàng. Tuy nhiên Chu Á Phu phản đối kịch liệt. Ông cho rằng những người này phản bội đất nước mình, nếu phong họ làm Hầu thì chính là khuyến khích các thần tử không cần trung thành với Hoàng đế. Tuy nhiên, Cảnh Đế không nghe theo ý kiến của ông, vẫn quyết tâm phong Hầu, Chu Á Phu liền cáo bệnh xin nghỉ vào triều.

Đỉnh điểm của sự bất hòa là buổi tiệc mà Cảnh Đế đặc biệt tổ chức để thử thách Chu Á Phu. Trên bàn chỉ có một miếng thịt lớn chưa được cắt nhỏ và không có bất kỳ dụng cụ ăn uống nào. Chu Á Phu đành phải quay sang bảo người hầu mang đũa đến. Cảnh Đế thấy vậy liền hỏi ông có bất mãn gì không. Chu Á Phu vội vàng đứng dậy, cởi mũ, hành lễ tạ lỗi với Cảnh Đế rồi quay người rời đi. Cảnh Đế nhìn theo và thở dài: "Kẻ bất mãn này, không phải là người phụng sự Thiếu chủ", ý là người mang tâm trạng bất mãn như vậy chắc chắn không phải là người phụng sự Thái tử.

Bi kịch càng trở nên bi thảm hơn khi con trai của Chu Á Phu bị vu cáo tội mưu phản vì tội mua 500 bộ giáp, thực chất là để chuẩn bị cho việc mai táng của cha. Dù Chu Á Phu đã hết lời phân trần nhưng Cảnh Đế đã không nghe, ông bị kết tội làm phản và bị giam cầm. Trong ngục, ông không chịu nổi sự nhục nhã này đã tuyệt thực 5 ngày và qua đời vì uất ức nôn ra máu.

Câu chuyện về Chu Á Phu không chỉ là bi kịch của một cá nhân mà còn là bài học lịch sử sâu sắc về sự nguy hiểm của việc cứng nhắc, thiếu khéo léo trong chính trường phong kiến. Nó cũng phản ánh sự khó lường của quyền lực và sự bất công có thể xảy ra ngay cả đối với những người có công lớn với đất nước. Câu chuyện về đôi đũa định đoạt số phận của Chu Á Phu mãi mãi là một vết đen trong lịch sử nhà Hán.

Bích Hậu (Theo Touitao)